Chỉ phát hiện 0,01% vi phạm nhờ kiểm tra chuyên ngành, nói ra dân ai nghe?

(Dân trí) - “Kiểm tra chuyên ngành rất nhiều nhưng chỉ phát hiện được 0,01% vi phạm. Như thế có đáng kiểm tra hay không? Nếu công bố ra thì dân ai người ta nghe được?”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan nói sáng nay.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 99 của Chính phủ do Tổng cục Hải quan tổ chức sáng nay 18/12, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan nêu ra rất nhiều chồng chéo, vướng mắc thậm chí việc các Bộ đưa ra danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành nhưng kiểm tra, phát hiện quá ít, dẫn đến thiếu hiệu quả, phát sinh chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Chỉ phát hiện 0,01% vi phạm nhờ kiểm tra chuyên ngành, nói ra dân ai nghe? - 1

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan

Theo ông Cẩn, hiện nay, mười mấy Bộ ban hành không biết bao nhiên danh mục, tiêu chuẩn quy chuẩn. Có 50% loại hàng hóa yêu cầu phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Kiểm định phế phải: Hàng chưa về, đã có chứng nhận kiểm định

“Tôi cũng phải nói thật là kiểm tra chuyên ngành đang tù mù. Một loại tiêu chuẩn quy chuẩn xây dựng nhưng chưa phù hợp với thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế. Các trung tâm, phòng thí nghiệm, giám định không đủ máy móc kiểm tra theo tiêu chuẩn tiên tiến. Một là một số Bộ chưa đưa ra tiêu chuẩn, hoặc chưa dám đưa vì chính máy móc chưa có, chưa làm được”, ông Cẩn nói.

Theo ông Cẩn, Chính phủ chỉ đạo có hướng làm mới trong kiểm tra chuyên ngành, hải quan đã đề xuất cách làm mới. 

“Chúng tôi đề xuất thứ nhất kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu thì các Bộ cử biệt phái sang hải quan để quản lý nhà nước tại cửa khẩu, hải quan chỉ thừa hành. Còn các trung tâm giám định (không phải lĩnh vực an ninh quốc phòng, kiểm dịch mà chủ yếu là hàng nhập khẩu) thì nên chuyển sang hải quan để thực hiện nhanh hơn”, ông Cẩn đề nghị.

Thứ ba, theo Cẩn: Phải xã hội hóa việc giám định, cho tư nhân tham gia và làm thì chịu trách nhiệm về việc đưa ra các thông số theo tiêu chí và tiến hành hậu kiểm. 

“Thương hiệu của doanh nghiệp mất hàng tỉ USD xây dựng, ai dám vi phạm”, ông Cẩn nói.

Lấy ví dụ sữa Ensure nhập khẩu, ông Cẩn cho biết, cả một hãng sữa như vậy, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra 1 lần. Khi người ta đưa tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn của chính nhà sản xuất, đối chiếu với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và truy xuất nguồn gốc sản phẩm và lấy thông tin hải quan của các nước xuất khẩu. Như vậy, trên 170 chi cục hải quan có thông tin và kiểm soát và cứ thế tiến hành nhập khẩu. Hải quan có dữ liệu lô hàng nhập khi nào, ai nhập và có dấu hiệu thì mới kiểm tra. Còn khi vào thị trường nội địa thì các Bộ ngành chuyên ngành quản lý sẽ kiểm tra nếu phát hiện bất thường.

Lãnh đạo Tổng cục khẳng định: Như vậy, nếu quản lý theo quy chuẩn, có kết nối liên thông một cửa quốc gia sẽ cắt giảm danh mục kiểm tra rất nhiều, thay vì làm triệu lô hàng, triệu tờ khai/năm, chỉ làm một lần thôi. 

“Tôi cũng xin nói thật năm 2018 làm phế thải nhập khẩu, các Bộ cho nhập vào là phù hợp nhưng cơ quan Hải quan kiểm tra không thông quan và sau đó khởi tố một loạt doanh nghiệp vi phạm”, ông Cẩn nói.

“Hải quan làm là chịu trách nhiệm cho chính lô hàng ấy, mặt hàng đó, kể cả đưa ra tòa nếu làm sai... Đã là khoa học rồi thì không thể để vòng tròn như hiện nay, ông nọ bác ông kia. Hộp sữa Ensure vẫn là nó, đúng tem mác đó. Nhưng nay ông Trung tâm 1 bảo không đạt, ngày kia ông Trung tâm 3 bảo đạt. Hôm sau ông kiểm định hải quan lại bảo không đạt. Các nước không có chuyện đó. Chúng ta đang quản lý chồng chéo, không giống ai cả”, ông Cẩn phân tích.

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan: “Thực tế, qua vụ án về phế thải nhập khẩu, phát hiện thực tế hàng chưa về nhưng đã kết quả giám định, kiểm định của một số trung tâm, cơ sở kiểm định rồi”, ông Cẩn thông tin.

Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan tiết lộ cơ quan này đang đầu tư máy móc kiểm tra chuyên ngành cầm tay tại các cửa khẩu từ Mỹ.

“Hiện nay cơ quan hải quan đang có máy móc để phát hiện ma túy, chất nổ. Tới đây, chúng tôi sẽ mua máy soi container; các loại máy này không chỉ soi hình ảnh mà đưa ra được cả tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ví dụ heroin là ra heroin, chất nổ ra chất nổ. Công nghệ của Mỹ mới nhất hay là các máy cầm tay soi, kiểm tra ra ngay được kết quả 5.000 chất. 

“Các loại máy này quẹt vào là ra ngay chứ không phải đợi nhiều ngày, nó như phòng thí nghiệm di động. Hải quan Mỹ, Úc, Trung Quốc đang và quản lý rất tốt”, ông Cẩn nói. 

Theo ông Cẩn: “Kiểm tra chuyên ngành rất nhiều nhưng phát hiện được 0,01%. Như thế có đáng để kiểm tra không? Nếu công bố ra thì dân ai nghe được?”

“Không nên để doanh nghiệp phải chạy vòng quanh, không được để một tiêu chuẩn, tiêu chí sản phẩm mà ông này bác, ông kia công nhận”, Tổng cục trưởng Cẩn nói.

Nguyễn Tuyền