1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nuôi cá tra càng ngày càng lỗ

(Dân trí) - Tỷ lệ hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL bị thua lỗ ngày càng tăng. Năm 1993, tỷ lệ số hộ nuôi thua lỗ chỉ có 9,4%; giai đoạn 2002 - 2005 là 25%; giai đoạn 2005 - 2009 là 30% và đến nay 50% tỷ lệ số hộ nuôi thua lỗ.

50% hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL bị thua lỗ
50% hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL bị thua lỗ

Ngày 9/10, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức hội thảo “liên kết trong chuỗi cá tra, vấn đề tín dụng và hợp đồng” nhằm tìm ra hướng phát triển lâu dài cho cá tra. Tại hội nghị, các chuyên gia phân tích về giá trị gia tăng của chuỗi cá tra cho thấy: Hiệu suất sinh lời trong chế biến thủy sản, tỷ trọng giá trị gia tăng đạt được trong mặt hàng tôm là 27,4%; cá ngừ đạt lợi nhuận 37,7%. Riêng mặt hàng cá tra chỉ đạt được giá trị gia tăng 0,68%, cho thấy chế biến và xuất khẩu cá tra hầu như không có lãi.

Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam chỉ ra những khó khăn của ngành cá tra đang phải gánh như: Giống, chất lượng quá kém, làm cho giá thành cao; giảm sản lượng để tăng giá; thông tin thị trường kém; tín dụng yếu; thể chế đều chưa minh bạch, rõ ràng.

Ông Dũng cũng chỉ ra tình trạng doanh nghiệp chế biến nợ nông dân, rồi doanh nghiệp xuất khẩu cho nước ngoài nợ, xảy ra tình trạng đổ lỗi cho nhau, quan hệ và thông tin bất cân xứng giữa nông dân với doanh nghiệp là nguồn gốc của những bất cập.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Hợp tác xã nuôi cá Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) cho biết, hợp đồng bán cá cho doanh nghiệp thường cam kết trả tiền sau 30 ngày nhưng có khi bị kéo dài cả năm. Tương tự ông Hải là ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm hợp tác xã  nuôi cá Châu Phú (An Giang) cho biết có người nuôi cá bị doanh nghiệp nợ tiền đã 3 năm mà cũng không đòi được.

Trong khi nhiều vị lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản VN cho rằng, đang thiếu cá tra nguyên liệu thì ông Trần Văn Hùng (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm TGĐ Cty TNHH Hùng Cá) khẳng định: “Không thiếu”. Cty Hùng Cá có 700 ha nuôi cá tra và nhà máy chế biến công suất 370 tấn/ngày, ông Hùng nói rằng, diện tích nuôi cá giảm nhưng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng giảm sản lượng mua vì “không có tiền”.

TS Lê Xuân Sinh – Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: Tỷ lệ hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL bị thua lỗ ngày càng tăng. Năm 1993, tỷ lệ số hộ nuôi thua lỗ chỉ có 9,4%; giai đoạn 2002 – 2005 có 25%; giai đoạn 2005 – 2009 có 30% và giai đoạn 2010 – 2012 có tỷ lệ số hộ thua lỗ đã lên đến gần 50%.
 
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phương Lam, Trưởng phòng Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ kiến nghị: Hiệp hội cá tra các tỉnh cần gắn với chính quyền địa phương và các trung tâm trọng tài giúp bảo đảm lợi ích của người nuôi; hỗ trợ người nuôi hình thành các nhóm hộ để mở rộng việc liên kết sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp, qua đó vừa giảm rủi ro trong quá trình nuôi và bán cá tra nguyên liệu.
 
Phạm Tâm