Ồ ạt xin nới “room”, tiền vẫn im ắng trong ngân hàng

Nợ xấu vẫn sẽ là rào cản lớn đối với tăng trưởng dư nợ tín dụng trong những tháng cuối năm. Theo đánh giá chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, ngành ngân hàng không dễ hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, lãi suất sẽ còn giảm, mặc dù dư địa không nhiều.

Theo TS. Lịch, lãi suất không còn là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp, song rào cản đối với tăng trưởng tín dụng vẫn còn, do nợ xấu chưa thể giải quyết triệt để, kể cả khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động.

Dư nợ tín dụng được dự báo khó tăng mạnh trong những tháng cuối năm
Dư nợ tín dụng được dự báo khó tăng mạnh trong những tháng cuối năm (Ảnh: Đức Thanh).

Vì thế, TS. Lịch cho rằng, rất khó để kỳ vọng tín dụng sẽ bứt phá dịp cuối năm nay, cho dù quý IV luôn được xem là mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp trong năm.

Thực tế cho thấy, lãi suất cho vay của hầu hết các ngân hàng đã giảm nhiều so với trước. Lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn và công nghiệp phụ trợ) hiện mức tối đa chỉ còn 9%/năm.

Trong đó, riêng với xuất khẩu, nhiều ngân hàng như Eximbank, VietCapital, ACB, Sacombank… đã giảm lãi suất cho vay xuống 6,5 - 7%/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, lãi suất cho vay hiện đã giảm đáng kể so với đầu năm; dư nợ cho vay với lãi suất dưới 13%/năm hiện chiếm 70% tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM.

Theo thông tin cập nhật mới nhất của NHNN, tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng cải thiện nhanh từ tháng quý II/2013 nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp. Với xu hướng tăng trưởng tín dụng hiện tại và lãi suất giảm dần, có khả năng đạt được mục tiêu 12% cho cả năm 2013.

Thế nhưng, theo đánh giá của một chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, ngành ngân hàng không dễ hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 12% năm nay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, chi phí huy động vốn giảm khi NHNN điều chỉnh trần còn 7%/năm, giảm 2 - 3% so với cuối năm 2012, kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay cũng giảm 3 - 4% về 12 - 13%/năm.

Tín dụng có dấu hiệu tích cực trong các tháng cuối năm và các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh tín dụng giúp nền kinh tế có thêm động lực so với đầu năm. Thế nhưng, theo TS. Hiển, các doanh nghiệp tiếp tục phân hóa, bởi thị trường nội địa vẫn khó khăn, nhiều khả năng, Chính phủ chưa đẩy mạnh cung tiền, kéo theo tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức vừa phải. Sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong các tháng cuối năm, do mức tiêu thụ chưa thực sự khơi thông. Tuy nhiên, hy vọng ngành này sẽ tiếp nhận nguồn vốn tín dụng mạnh và phục hồi vào giữa năm 2014.

Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản được dự báo còn khó khăn qua năm 2014 do lực cầu thấp. Bất động sản còn khó khăn đồng nghĩa với việc nợ xấu ngân hàng chưa thể giải quyết. Lý do là, nợ xấu của ngành ngân hàng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản, cộng với tài sản thế chấp vay đều là bất động sản.

Nợ xấu vẫn sẽ là rào cản lớn đối với tăng trưởng dư nợ trong những tháng cuối năm. Các ngân hàng không thể mạnh tay “bơm” vốn ra thị trường, dù đã được nâng “room” tín dụng để đón đầu nhu cầu vốn cuối năm.

Mặt khác, các nhà băng xin nâng “room” tín dụng chủ yếu có quy mô nhỏ, nên tác động không lớn. Chẳng hạn, NamA Bank vừa qua được NHNN cho tăng “room” từ 9% lên 30%. Thế nhưng, theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank, với việc tăng “room” này, dư nợ tín dụng của NamA Bank cũng chỉ tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo Thùy Vinh
Báo Đầu tư