Ô tô "sang chảnh" giảm giá vẫn "bết bát", gần hết năm chưa bán nổi 100 xe

(Dân trí) - Hết 10 tháng năm 2019, lượng xe bán tải bán ra tại thị trường Việt Nam có xu hướng tăng lên bất chấp phí trước bạ được điều chỉnh. Trong khi đó, một số mẫu xe sang dù giảm giá nhưng doanh số suy giảm mạnh như Mercedes, Accord...

Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe bán tải bán ra trong 10 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 18.200 chiếc, tăng hơn 6.200 chiếc (khoảng 51%) so với cùng kỳ năm trước. Xe bán tải có mức tăng đứng thứ 4 trong các dòng xe bán ra tại Việt Nam chỉ sau sedan, SUV và MPV.

Các mẫu xe bán tải có doanh số cao gồm Ford Ranger trong 10 tháng đã đạt hơn 10.500 chiếc, chiếm gần 60% tổng lượng xe bán tải bán ra và tăng 50% so với doanh số cùng kỳ năm trước.

Các mẫu xe như Toyota Hilux bán được hơn 2.300 chiếc, tăng gần 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ tăng gần 200% về lượng. Mẫu Mazda BT50 cũng có doanh số đạt hơn 1.500 chiếc, bằng với lượng tiêu thụ cùng kỳ năm trước; mẫu Colorado của Chevrolet do VinFast bán ra đạt hơn 1.400 chiếc, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Ô tô sang chảnh giảm giá vẫn bết bát, gần hết năm chưa bán nổi 100 xe - 1

Một mẫu xe bán tải 

Trong khi đó, hàng loạt mẫu xe sang, cao cấp thuộc phân khúc D và E giảm doanh số mạnh, đầu tiên phải nói đến Honda Accord, mẫu xe này qua 10 tháng chỉ bán được hơn 85 chiếc, bằng số lẻ so với cùng kỳ năm trước.

Các dòng xe Mercedes có mức suy giảm đáng báo động khi chỉ bán ra được 1.400 chiếc, giảm 3.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giảm hơn 240% về lượng.

Riêng mẫu Toyota Camry, 10 tháng qua dù có được giảm giá chủ động từ hãng, song doanh số cũng chỉ đạt 4.300 chiếc tăng hơn 600 chiếc (phần lớn do mẫu Camry mới nhập từ Thái và mẫu giảm giá lắp ráp trong nước). Mazda 6 có mức suy giảm khoảng 200 chiếc so với trước, chỉ đạt 1.400 chiếc. Rõ ràng các mẫu xe sedan hạng D đã và đang yếu thế hơn so với các loại xe giá rẻ hơn cùng phân khúc.

Trên thị trường, các mẫu xe cạnh tranh với Camry, Accord, Mazda 6 như Elantra của Hyundai, Kia Cerato, Mazda 3 hay VinFast LuxA2.0 đang có thiết kế kiểu dáng và nội thất rất bắt mắt, đủ sức cạnh tranh mạnh mẽ trong dòng xe sedan.

Khảo sát tại một số đại lý xe hơi ở Hà Nội, nhu cầu mua xe hơi trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng nhiều nhất trên thị trường. Các mẫu xe hatchback, sedan hoặc xe đa dụng đô thị ở mức giá này có doanh số rất cao.

Thực tế, tại Việt Nam các hãng áp đặt giá cho thị trường nên mới có hiện tượng các dòng xe từ trên 700 triệu đồng mới được trang bị đẩy đủ đa tiện ích, các dòng xe giá rẻ hơn sẽ bị thiếu hụt thậm chí bị cắt bớt đi.

Trao đổi với PV Dân trí, một chuyên gia xe hơi cho biết việc cắt bớt các tiện ích và đa phương tiện thực tế không khiến giá thành sản xuất giảm đi bởi trong nguyên lý thiết kế tiêu chuẩn cho một số loại xe nhất định, nhà sản xuất bắt buộc sẽ phải có đầy đủ túi khí, hệ thống phanh điện tử, cân bằng tự độ, trợ lực lái…

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, do chính sách thị trường, việc doanh nghiệp áp đặt giá khiến các loại xe đó xuất hiện ở thị trường này bị cắt thuộc tính, tiện ích so với bản tương tự ở thị trường khác, nhưng giá vẫn đắt hơn. Thị trường xe hơi Việt Nam là điển hình cho chính sách thị trường của các hãng xe.

Khoảng 2 năm trở lại đây, xuất hiện một số thương hiệu xe hơi đầu tư các tiện ích vào xe phân khúc B (dưới 700 triệu đồng) cả ở các bản sedan, SUV đô thị, Crossover hay MPV. Điều này giúp các hãng có doanh số cao, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. 

Tuy nhiên, xu hướng này mới chỉ xuất hiện ở một số ít doanh nghiệp và mẫu xe nhất định, còn đại đa số các hãng vẫn không muốn trang bị thêm nhiều tiện ích ngay cho các dòng xe đời đầu, dù biết có thể khiến doanh số tăng cao.

Nhiều người am hiểu thị trường xe lý giải rằng các hãng, doanh nghiệp không muốn vòng đời sản phẩm thay đổi quá nhanh, mất việc áp đặt giá vào người tiêu dùng, đặc biệt đối với một thị trường đang có nhu cầu cao như Việt Nam.

An Linh