Ông chủ Minh Long được vinh danh điển hình xuất sắc của thời kỳ đổi mới
Đứng chung hàng cùng những trí tuệ, nhân cách xuất sắc của Việt Nam, ông Lý Ngọc Minh cảm nhận giây phút được tôn vinh vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm Nhà nước gửi gắm; hun đúc thêm quyết tâm phải phát triển, vững mạnh hơn nữa.
Được vinh danh, thấy thêm trách nhiệm
45 năm trong nghề, cán mốc vinh quang hàng ngàn lần nhưng lần nhận giải thưởng “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” hôm 20/5 gây ấn tượng sâu sắc với ông Lý Ngọc Minh - ông chủ của gốm sứ Minh Long 1, bởi tính nghiêm túc trong bình chọn và sự trân trọng của Ban tổ chức dành cho các thành viên.
Đúng như đánh giá của Ban tổ chức: Nếu như sức mạnh tập thể mang lại những sự phát triển thần kỳ, thì những con người xuất sắc chính là chìa khóa để mở ra con đường đó. 18 cá nhân được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” là những con người tài năng, mưu trí đã làm tốt nhiệm vụ của mình, góp sức xây dựng xã hội tốt đẹp hơn và trực tiếp gắn với sự đổi thay của đất nước.
Đứng chung hàng cùng những trí tuệ, nhân cách xuất sắc của Việt Nam, ông Lý Ngọc Minh cảm nhận giây phút được tôn vinh vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm Nhà nước gửi gắm; hun đúc thêm quyết tâm phải phát triển, vững mạnh hơn nữa.
Khiêm tốn, ông tự nhận những đóng góp của mình như “hạt cát, viên gạch, nhưng là những hạt cát, viên gạch tiêu biểu”.
Ông nói: “Mỗi quốc gia đều có phải có sản phẩm, nét gì đó đặc trưng mới được nhớ tới. Nói Hà Lan, người ta nhắc hoa tulip, nói Thụy Sĩ, người ta nhắc đồng hồ. Khi nói tới Việt Nam, tôi muốn người ta phải nhắc tới một ngành nghề nào đó; và tôi muốn, nói tới gốm sứ, người ta nhắc tới Việt Nam.
Cho tới giờ này, tôi có thể tự hào về kỹ thuật vẽ tay, in ấn, lên màu, nung, sử dụng tay nghề, ở cấp độ bậc cao của ngành gốm sứ Việt, chỉ Minh Long mới có được. Nghìn trùng sản phẩm, nếu nhìn gần, không cần nhìn chỉ dấu của công ty trên sản phẩm, hay dòm từ xa, người ta vẫn thấy đó là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, là sản phẩm của Minh Long”.
“Vua gốm sứ Việt” chia sẻ bí quyết cùng bạn trẻ khởi nghiệp
Ông Lý Ngọc Minh kể một sự việc xảy ra vào năm 1972 trong bước đầu khởi nghiệp của ông. Khi đó Sài Gòn có hãng gốm nổi tiếng tên là Thực Dụng của ông Lý Văn Tường. Ông Lý học tiến sĩ ở Pháp về, có kỹ thuật làm men chảy tạo nên những màu xanh ve chai, nâu, đen cho gốm rất đẹp. Với bản tính thông minh, ông Lý Ngọc Minh nhìn ngắm sản phẩm là về “bắt chước” được ngay.
Mấy hôm sau, ông Tường cử người đến gặp: “Cậu thông minh, tài giỏi, có thể làm được nhiều điều to lớn hơn. Vì vậy hãy đi hướng khác có được không?” Ông Lý Ngọc Minh lúc đó mới 19 tuổi nói ngay: “Từ ngày mai, sẽ không có sản phẩm nào giống như vậy nữa”.
Chàng thanh niên trẻ lúc đó đã nhận ra: “Phải con đường mình tạo ra mới rộng. Không nên đua chen đi con đường của người khác”. Ông muốn chia sẻ bí quyết thành công của Minh Long: Không bao giờ làm sản phẩm na ná, giông giống của bất kỳ ai. Dòng sản phẩm của Minh Long là duy nhất, là sự sáng tạo đỉnh cao.
