Ông Hồ Đức Phớc yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc sự cố sàn HSX

Mai Chi

(Dân trí) - Cuối ngày 10/6, Bộ Tài chính phát hành thông cáo về nội dung Thanh tra Bộ Tài chính đã quyết định thanh tra hành chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX).

Ông Hồ Đức Phớc yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc sự cố sàn HSX - 1

Sự cố nghẽn lệnh trên HSX gây bức xúc lớn với cộng đồng nhà đầu tư (Ảnh: Báo Hải quan).

Trong thông báo của Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết, trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HSX diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thanh tra đối với HSX.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính ngày 10/6 đã ký quyết định thanh tra hành chính tại HSX. Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể với HSX.

Quyết định thanh tra của Bộ Tài chính diễn ra trong bối cảnh sàn HSX trong thời gian qua để xảy ra tắc, nghẽn trầm trọng.

Tình trạng tắc, nghẽn ngày càng trở nên tồi tệ. Nếu như trước đây, nghẽn lệnh chỉ xuất hiện cuối phiên thì gần đây, ngay từ đầu phiên sáng, việc giao dịch đã trở nên khó khăn. Đặc biệt là phiên 8/6, VN-Index không hiển thị, thanh khoản bị che khuất, gây bức xúc lớn trong cộng đồng nhà đầu tư.

Bản thân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã quán triệt, hiện tượng nghẽn lệnh vừa qua phải được đặc biệt quan tâm, "phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh", bởi vì, "ách tắc là thiệt hại".

Trong một nghiên cứu mới công bố, Vietnam Report đánh giá, đây là một yếu tố rủi ro thị trường, "khiến người tham gia cảm thấy giống như bị bàn tay vô hình chi phối".

Gần đây, các công ty chứng khoán đưa ra thông báo đến nhà đầu tư về việc ngưng sửa và hủy lệnh giao dịch như một giải pháp tạm thời nhằm giảm tình trạng nghẽn lệnh. Theo quan điểm của các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về vấn đề này, nhà đầu tư có thể sử dụng lệnh thị trường để tăng khả năng khớp lệnh.

Thực tế, với chính sách "đóng băng" tính tăng hủy/sửa lệnh, thanh khoản trên sàn HSX nhiều phiên đã vượt 30.000 tỷ đồng, liên tục thiết lập kỷ lục mới.

"Tuy nhiên, điều này dẫn đến rủi ro mua cổ phiếu với giá cao (mua đuổi để khớp) và bán với giá thấp (bán bất chấp khi thị trường đảo chiều). Do đó, thị trường có thể xảy ra những biến động lớn hơn trong giai đoạn này" - VDSC cho hay.

Trước đó, HSX nhờ một số điều chỉnh kỹ thuật tạm thời đã phần nào giải quyết được tình trạng nghẽn lệnh từ ngày 12/4 khi nâng tổng số lượng lệnh mua và bán đạt lên 800.000 lệnh (cao hơn so với mức giới hạn khoảng 640.000 lệnh tại thời điểm trước đó).

Các nhà phân tích cũng ghi nhận, việc nâng số lượng lệnh thật sự mang lại hiệu ứng tích cực trên cả thị trường. Cụ thể, VN-Index tăng 6,8% trong giai đoạn từ ngày 12/4 đến 1/6, mức tăng này cao hơn so với giai đoạn trước khi số lệnh chưa được nâng (VN-Index tăng 4,6% từ ngày 23/2 đến 9/4).

Ở một diễn biến khác, trong ít ngày trở lại đây, nhiều nhà đầu tư đã thể hiện sự bức xúc thông qua đồng loạt đánh giá 1 sao đối với HSX trên Google.

Rất nhiều người dùng Google đã đưa ra nhận xét rất tiêu cực, không hài lòng với các dịch vụ của HSX cung cấp cho nhà đầu tư.

Theo người dùng có tài khoản Ngọc Tân Đặng: "Hiện tượng giật, lệnh khớp nhảy loạn xạ, bảng điện đơ không cập nhật đúng với thực tế. Hệ thống giao dịch đã hơn 6 tháng qua vẫn chưa xử lý được. Đề nghị ban lãnh đạo sớm khắc phục tránh gây thiệt hại và gây tâm lý ức chế cho nhà đầu tư".

Sau "bão" chấm điểm tiêu cực, thậm chí có một số nhà đầu tư còn góp nội dung vào từ điển Wikipedia với phần nhận xét đối với HSX:

"Đây là sàn chứng khoán có chất lượng dịch vụ thuộc hàng thấp kém nhất thế giới và ban lãnh đạo yếu kém, không có tầm nhìn. HOSE nổi tiếng với việc bị cộng đồng nhà đầu tư đồng loạt đánh giá 1 sao trên Google sau khi không cho hủy/sửa lệnh. Ông Lê Hải Trà - Giám đốc đương nhiệm của HOSE nổi tiếng là người với nhiều phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội và sự im lặng khó hiểu về sự vận hành yếu kém của hệ thống HOSE...". (Trích nguyên văn).

Trao đổi với PV Dân trí mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nhận xét, thực trạng này cho thấy nhân sự lãnh đạo HSX "yếu quá". Theo đó, ông Hải đề nghị Bộ Tài chính cần xem lại công tác bổ nhiệm nhân sự tại HSX.

"Tại một số quốc gia, chỉ cần xảy ra sự cố với sàn giao dịch một phiên thôi đã phải thay Tổng giám đốc, còn vì sao ở ta vẫn để mãi như vậy?" - ông Hải cho hay. Đồng thời, lãnh đạo VAFI đề nghị phương án nên cổ phần hóa HSX và nhân sự điều hành phải tuyển chọn được người có năng lực, thậm chí là thuê CEO nước ngoài.