Ông Huỳnh Thế Du: Nên hỗ trợ doanh nghiệp "khỏe", coi chừng gói tín dụng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo ông Huỳnh Thế Du, nếu không giám sát được mà không muốn hệ lụy rủi ro thì tốt nhất đừng có gói tín dụng, dùng nguồn lực vào việc khác như đầu tư công, an sinh xã hội, giảm chi phí doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng phục hồi, bật tăng 

Theo kế hoạch, chiều nay (11/1), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ với Dân trí, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng việc ban hành gói hỗ trợ, kích thích là rất cần thiết

Gói kích thích phục hồi kinh tế cơ bản cần có 4 phần: chi cho việc nâng cao năng lực hệ thống y tế, phúc lợi cho người dân, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và tăng đầu tư công. Chính sách hỗ trợ cần kịp thời, đúng đối tượng…

Điều được nhiều người quan tâm nhất khi bàn về gói hỗ trợ là khả năng hấp thụ. Theo quan điểm của ông Du, nếu với người dân, chúng ta hỗ trợ người yếu thế, đối tượng dễ bị tổn thương để người dân không ai bị bỏ lại ai phía sau thì với doanh nghiệp phải ngược lại: phải cứu những bên có khả năng giúp cho việc phục hồi kinh tế tốt, cứu những bên trên bờ vực phá sản là "chết" ngay, ông Du nói.

"Việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng nên theo hướng tiếp cận những doanh nghiệp có tiềm lực, phục hồi tốt, như giảm chi phí, giảm thuế… Riêng đối với gói tín dụng thì cần hết sức cẩn thận", ông Du lưu ý.

Ông Huỳnh Thế Du: Nên hỗ trợ doanh nghiệp khỏe, coi chừng gói tín dụng - 1

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam (Ảnh: IT).

Theo vị này, gói tín dụng càng không nên cho những doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vay, nếu không thì nợ xấu sẽ tăng nhanh, nền kinh tế sẽ gặp rất nhiều thách thức. Bài học từ hơn một thập niên trước đây vẫn còn rất thời sự đối với Việt Nam.

"Hỗ trợ doanh nghiệp phải hỗ trợ "ông" mạnh, "ông" có sức khỏe tốt, "ông" có khả năng phục hồi sản xuất, đưa nền kinh tế mau chóng bật trở lại. Còn những doanh nghiệp yếu kém thì nên theo cơ chế phá hủy sáng tạo, sự thanh lọc tự nhiên", ông Du nêu quan điểm.

Vị chuyên gia nhấn mạnh thêm, chúng ta phải bàn sao để dùng nguồn lực có hiệu quả cho xã hội chứ không mang tính "từ thiện". Nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp phải đặt sự hiệu quả lên hàng đầu.

"Với 2 doanh nghiệp tốt với sắp phá sản thì sẽ cứu ai? Giả sử nếu có tiền, bạn sẽ cho người có năng lực, có tiềm năng để trả hay cho ông sắp phá sản vay?", ông Du đặt vấn đề. Theo vị này, hỗ trợ doanh nghiệp phải đặt tiêu chí hiệu quả lên số một. Mục tiêu là làm cho "cái bánh" của cả xã hội to lên.

Ông Du cho biết, cũng có một ngành và số doanh nghiệp khó khăn trực tiếp do ảnh hưởng của đại dịch như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ… Khi nền kinh tế trở lại hoạt động thì họ sẽ quay trở lại, có thể sẽ có quy mô nhỏ hơn nhưng đó là quy luật thị trường. Có những doanh nghiệp mà với tình hình dịch bây giờ, có đổ tiền vào cho họ làm họ cũng không làm, muốn cứu cũng không cứu được. Rất không nên dành nguồn lực hữu hạn cho những doanh nghiệp như vậy.

Lo ngại gì về việc hỗ trợ tín dụng?

Khi đề cập đến gói hỗ trợ lần này, nhiều lo ngại về bài học cũ, khi vốn rẻ chạy quá nhiều vào các thị trường tài sản… gây "bong bóng" chứng khoán, bất động sản.

