Ô tô nhập khẩu “tắc” đường về Việt Nam: Lý nào lọt tai?
(Dân trí) - Đại diện những nhà nhập khẩu ô tô than dài về việc hoạt động gần như ngưng trệ sau khi áp dụng quy định mới – Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư số 03 của Bộ GTVT về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô. Doanh nghiệp sản xuất xe trong nước quyết liệt “phản pháo”…
Không khí cuộc đối thoại sáng 26/2 của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ tư vấn về cải cách hành chính của Chính phủ Mai Tiến Dũng với các doanh nghiệp (DN) liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 116 và Thông tư 03 nóng bỏng, gay cấn...
Gần như không ô tô nào được nhập về từ Tết
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) - Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam Toru Kinoshita bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của VAMA tới một số quy định trong Nghị định 116 và cho rằng các nhiều quy định đưa ra không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA. Hậu quả là cho đến nay, hầu như không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ 1/1/2018 đến nay.
Theo Chủ tịch VAMA, một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp bởi những quy định này đã làm gián đoạn và hầu như ngưng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ tất cả các nước. Điều này sẽ làm thu hẹp thị trường và với một số dòng xe có số lượng tiêu thụ nhỏ, không khả thi để tiến hành sản xuất trong nước nhưng rất quan trọng với nền kinh tế cũng không đưa về được, làm ảnh hưởng đến phát triển.
Ông Toru Kinoshi dẫn chứng, dòng xe Land Cruiser chuyên dùng cho khu vực miền núi “ách” đường nhập về Việt Nam từ đầu năm tới nay khiến nhiều người sốt ruột vì các hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhiều doanh nghiệp ở khu vực này đình trệ.
Theo ông Kinoshi, Nghị định 116 làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ô tô dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi khi mua xe của khách hàng. Nghị định cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô.
“Tôi mong Chính phủ nhanh chóng xem xét lại một số quy định hành chính trong Nghị định 116, giúp các thành viên VAMA sớm phục hồi lại các hoạt động sản xuất, nhập khẩu ô tô như bình thường, tiếp tục tạo điều kiện để đóng góp cho sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Mong Chính phủ sớm ban hành thêm một chính sách thuế phù hợp, nhằm giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước thu hẹp khoảng cách về chi phí với ô tô nhập khẩu đồng thời đảm bảo một tỷ lệ phù hợp giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu”- Chủ tịch VAMA kiến nghị.
“Tôi không xin ưu đãi”
Không đồng tình, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương cho rằng, quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại không chỉ riêng cho xe nhập khẩu mà xe sản xuất trong nước cũng phải xuất trình giấy này. Quy định này có từ 2006. Đến 2011 thì Bộ GTVT quy định nằm trong Thông tư 31 (15/4/2011), sau khi Nghị định 116 ra đời thì có Thông tư 03 để thay thế Thông tư 31 này.
Thực tế, việc này, theo ông Dương cũng không trái thông lệ quốc tế. Chủ tịch Thaco giờ lên một tập giấy tờ minh chứng cho việc từ năm 2011, làm đại diện phân phối cho nhiều hãng xe, doanh nghiệp này đã có được chứng nhận của của KIA từ Hàn Quốc, chứng nhận Peugeot (Pháp), chứng nhận của Mazda (Nhật)...
Ông Dương cho rằng, tác dụng của giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, nói lên công nghệ cũng như các tính năng của xe, được chứng thực bằng cơ quan được ủy quyền chứ không phải bằng phương thức quảng cáo, marketing của các thương hiệu. Ông nhấn mạnh, đây là tài liệu để khách hàng biết được xe của họ mua ở công nghệ nào, tính năng ra sao.
“Giấy chứng nhận kiểu loại là rất cần thiết, trong điều kiện khi xe nhập khẩu về chưa có đủ điều kiện về kiểm định. Giấy chứng nhận kiểu loại, mỗi hãng xe chứng nhận khác nhau, không nên bác bỏ giấy này mà cần tiến hành nhanh để rà soát lại các biểu mẫu của giấy chứng nhận kiểu loại, để có được bộ chứng nhận kiểu loại của Việt Nam”- ông Dương nói.
Ông Dương cũng quả quyết quy định đề ra không khó, phía Thaco vẫn đang tiếp tục nhập xe, nếu thống nhất được thì chỉ 2-3 tuần nữa doanh nghiệp sẽ đưa BMW về tới Việt Nam. Việc thiếu hụt xe trên thị trường ít tháng qua, theo đó, chính là do lỗi của các doanh nghiệp nhập khẩu khi không chủ động tìm hiểu chính sách.
Liên quan đến đường thử, ông Dương cho rằng, quy định làm đường thử dài 500m trước đây đã quá lỗi thời vì tồn tại gần 20 năm nay. Điều kiện phải có đường chạy thử tối thiểu 800m cũng không quá khó để đầu tư. Hơn nữa, theo ông Dương, quy định này cũng không làm khó các thành viên VAMA ngay vì đến 15/4/2019 mới phải bắt buộc áp dụng.
“Với sự tự trọng của tôi, tôi không xin sự ưu đãi và khẳng định Nghị định 116 cũng không dành ưu đãi gì cho DN sản xuất ô tô trong nước”- ông Dương cho rằng, Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước hãy quan tâm đến sản xuất, lắp ráp một cách hợp lý thay vì chỉ than rằng quy định làm khó cho việc nhập khẩu của mình.
Người Việt mong có chiếc xe của nước mình
Đại diện cho một cơ quan độc lập, đứng giữa, bà Phạm Ngọc Thủy, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng khẳng định tinh thần của Nghị định 116 đi đúng hướng, thể hiện quan điểm rõ ràng về việc phải xây dựng cho được ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước, đảm bảo chất lượng xe đến tay người tiêu dùng và ổn định dòng vốn cho sản xuất. Tuy nhiên, các quy định đang gây nhiều tranh cãi do các bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Về quy định giấy chứng nhận kiểu loại xe nhập khẩu, bà Thủy phân tích, mục đích là để quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc xe, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất. Vậy thì không nhất thiết phải khuôn vào quy định về tên loại giấy này mà có thể công nhận với những giấy tờ, văn bản cung cấp từ nhà sản xuất để chứng minh được những nội dung đó.
Hay vấn đề đường thử xe, khó khăn các doanh nghiệp phản ánh là về việc có được quỹ đất để làm đường thử. Nếu vậy, cơ quan nhà nước các cấp có thể tạo điều kiện, hỗ trợ để DN được giao đất đúng như những quy định ưu tiên với DN FDI đang được áp dụng trước nay.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ là thúc đẩy phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước tạo cơ chế chính sách tốt hơn để thu hút vốn đầu tư của các DN trong và ngoài nước vào sản xuất ô tô chất lượng cao của Việt Nam, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Cũng như Huyndai, Toyota, Ford… để có được thành công, bước đầu là dựa vào thị trường trong nước, sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước với các sản phẩm nội địa của mình, người Việt Nam cũng mong muốn có được ngành sản xuất ô tô của riêng mình, với những thương hiệu lớn mạnh như vậy.
Không đưa ra kết luận sau cùng buổi họp này, Tổ trưởng tổ tư vấn về cải cách hành chính của Thủ tướng cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến để sớm tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn. “Cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ họp các Bộ và cơ quan liên quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03, sau đó đề xuất với Thủ tướng giải pháp sửa đổi, bổ sung cho hợp lý” - ông Dũng cho hay.
P.Thảo