1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kinh tế tuần qua:

Ông Hoàng Trung Hải, ông Vũ Huy Hoàng bị xem xét trách nhiệm tại dự án hơn 8.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vi phạm, khuyết điểm xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên là thông tin gây chú ý nhất trong tuần qua. Theo đó, ông Hoàng Trung Hải và ông Vũ Huy Hoàng bị xem xét kỷ luật.

Dự án TISCO “đắp chiếu”: Vì sao ông Hoàng Trung Hải, ông Vũ Huy Hoàng bị xem xét kỷ luật?

Ông Hoàng Trung Hải, ông Vũ Huy Hoàng bị xem xét trách nhiệm tại dự án hơn 8.000 tỷ đồng - 1

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, một trong những dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên ( Dự án TISCO II) .

Trong thông cáo phát đi ngày 9/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công Thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Dự án TISCO II.

Ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007-2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên thứ trưởng Lê Dương Quang, Đỗ Hữu Hào cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II. 

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421 tỷ đồng, tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng gần 3.900 tỷ đồng. Hiện lãi vay của dự án này vẫn phải trả 40 tỷ đồng/tháng.

Điểm đáng lưu ý, đến nay dự án “ngốn” hàng tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành. Năm 2014, nhà thầu dừng thi công, dự án “đắp chiếu” nhưng vẫn cõng số lãi vay khổng lồ.

Nguyên nhân đẩy dự án này rơi vào tình trạng trên, theo Thanh tra Chính phủ, là do xảy ra nhiều sai phạm, khuyết điểm của lãnh đạo công ty này và nhiều bộ ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Trong đó, trách nhiệm của Bộ Công Thương không hề nhỏ.

Đáng chú ý, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ việc Bộ Công Thương ký văn bản đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.104 tỷ đồng mặc dù trước đó các bộ ngành đều cho rằng không có cơ sở điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là không đúng hợp đồng EPC, quy định của pháp luật về đầu tư.

Thủ tướng: Chưa xác định thời gian hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ông Hoàng Trung Hải, ông Vũ Huy Hoàng bị xem xét trách nhiệm tại dự án hơn 8.000 tỷ đồng - 2

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)

Trả lời chất vấn Đại biểu Bùi Huyền Mai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông đô thị TP. Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị nhằm tăng cường loại hình vận tải hành khách công cộng, giảm ùn tắc giao thông.

Lộ trình đầu tư các tuyến phụ thuộc vào sự cần thiết, nhu cầu vận tải và hiệu quả đầu tư các dự án. Bên cạnh đó, do nguồn lực đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn, việc điều chỉnh dự án theo đúng trình tự, thủ tục cần thời gian nên việc triển khai đầu tư các dự án theo quy hoạch chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Riêng dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án. Dự án đưa vào vận hành khai thác nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn; những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo chi tiết Quốc hội việc này.

Sau bao tranh cãi nảy lửa về Quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn muốn giữ

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83, trong đó có sửa đổi một số điểm.

Tuy nhiên, liên quan đến một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất thời gian qua về Nghị định 83 là Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì sẽ tiếp tục được giữ lại.

“Ban soạn thảo thống nhất giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì một số lý do quan trọng”, ông Đông nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ linh hoạt để bình ổn giá xăng dầu trong nước, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, cần kiểm soát theo luật giá, đồng thời phải đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng.

Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Kiên làm Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế

Ông Hoàng Trung Hải, ông Vũ Huy Hoàng bị xem xét trách nhiệm tại dự án hơn 8.000 tỷ đồng - 3

Ông Nguyễn Đức Kiên (ảnh: Hà Nguyễn)

Thủ tướng Chính phủ vừa điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV - giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, theo Quyết định 1800/QĐ-TTg ngày 12/12/2019.

Ông Nguyễn Đức Kiên, sinh năm 1960, quê Ninh Bình. Ông Kiên có bằng Tiến sĩ kinh tế, trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Tân Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII và XIV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng.

Tổ Tư vấn kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

Bên cạnh đó, phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra…

Mai Chi (tổng hợp)