Ông Huỳnh Thế Du cho rằng, gói tín dụng cần phải "đúng đối tượng, đúng nhu cầu". Nhưng để xác định được đúng đối tượng ở Việt Nam là rất khó.

"Cứ nói là tiền đó để đưa vào sản xuất kinh doanh nhưng lại dùng để mua bán bất động sản thì sao kiểm soát được. Việc kiểm soát được dòng tiền sử dụng đúng mục đích vào sản xuất kinh doanh hay không là rất khó", ông Du nói.

Cách đơn giản nhất đối với các ngân hàng là doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì cho vay. "Không phân theo ngành, cứ đủ điều kiện là giải ngân, vay để bán trà đá cũng được, vay để sản xuất chip điện tử cũng được", ông Du phân tích. Đương nhiên là không nên cho vay những hoạt động mà ngân hàng biết chắc là không tạo ra nhiều giá trị cho xã hội như đầu cơ tích trữ, mua bán lòng vòng hưởng chênh lệch giá. Chừng nào giải ngân hết gói thì thôi.

Tuy nhiên về lý thuyết, ông Du cho rằng có thể giám sát được "đồng nào mua mắm đồng nào mua dưa". Nhưng thực tế thì không làm được việc đó. Nên nếu có gói hỗ trợ tín dụng thì cũng phải tính toán, chấp nhận rủi ro nếu muốn triển khai.

"Nếu không giám sát được mà không muốn hệ lụy rủi ro thì tốt nhất đừng có gói đó. Dùng nguồn lực vào việc khác như đầu tư công hoặc an sinh xã hội, và hỗ trợ giảm chi phí doanh nghiệp. Cần xem doanh nghiệp khó khăn gì tập trung vào cái đó", ông Du nêu quan điểm.

Một trong những băn khoăn lớn của các nhà thiết kế chính sách khi nói về gói hỗ trợ này, đó là nỗi lo không tiêu được tiền.

Thảo luận về nội dung này, ông Du cho biết, có một vấn đề khiến "tắc" trong giải ngân đầu tư công, đó là mục tiêu đảm bảo quy định là ưu tiên số 1, chứ giải ngân không phải là ưu tiên hàng đầu. Ai cũng sợ trách nhiệm, nên nhiều khâu dừng hoặc chậm. Thẳng thắn nhìn nhận thì chúng ta đang có vấn đề về mặt cơ cấu, thể chế và tâm lý cán bộ. Đây là vấn đề hết sức phức tạp.

"Trong các nội dung chi ngân sách, đầu tư công thuộc nhóm đơn giản và dễ làm vì đã có quy trình rõ ràng và bộ máy thực thi. Nó đơn giản hơn nhiều so với việc chi hỗ trợ lãi suất với những thiết kế phức tạp hay các khoản chi khác chưa có tiền lệ", ông Du nói. "Xét về công cụ chính sách, đầu tư công không chỉ dễ làm, mà còn tạo lan tỏa, tác động lớn nhất tới kinh tế. Động lực tăng trưởng ở đây rất lớn. Do vậy, phải cố gắng làm cho bằng được", ông nêu quan điểm.

Cũng theo vị chuyên gia này, địa phương và các bộ ngành thường "đá" trách nhiệm cho nhau khi chậm giải ngân đầu tư công. Ai cũng có cái lý của mình. Ai nào cũng muốn mình đúng và đẩy cái khó khỏi mình. Muốn tiêu được tiền thì phải "chữa" được bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy chịu trách nhiệm. Đây cũng là đặc thù khu vực đầu tư công ở nhiều nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. 

Cuối cùng theo vị chuyên gia, điều ông quan tâm là làm sao tăng được tính hiệu quả của Nhà nước, giảm bớt sự cồng kềnh, tập trung làm tốt những việc quan trọng với các ưu tiên hàng đầu là an sinh xã hội, hệ thống y tế và đầu tư công. Trong thời gian tới cần phải cải thiện hiệu quả của khu vực công.