Ông nói: Ở Nhật Bản, Đài Loan có hàng trăm, hàng ngàn hãng gốm sứ nhưng mỗi hãng một kiểu cách, một hoa văn khác nhau. Các hãng không bao giờ bắt chước nhau. Việt Nam chúng ta nên học tập điều này. Chúng ta nên đẩy vấn đề lên để tất cả thanh niên, những người khởi nghiệp nên vạch con đường đi riêng cho mình trong tự trọng. Có tự trọng thì mới luôn sáng tạo, đổi mới không ngừng. Có vậy, nước mình mới có những sản phẩm độc đáo, riêng biệt. “Đừng bao giờ khởi nghiệp trên nền tảng ý tưởng của người khác. Đừng bao giờ…” - ông nhắc đi nhắc lại như vậy.
Nhắc đến chuyện khởi nghiệp, ông Lý Ngọc Minh hào hứng hẳn. Đôi mắt ông sáng rực, lấp lánh. Ông nói: Thành công chỉ có 1 công thức: Đam mê, khổ luyện. Không thành công nào là dễ dàng. Trên đường đua, người chiến thắng chỉ hơn nhau 1/2, thậm chí chỉ 1/3 giây. Phút mình muốn bỏ cuộc thì người ta cũng muốn bỏ cuộc. Ai vượt qua được giây phút nghiệt ngã đó, sẽ chiến thắng.
Người ta xem công việc là áp lực, với tôi lại là một cuộc chơi. “Chơi” trong sự đam mê bất tận. Nếu chỉ làm ăn, thì lúc nào cũng tính đến lợi nhuận. Với tôi, gốm sứ là cuộc chơi, là cuộc chơi cả đời tôi đam mê đắm đuối. Tôi chưa bao giờ đưa một sản phẩm ra thị trường mà nhắm vào việc kiếm tiền.
Mà chơi là tôi chỉ thích chơi hàng khó. Khi xuất khẩu, tôi chọn các thị trường khó tính nhất để chinh phục. Ở châu Âu, Pháp là quốc gia yêu cầu cao nhất trong đồ gốm sứ. Từ năm 1995 đến nay, Minh Long vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất vào Pháp. 6 tháng đầu năm 2017, Minh Long đã nhận được đơn hàng 32 triệu USD từ Pháp.
Tất cả các hãng gốm sứ lớn nhất thế giới nhiều lần đến Minh Long tha thiết mời Minh Long gia công, nhưng tôi đều lắc đầu. Tôi làm nghề sành sứ không phải để kiếm tiền mà vì đam mê. Nếu tôi nhận lời làm gia công thì 10 công ty Minh Long (hiện có gần 4.000 nhân công) cũng làm không hết việc.
Để nói điều gì đó với các bạn trẻ đang trên đường khởi nghiệp, “vua gốm sứ Việt Nam” - “Edison của Việt Nam” nhắn nhủ: 99% thành công là may mắn, chỉ 1% là thực sự chính mình. 1% nhưng cực kỳ quan trọng vì nó quyết định cho cuộc chơi và có thể làm thay đổi cuộc chơi đó.
Cái không may mắn, biết tận dụng sẽ thành may mắn
Cái không may mắn là tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, chỉ học hết lớp 5. Nhưng cái may mắn là nếu tôi được đi học đầy đủ, bài bản, tôi sẽ chỉ làm được theo sách vở. Không tự nghiên cứu, sáng tạo đột phá để có được Minh Long ngày nay.
Cái không may mắn của Minh Long là sinh ra trong một đất nước nghèo, nhưng lại thành may mắn là công ty phải trở thành hãng gốm sứ 5 trong 1: phải tự làm tất cả nên biết tất cả.
Cái không may mắn là Minh Long từng rơi vào cửa tử. Phải “mở đường máu”, tìm cách vượt qua và thành công vượt bậc. Công nghệ nung 1 lần là thành tựu lớn mà hãng gốm sứ nào trên thế giới cũng ao ước.
Thái Anh