Ông Kiều Hữu Dũng từ chức Chủ tịch Chứng khoán Sacombank
(Dân trí) - Giữa lúc Kiểm toán E&Y lưu ý về nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động của SBS trong một tương lai gần thì công ty có dự kiến sẽ sáp nhập với Chứng khoán Phương Nam. Cùng với đó, lãnh đạo cao nhất của công ty cũng từ nhiệm.
Ông Kiều Hữu Dũng sau khi rời SBS vẫn đang là Thành viên HĐQT Sacombank. Ngân hàng đang nắm gần 11% vốn SBS.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán, hai Sở giao dịch và Trung Tâm lưu ký cho biết, Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đã thông qua việc từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm thành viên HĐQT của ông Kiều Hữu Dũng “theo nguyện vọng cá nhân”.
Theo đó, ông Dũng muốn rời khỏi các vị trí này kể từ ngày 19/8/2013. Hội đồng quản trị SBS cho biết, sẽ trình Đại hội cổ đông SBS xem xét quyết định trong phiên họp gần nhất theo quy định.
Trong thông báo lần này, SBS không công bố ai sẽ là người thay thế vị trí của ông Dũng sau khi ông này từ nhiệm.
Ông Kiều Hữu Dũng bắt đầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sacombank kể từ ngày 16/6/2012. Trước đó, ông Dũng từng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo tại các tổ chức khác nhau.
Một thời gian dài trong khoảng từ năm 1992 đến 2001, ông Dũng từng là cán bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Ngân hàng Nhà nước, sau đó là đại diện Chính phủ Việt Nam tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trước khi làm Chủ tịch Chứng khoán ACB từ năm 2008 đến 2009…
Hiện tại, sau khi rời khỏi SBS, ông Dũng vẫn đang là Thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Hồi cuối năm 2011, Sacombank đã thực hiện thoái mạnh vốn tại SBS, từ tỉ lệ gần 49% xuống còn 10,95%.
Sự ra đi của ông Kiều Hữu Dũng rơi vào thời điểm SBS vẫn chưa ra khỏi khó khăn và lối thoát của công ty này là dự kiến sẽ hợp nhất với CTCK Phương Nam (PNS).
Mới đây, tại báo cáo tài chính riêng giữa niên độ qua soát xét của Kiểm toán E&Y, tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của SBS bị âm 249 tỷ đồng do công ty phát sinh lỗ lũy kế là 1.765 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn khả dụng không đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thông tư số 226 do Bộ Tài chính ban hành ngày 31/12/2010 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.
Đồng thời, công ty vẫn còn tồn đọng các khoản nợ phải trả chưa được xử lý như khoản phải trả cho trái chủ đã quá hạn trị giá 130 tỷ đồng, khoản phải trả bị quá hạn liên quan đến các hợp đồng mua các cổ phiếu chưa niêm yết trị giá 59 tỷ đồng và các khoản phải trả hợp đồng môi giới mua chứng khoán đã quá hạn thanh toán trị giá 50 tỷ đồng.
“Các vấn đề này gây ra mối nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của Công ty trong một tương lai gần”, Kiểm toán E&Y lưu ý.
Cổ phiếu SBS đã bị hủy niêm yết bắt buộc kể từ 25/3/2013 và giao dịch phiên cuối cùng vào ngày 22/3 sau hơn 20 phiên liên tục giảm sàn. Giá đóng cửa phiên cuối cùng là 900 đồng/cp, lao dốc thảm hại so với mức giá đóng cửa phiên đầu tiên là 42.000 đồng.
Mai Chi