1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nuôi con gà 70 ngày, lãi không bằng cốc trà đá

(Dân trí) - Để một sản phẩm gia cầm xuất chuồng, người chăn nuôi phải mất từ 42 ngày đến 70 ngày nhưng lãi thu về chỉ 2.000-3.000 đồng/con, không bằng một cốc trà đá. Đó là lý do khiến nhiều trang trại nuôi gà hiện phải treo chuồng, thậm chí thua lỗ, phá sản.


Toàn bộ thị trường bị thương lái điều tiết, làm người chăn nuôi thua thiệt, giá nguyên liệu cao khiến sản phẩm trong nước khó cạnh tranh.

Toàn bộ thị trường bị thương lái điều tiết, làm người chăn nuôi thua thiệt, giá nguyên liệu cao khiến sản phẩm trong nước khó cạnh tranh.

Lợi nhuận rơi vào tay các khâu trung gian

Chia sẻ tại Hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi gia cầm trước thềm TPP”, ông Đỗ Văn Hoan - Phó trưởng phòng chăn nuôi gia súc nhỏ thuộc Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đánh giá, giá một con gà Việt Nam cao hơn so với các nước do chi phí sản xuất lớn.

Theo đại diện Cục chăn nuôi, giá thành sản phẩm thịt gia cầm, giống đang chiếm tới 15%, chi phí thức ăn chiếm 70%. Các chi phí khác như điện, nước, công lao động chiếm khoảng 10%. Còn công lao động của người trực tiếp chăn nuôi rất thấp trong 10% này.

"Hiện nay chuỗi sản xuất của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, trong đó người trung gian đóng vai trò quan trọng. Thương lái không đầu tư bao nhiêu nhưng thu nhập chiếm tới 21%, đó là điều bất cập. Người bán sỉ, cơ sở giết mổ cũng bị ảnh hưởng. Nếu không có thương lái thu gom, lợi nhuận của người ta rất lớn”, ông Hoan nói.

Đồng quan điểm, ông Dương Xuân Tuyển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA cho biết: "Người chăn nuôi trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, đầu tư nhiều vốn, bỏ nhiều công sức nhưng lợi nhuận thu được thấp hơn rất nhiều so với những người thu gom, giết mổ, bán buôn và bán lẻ. Nếu để các cơ sở tự thu gom, giết mổ và bán tại cửa hàng tự đầu tư hoặc thuê người bán mức lợi nhuận thường  từ 10.000-15.000 đồng/kg và người kinh doanh gia cầm chỉ mất từ 6-10 tiếng để có thể có mức lãi 8.000-14.000 đồng khi tiêu thụ một con gia cầm".

Theo ông Tuyển, để một sản phẩm gia cầm xuất chuồng, người sản xuất phải mất từ 42 ngày đến 70 ngày nhưng lãi thu về chỉ 2.000-3.000 đồng/con còn hầu như là lỗ dẫn đến hàng loạt trang trại phải đóng cửa hoặc cho các công ty thuê trang trại hoặc nuôi gia công cho các công ty lớn.

“Giá gà xuất chuồng bán với giá 26.000 đồng nhưng qua 4-5 khâu trung gian giá bán tại chợ đầu mối là 50.000 đồng và đến người sử dụng cuối cùng thường là 60.000-70.000 đồng. Vì vậy, giá sản phẩm chăn nuôi bị đội lên từ 50-80% so với giá bán tại trại. Kết quả là, trong khi người tiêu dùng phải trả giá rất cao cho sản phẩm thì người chăn nuôi đứng trước nguy cơ bị thua lỗ, hầu hết lợi nhuận thuần vào tay các nhân trung gian trong chuỗi", ông Tuyền nhấn mạnh.

 Liên kết sản xuất để hạ giá thành

Đánh giá về sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam trước thềm hội nhập, ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam nói ngắn gọn: “Năm 2014, cả nước nhập 91.000 tấn gia cầm, trị giá 70 triệu USD, nghĩa là mỗi kg nhập về có giá rất rẻ, trong đó phần lớn là nhập phụ phẩm như chân cánh gà. Do đó, nếu mở cửa theo TPP, nói gà từ nước ngoài vào thực ra cũng không đáng lo ngại lắm”.

Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục thua nếu vẫn giữ cung cách sản xuất như hiện nay với giá thịt cao, chất lượng thấp.

"Các nước sản xuất thịt hơi chỉ 1,4-1,5 USD còn chúng ta là 50.000 đồng tương đương hơn 2 USD/kg. Ngành chăn nuôi sẽ là ngành bị tổn thương đầu tiên khi hội nhập. Do vậy, để chống lại điều này, chúng ta nhất thiết phải đặt mục tiêu hạ giá thành, giá bán; nâng cao chất lượng thịt và đảm bảo an toàn thực phẩm hơn nữa”, ông Lịch nói.

Ông Lịch cũng cho rằng Bộ Nông nghiệp cần tháo gỡ việc cấp giấy phép trở nên dễ dàng hơn; giảm lãi suất để doanh nghiệp có thể tiếp cận trong khi đó về phía doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, liên kết thành chuỗi, kép kín sản xuất để hạ giá thành.

"Giá bán hiện đang ở mức 27.000 đồng/kg, nếu khép kín từ con giống, thức ăn đến bao tiêu sản phẩm giá sẽ giảm còn 22.000 đồng/kg và sẽ sống được với doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, sự tham dự của các doanh nghiệp lớn vào ngành cũng sẽ là động lực để liên kết sản xuất, đầu tư quy mô lớn và nâng cao trình độ sản xuất", ông Lịch kết luận.

TS. Dương Xuân Tuyến cho rằng, một trong những thách thức của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư chất kháng sinh, chất cấm... Nếu không có bước tiến về giống, kỹ thuật chăn nuôi, giảm chi phí giá thành, xây dựng chuỗi khép kín, thì khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu là khốc liệt, nhất là quy trình công nghệ của chúng ta đang lạc hậu nhiều so với thế giới.

Phương Dung

Nuôi con gà 70 ngày, lãi không bằng cốc trà đá - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm