Ông chủ Vinaxuki lại cầu cứu Thủ tướng

(Dân trí) - Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) lại vừa có báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh thành đề nghị Thủ tướng “giúp đỡ theo cơ chế, chính sách hiện hành” để thực hiện giấc mơ "ô tô Việt" của mình.


Đến giờ, khi nhà máy lâm vào tình trạng quá khó khăn, ông Huyên vẫn đau đáu với giấc mơ ô tô Việt do ông sản xuất

Đến giờ, khi nhà máy lâm vào tình trạng quá khó khăn, ông Huyên vẫn đau đáu với giấc mơ ô tô Việt do ông sản xuất

Theo văn bản này, ông Bùi Ngọc Huyên Vinaxuki cho biết, từ mấy năm nay, Văn phòng Chính phủ đã gần chục lần chuyển ý kiến của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ nghiên cứu cho Vinaxuki cơ cấu lại vốn đầu tư và cho Vinaxuki vay vốn lưu động sản xuất lắp ráp các dòng xe ô tô.

Dựa theo các ý kiến của các cơ quan, Vinaxuki đã xây dựng các phương án kinh doanh sản xuất, trả nợ và gửi các ngân hàng đề nghị được tái cơ cấu lại vốn đầu tư để kinh doanh sản xuất, xin được vay vốn lưu động và hoàn trả nợ vay trong thời gian 5 năm như các văn bản, các quyết định của Thủ tướng và Thống đốc NHNN về xử lý nợ xấu.

“Chủ trương của Chính phủ, của Thống đốc NHNN là đúng nhưng việc thực hiện lại rất khó với những doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng hỗ trợ và sản xuất các dòng xe ưu tiên của chiến lược và quy hoạch của Chính phủ vì nhiều lý do. Đây là một nguyên nhân mà ô tô không phát triển”, báo cáo do ông chủ của Vinaxuki - Bùi Ngọc Huyên cho biết.

Theo lãnh đạo của Vinaxuki, qua 5 năm xin tái cơ cấu vốn đầu tư, sau khi được các ngân hàng cho vay vốn kích cầu đầu tư và sử dụng vốn tự có để đầu tư, Vinaxuki đã cho ra một số dòng xe ưu tiên và còn đủ điều kiện vay nên từ đầu năm 2013, công ty này đã xây dựng tài liệu xin tái cơ cấu và vay vốn lưu động.

"Tuy nhiên, sau nhiều năm dù được trình bày với các lãnh đạo các chi nhánh của Vietcombank, BIDV, VietinBank và cơ bản họ đồng ý với đề nghị tái cơ cấu vốn đầu tư và cho vay vốn lưu động để Vinaxuki tiếp tục sản xuất và trả nợ nhưng cấp trên của họ không đồng ý”, ông Huyên cho biết.

Những lý do được đưa ra để từ chối đề nghị của Vinaxuki được nêu ra như “Vinaxuki đầu tư đúng hướng, BIDV đã cơ cấu nhưng vì đồng tài trợ Vietcombank không cơ cấu, không cho vay”, “các chi nhánh không có quyền, trên không ký”, “VAMC ủng hộ nhưng VAMC không có tiền, cơ chế này VAMC khó giúp Vinaxuki”, “Ngân hàng phát triển đồng ý cho Vinaxuki vay nhưng phải xây dựng dự án mới”…


Ông Huyên với sản phẩm chưa được hoàn chỉnh

Ông Huyên với sản phẩm chưa được hoàn chỉnh

“Qua 5 năm chạy khắp các cửa mà không được vay vốn lưu động dù Vinaxuki đã có đầy đủ đất đai, nhà xưởng và các dây chuyền máy móc hiện đại, là doanh nghiệp công nghiệp ô tô duy nhất sản xuất phụ tùng cốt lõi bằng công nghệ cao, đã làm ra được các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia với công nghệ cao, làm ra các mẫu xe ưu tiên với mức nội địa hoá trên 40% vẫn còn tài sản cầm cố, dự án khả thi…Vinaxuki chỉ xin được cứu giúp, xin được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỷ vốn lưu động để sản xuất, để đảm bảo việc làm và đời sống công nhân kĩ sư trong lúc thị trường ô tô tăng nóng 45-56% mà không được", ông Huyên cho hay.

