Nửa năm, lượng nhập xe con giảm trên 60%, xe giá rẻ không còn về Việt Nam

(Dân trí) - Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018, xe con nguyên chiếc nhập khẩu so với tháng trước đã tăng nhẹ. Tuy nhiên vẫn ở mức thấp và chưa bằng 1 nửa so với số xe nhập khẩu cùng kỳ năm trước; điều đáng lo ngại là các dòng xe nhập về Việt Nam đều có giá cao hơn cùng kỳ.

Cụ thể, tháng 6/2018, lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam đạt trên 1.770 chiếc, kim ngạch hơn 40,26 triệu USD, bình quân giá xe nhập vào khoảng 522 triệu đồng/chiếc.

Giá xe nhập tháng 6 trên 500 triệu đồng

Lượng xe con dưới 9 chỗ nhập về trong tháng 6 tăng hơn 120 chiếc so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước lượng xe nhập đã giảm 45%, ước chừng khoảng 1.460 chiếc.

Xe nhập 6 tháng qua giảm trên 67%, xe giá rẻ không còn nhập vào Việt Nam như 1 năm trước đây.
Xe nhập 6 tháng qua giảm trên 67%, xe giá rẻ không còn nhập vào Việt Nam như 1 năm trước đây.

Tuy nhiên, điều đáng lo là giá xe nhập khẩu bình quân về Việt Nam tháng 6 ở mức cao hơn 522 triệu đồng/chiếc, trong khi đó xe con nhập về tháng 6/2017 dù nhiều hơn nhưng giá xe nhập chỉ trung bình 306 triệu đồng/chiếc.

Điều này là do phần lớn lượng xe nhập về Việt Nam là các dòng xe phổ thông, có mức giá cao hơn là các dòng xe giá rẻ như mọi năm. Đặc biệt, 6 tháng qua, không xuất hiện các dòng xe giá rẻ của Indonesia, Ấn Độ - vốn là những xe nhập có giá rất rẻ về Việt Nam, đặc biệt, Huyndai i10 của Ân Độ được nhập về Việt Nam với giá khai báo chỉ hơn 100 triệu đồng/chiếc.

Giá xe nhập cao phần lớn bởi đây là các dòng xe từ Thái Lan, Đức và Mỹ, Mexico được nhập về Việt Nam, trong đó có các dòng xe như Honda CRV, Honda Jazz, mới đây là Chevrolet Traiblazer, Ford Rangger... đều có mức giá nhập khai báo trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, cũng có dòng xe nhỏ của Nissan, Suzuki nhập về Việt Nam song số lượng không nhiều.

Theo Tổng cục Hải quan, hết 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xe nhập khẩu về nước ước đạt 12.400 chiếc; bằng 30% tổng lượng xe nhập khẩu cùng kỳ, lượng xe nhập giảm khoảng trên 38.500 chiếc, tương đương mỗi tháng bị giảm hơn 6.400 chiếc.

Lượng xe con cũng ở trạng thái ấy, khi 6 tháng đầu năm, lượng xe dưới 9 chỗ ngồi nhập về nước đạt hơn 8.580 chiếc, xe nhập giảm 67% so với cùng kỳ năm trước, lượng nhập giảm gần 18.000 chiếc, tương ứng mỗi tháng giảm khoảng 3.000 chiếc.

Do xe giá rẻ được nội địa hóa và chính sách bảo vệ thị trường

Về mức giá, hết 6 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc vào Việt Nam đạt trên 330 triệu USD, xe nhập có giá bình quân 611 triệu đồng/chiếc. 6 tháng của năm 2017, giá trị nhập khẩu xe hơi về Việt Nam đạt 1 tỷ USD, giá trung bình/xe hơi là 451 triệu đồng/chiếc.

Với xe con, giá trị nhập khẩu đạt 192 triệu USD, xe nhập trung bình có giá 514 triệu đồng/chiếc, trong khi đó, cùng kỳ năm trước, giá xe con nhập về nhiều, chủ yếu là các dòng xe giá rẻ từ Ấn Độ, Indonesia nên giá nhập trung bình chỉ 387 triệu đồng/chiếc.

Cùng với lượng nhập suy giảm từ 45% (tháng 6) và 67% (6 tháng đầu năm 2018), giá xe nhập khẩu cũng có chuyển biến nhanh chóng khi đa số xe nhập về Việt Nam không còn là xe giá rẻ của Ấn Độ, Indonesia hoặc 1 số dòng xe của Thái Lan.

Như vậy, bất chấp việc Việt Nam bỏ thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN theo cam kết mở cửa thị trường từ đầu năm 2018, số lượng xe vào Việt Nam không những không tăng mà giảm mạnh.

Nguyên nhân chủ quan của việc xe nhập giá rẻ giảm mạnh về Việt Nam là do hàng loạt thương hiệu xe giá rẻ đã được nội địa hóa tại Việt Nam, không còn lắp ráp ở nước ngoài. Cụ thể, Hyundai i10 hai bản sedan và hatchback đều đã được Thành Công lắp ráp hoàn toàn ở Việt Nam thay vì nhập từ Ấn Độ; hay Kia Morning chủ yếu được lắp bởi Thaco - Trường Hải thay vì nhập từ Indonesia; chỉ còn một số mẫu xe giá rẻ của Mitsubishi như Attrage và Mirage được nhập từ Thái Lan.

Nguyên nhân khách quan của việc suy giảm lượng xe nhập là việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu xe hơi, khi Chính phủ và Bộ GTVT đưa ra một số chính sách nhằm hạn chế những dòng xe giá rẻ, phẩm chất thấp để bảo vệ ngành sản xuất xe hơi trong nước, đồng thời hạn chế việc thâu tóm thị trường xe hơi Việt Nam của các nhà sản xuất từ Thái Lan và toàn cầu đang đứng chân ở một số nước Đông Nam Á.

Nguyễn Tuyền

Nửa năm, lượng nhập xe con giảm trên 60%, xe giá rẻ không còn về Việt Nam - 2