Ông Hồ Đức Lam tiếp tục “giữ ghế” Chủ tịch Nhựa Rạng Đông thêm 5 năm

(Dân trí) - Với tỷ lệ nắm giữ gần 65% cổ phần RDP như hiện nay, ông Hồ Đức Lam có khả năng chi phối hoạt động và các quyết định tại Nhựa Rạng Đông. Con trai ông Lam là Hồ Đức Dũng hiện vẫn đang đóng vai trò là Thành viên Hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông sau khi đã miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc điều hành từ tháng 11/2017.

​Ông Hồ Đức Lam có thời gian dài làm việc, gắn bó tại Nhựa Rạng Đông
​Ông Hồ Đức Lam có thời gian dài làm việc, gắn bó tại Nhựa Rạng Đông

Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông vừa công bố thông tin cho biết, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này mới đây đã ban hành nghị quyết thông qua việc bầu chọn ông Hồ Đức Lam tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới năm 2018-2023. Đồng thời ông Hồ Đức Lam cũng sẽ là người đại diện theo pháp luật của Nhựa Rạng Đông.

Nhựa Rạng Đông là công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước vào năm 2004.

Ông Hồ Đức Lam hiện đang là cổ đông lớn nhất tại Nhựa Rạng Đông với số cổ phần áp đảo. Tính đến cuối năm 2017, ông Hồ Đức Lam sở hữu 18.146.296 cổ phiếu RDP chiếm tỷ lệ 64,15% vốn điều lệ công ty này.

Năm vừa rồi, ông Lam đã nhận thêm cổ tức là cổ phiếu RDP với khối lượng 3.488.543 đơn vị. Với thị giá RDP hiện nay, khối tài sản trên sàn của cá nhân ông Lam ở mức 245 tỷ đồng.

Với tỷ lệ nắm giữ như hiện nay (gần 65%), ông Lam có thể chi phối các quyết định quan trọng cũng như hoạt động của Nhựa Rạng Đông.

Ngoài ra, tại Nhựa Rạng Đông, bà Hồ Thị Kim Thoa (chị ruột ông Lam) cũng sở hữu một khối lượng cổ phiếu 9.803 đơn vị và hai người con của ông Lam là Hồ Đức Dũng và Hồ Hoàng Mai cũng sở hữu lần lượt 9.870 cổ phiếu và 2.476 cổ phiếu RDP.

Riêng ông Hồ Đức Dũng hiện vẫn đang đóng vai trò là Thành viên Hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông sau khi đã miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc điều hành từ tháng 11/2017.

Năm 2017, Nhựa Rạng Đông kinh doanh thua lỗ với mức lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 54,8 tỷ đồng. Mức lỗ hợp nhất là 55,3 tỷ đồng, đảo ngược so với kết quả lãi năm 2016 là 53 tỷ đồng. Lỗ cơ bản trên cổ phiếu 2.019 đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2017, nợ phải trả của Nhựa Rạng Đông tăng rất mạnh lên 1.024,7 tỷ đồng (tăng 373,5 tỷ đồng so với cuối năm 2016). Trong đó, nợ ngắn hạn là 727,3 tỷ đồng (tăng 196,5 tỷ đồng).

Tính đến cuối năm ngoái, Nhựa Rạng Đông có tới 472,2 tỷ đồng nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Trong khi đó, dòng tiền đã âm gần 44 tỷ đồng.

Trước tình hình này, mới đây Sở Giao dịch TPHCM (HSX) đã quyết định đưa cổ phiếu RDP của Nhựa Rạng Đông vào diện cảnh báo kể từ 4/5/2018.

Ông Hồ Đức Lam sinh năm 1962, xuất thân là một công nhân cơ điện tại Xí nghiệp liên hiệp gỗ diêm Hòa Bình (năm 1983-1987). Đến tháng 2/1990, ông Lam về Công ty Nhựa Rạng Đông và bắt đầu công tác với vị trí kỹ thuật viên về điện.

Cuối năm 1993, ông Lam được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà máy Cơ khí động lực Công ty Nhựa Rạng Đông. Đến đầu năm 1995, ông trở thành Phó phòng Kỹ thuật của công ty và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kỹ thuật, Bí thư chi bộ Phòng Kỹ thuật vào 1 năm sau đó.

Từ tháng 3/2002, ông Hồ Đức Lam ngồi vào ghế Giám đốc điều hành và trở thành Thành viên Hội đồng quản trị. Đến năm 2006, ông Lam chính thức trở thành Tổng giám đốc công ty này.

Hiện tại, với trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, kỹ sư điện, ông Hồ Đức Lam là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Rạng Đông. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam.

Bích Diệp

Ông Hồ Đức Lam tiếp tục “giữ ghế” Chủ tịch Nhựa Rạng Đông thêm 5 năm - 2