"Nút thắt" về thủ tục nhập khẩu xe hơi được đề nghị bãi bỏ

An Linh

(Dân trí) - Thay vì kiểm tra xác suất một mẫu xe trên kiểu loại phương tiện đối với mỗi lô ô tô nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đề xuất kiểm tra 5%/tổng lô hàng nhập khẩu.

Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra lấy ý kiến, trước khi Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.

Dự thảo Nghị định nói trên đề cập đến việc cải cách thủ tục và thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam. Trong đó hướng đến nới lỏng các quy định, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian.

Nút thắt về thủ tục nhập khẩu xe hơi được đề nghị bãi bỏ - 1

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thời gian và cách thức nhập khẩu ô tô, linh kiện được đề nghị nới lỏng tối đa nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa).

Nội dung được các doanh nghiệp ô tô, doanh nghiệp sản xuất phụ kiện ô tô kỳ vọng là kiểm tra chuyên ngành đối ô tô nhập nguyên chiếc và linh phụ kiện.

Theo đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ kiểm tra xác suất số lượng 5% tổng số lô hàng đối với xe ô tô nhập khẩu thay vì kiểm tra xác suất một xe/kiểu loại phương tiện của tất cả các lô hàng như quy định hiện hành.

Thực tế, tại Nghị định 116/2017, cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra một xe/kiểu loại nhập về Việt Nam. Đến Nghị định 17/2020, chính sách kiểm tra kiểu loại xe được bãi bỏ và áp dụng kiểm tra mẫu xe đại diện. Trong đó, Giấy phép chứng nhận kiểu loại có thời hạn 36 tháng kể từ ngày chính thức có hiệu lực.

Đối với linh kiện, Tổng cục Hải quan đề xuất áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu lần đầu.

Đối với các lô hàng đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và đã được cơ quan kiểm tra chất lượng đánh giá đạt chất lượng cơ sở sản xuất, hàng được miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Như vậy, chính sách này tạo điều kiện rất thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, xe hơi tại Việt Nam.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, lợi ích của việc giảm cách thức hậu kiểm và thời gian hậu kiểm là nhằm công khai, minh bạch sản phẩm hàng hóa. Điều này giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và thời gian đi lại, cũng như thông quan đối với doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian vừa qua, công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Chính phủ rất nỗ lực chỉ đạo việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài lĩnh vực ô tô, linh kiện nhập khẩu vào Việt Nam, nhiều lĩnh vực như chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn quy chuẩn chất lượng, sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt hay sản phẩm thủy sản cũng được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan cho biết, dù các bộ, ngành cũng đã có nhiều cố gắng trong triển khai đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhưng công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đơn cử như phạm vi, đối tượng quản lý và kiểm tra rộng, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra. Việc thực hiện không thống nhất giữa các bộ, ngành hoặc giữa văn bản hướng dẫn và văn bản có pháp lý cao hơn; quy định kiểm tra quá mức cần thiết...

Hiện, để kiểm tra thủ tục chuyên ngành, hàng hóa nhập khẩu phải lưu kho, các cơ quan của bộ, ngành thực hiện kiểm tra theo quy định, gây mất nhiều thời gian, chi phí.

Vì vậy, yêu cầu chuẩn hóa, cải cách toàn diện các quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu cần được thực hiện triệt để, nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người nhập khẩu.