Sau bao tranh cãi nảy lửa về Quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn muốn giữ

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Ban soạn thảo thống nhất giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi sửa đổi Nghị định 83.

Sau bao tranh cãi nảy lửa về Quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn muốn giữ - 1
Bộ Công Thương thống nhất vẫn giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để có công cụ điều tiết và bình ổn giá phù hợp nhằm kiểm soát CPI, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Ảnh: M.Q.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83, trong đó có sửa đổi một số điểm.

Tuy nhiên, liên quan đến một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất thời gian qua về Nghị định 83 là Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì sẽ tiếp tục được giữ lại.

“Ban soạn thảo thống nhất giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì một số lý do quan trọng”, ông Đông nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ linh hoạt để bình ổn giá xăng dầu trong nước, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, cần kiểm soát theo luật giá, đồng thời phải đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng.

Tuy nhiên ông Đông cũng nhấn mạnh, các quy định mới đưa ra sẽ đặt yêu cầu tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch, cơ chế giám sát rõ hơn để đảm bảo vai trò của quỹ bình ổn giá.

Ông Đông cũng khẳng định việc sửa đổi Nghị định 83 sẽ bám sát mục tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Trước đó trao đổi với PV Dân trí, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cứ điều hành theo cơ chế thị trường là tốt nhất, giá xăng dầu lên thì người tiêu dùng chịu mà giá xuống thì họ hưởng lợi.

Bản chất của quỹ này chỉ là "kìm" việc tăng giá trong một mức nhất định, sau đó giá cũng sẽ được điều chỉnh, người tiêu dùng gần như không được hưởng lợi mà còn phải ứng tiền trước cho quỹ.

Trong khi đó, doanh nghiệp phải gửi tiền vào một tài khoản cố định, doanh nghiệp hoàn toàn không được động vào số tiền này. Nhưng khi quỹ âm thì doanh nghiệp phải vay ngân hàng hoặc bỏ vốn tự có bù đắp.

Việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay theo ông Đinh Tuấn Minh cũng chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng của người dân thời gian qua.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng đã nhiều lần kiến nghị các Bộ, ngành và Chính phủ xem xét lại việc sử dụng, duy trì quỹ này. Trong văn bản gửi Chính phủ hồi tháng 4, Hiệp hội này lập luận, việc trích lập Quỹ 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã chia sẻ về một số nội dung chính dự kiến sửa đổi Nghị định 83 như: Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Về đối tượng quản lý; Về cơ chế điều hành giá xăng dầu; Nội dung về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Về điều kiện phòng thử nghiệm trong quản lý chất lượng xăng dầu...

Nguyễn Mạnh