Ông Huyên cũng cho biết thêm rằng, từ năm 2013, Vinaxuki đã nhiều lần đề nghị ngân hàng cho vay từ 10-40 tỷ đồng tuỳ từng chi nhánh, tổng số tiền vay chỉ 150 tỷ đồng để mua nguyên liệu, trả lương, tiền điện, thuế và bảo lãnh cho Vinaxuki nhập phụ tùng cho các nhà máy vận hành 5-6% công suất (5.000-6.000 xe/năm)… nhưng các ngân hàng không đồng ý và chỉ khăng khăng yêu cầu bán toàn bộ công ty. Nay ngân hàng muốn bán từng phần nhưng cũng rất khó vì dây chuyền không đồng bộ như các nhà máy ô tô ở các nước nhưng chỉ có vài khách tìm hiểu và cũng chưa có kết quả do họ trả quá rẻ.

“Thực tế Vinaxuki 5 năm qua không vay được đồng vốn lưu động nào nên các kế hoạch đổ vỡ, Vinaxuki không trả được nợ. Trong khi đó, năm 2013, thị trường xe tải nặng thiếu xe, giá xe tăng cao, các ngân hàng cho các công ty TMT và Trường Hải vay nhiều vốn, nhập khẩu xe nguyên chiếc, phụ tùng.... Nếu các năm 2012-2015, Vinaxuki được vay vốn lưu động sản xuất xe tải nặng và xe khách tại Thanh Hoá thì không những trả hết nợ mà còn còn có lãi. Theo mục tiêu, kế hoạch năm 2014 và 2015, Vinaxuki tăng dần sản lượng lên 20.000 và 25.000 xe đạt doanh thu 6.000 - 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận lần lượt 500 và 800 tỷ đồng”, ông Huyên cho biết.


Ông Huyên đã khá thành công với việc lắp ráp, sản xuất các dòng xe tải Vinaxuki và đã thu được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, đáng tiếc ông lại không tiếp tục con đường này.

Ông Huyên đã khá thành công với việc lắp ráp, sản xuất các dòng xe tải Vinaxuki và đã thu được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, đáng tiếc ông lại không tiếp tục con đường này.

Theo đó, Vinaxuki đề nghị Thủ tướng xem xét giúp đỡ vì "chính sách có mà không ai thực hiện chứ không phải lậy lộc, xin xỏ, dựa dẫm quen biết gì Chính phủ và các Bộ, các viện”. Đồng thời, Vinaxuki tiếp tục đề xuất vay 200 tỷ đồng vốn lưu động hoặc mời ngân hàng cùng đầu tư để các nhà máy vận hành trở lại và tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả nợ VAMC và các ngân hàng. Công ty cũng đề nghị Thủ tướng thành lập một tổ công tác có chuyên gia nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và ngân hàng tham gia để giúp Thủ tướng xem xét lại tất cả những công việc về công nghiệp ô tô.

Theo công suất thiết kế ban đầu, nhà máy Vinaxuki có lượng nhân công dự kiến lên tới 6.000 người. Trong đó tại Nhà máy ở Thái Nguyên có 300 người, Nhà máy ở Thanh Hóa 3.000 người và còn lại là Mê Linh (Hà Nội). Về quy mô, riêng nhà máy tại Mê Linh được xây dựng trên diện tích 200.000 m2 tại hai xã là Tiền Phong (Mê Linh) và Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội). Nếu đủ vốn, hoạt động hết công suất, nhà máy có thể tạo công ăn việc làm cho hơn 9.000 lao động, sản xuất ra 30.000 xe/năm.

Tuy nhiên, đến nay, Nhà máy tại Thanh Hoá đã được đề xuất thu hồi đất. Nhà máy tại Mê Linh chỉ còn một số công nhân đang làm việc. Nhiều khu vực nhà máy, cỏ ngập tràn. Ông Bùi Ngọc Huyên dự kiến bán một phần lớn diện tích đất của nhà máy để trả nợ.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm