Nửa năm bơm 300 tỷ: “Giải cứu” bất động sản trong mơ?
Sau 5 tháng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, các cơ quan quản lý tỏ ra “sốt ruột”, còn người mua thì hờ hững bởi nhiều rào cản khó khăn.
Ì ạch giải ngân
Đặt kỳ vọng nhiều bao nhiêu khi vừa được sinh ra thì gói hỗ trợ lãi suất 6%/năm lại làm các doanh nghiệp và người dân thất vọng bấy nhiêu khi triển khai trên thực tế chỉ được giải ngân nhỏ giọt. Sau hơn 5 tháng, việc tiếp cận nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 6%/năm hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà này vẫn rất chậm.
Theo Bộ Xây dựng, gói 30.000 tỉ đồng tới thời điểm này mới giải ngân được 341 tỉ đồng tương đương khoảng 1,1%. Số dự án đề xuất vay là 72, với tổng số vay 6.657 tỷ đồng nhưng mới có 7 dự án được chấp thuận với tổng số tiền 870 tỷ và giải ngân cho 4 doanh nghiệp với số tiền 91 tỷ đồng. Đối với cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho vay 939 khách hàng với số tiền 325 tỷ đồng, giải ngân cho 920 khách hàng với dư nợ 221 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cũng như vướng mắc khi triển khai chương trình này, ông Phạm Trung Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, cho rằng TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương lớn nhưng triển khai rất chậm.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc giải ngân còn thấp là do nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thời điểm này khan hiếm. Trong số các dự án đề xuất vay trong gói 30.000 tỷ, nhiều dự án chưa hoàn tất các thủ tục.
Bên cạnh đó là vướng mắc về thủ tục liên quan đến việc cơ quan công chứng không đồng ý công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai là căn nhà hình thành tư vốn vay. Tương tự, thủ tục xác nhận của cấp xã về thực trạng nhà ở hiện còn khó khăn, được đánh giá chưa thuận lợi cho người dân có nhu cầu.
Một nguyên nhân khác khiến gói 30 nghìn tỷ có tiến độ giải ngân chậm là do quy định bắt người có thu nhập thấp muốn vay tiền phải chứng minh khả năng trả nợ tại các ngân hàng thương mại. Nhiều người cho rằng quy định này đang có biểu hiện thiếu khả thi. Đã là người có thu nhập thấp thì khó có thể chứng minh được thu nhập của mình có khả năng để ra một phần thu nhập cho nhà ở.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Chị Nguyễn Thúy Ngân (viên chức nhà nước, sống tại Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Lúc đầu nghe thông tin được vay mua nhà lãi suất thấp, những người nghèo như tôi cũng mừng nhưng khi tới ngân hàng để hỏi vay vốn mới thấy không dễ. Ngân hàng yêu cầu chứng minh đủ thứ, bản thân tôi đã gọi là nghèo rồi thì làm sao có thể chứng minh được thu nhập ổn định."
Theo chị Nga, không chỉ rắc rối về phía ngân hàng mà các dự án nhà xã hội đủ điều kiện để vay vốn cũng ở rất ít hoặc xa trung tâm.
Về phía doanh nghiệp, nhiều chủ đầu tư cũng không mấy mặn mà. Thay vì trông chờ hỗ trợ, các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra những chiến lược phù hợp như giảm giá, chia nhỏ diện tích để thu hút khách hàng.
Nới lỏng điều kiện
Trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, gói tín dụng ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà đã sẵn sàng với giá trị lên tới 21.000 tỷ đồng nhưng người có nhu cầu rất khó tiếp cận vốn, chưa biết đến bao giờ mới giải ngân xong và liệu người thu nhập thấp thực sự có tiếp cận được ưu đãi này.
"không thể dùng cơ chế cho người giàu vay tiền để áp dụng cho người nghèo được. Người nghèo đã không đủ tiền phải đi vay, bảo đứng ra chứng minh trả nợ thì khó có thể thực hiện được", ông Võ nói.
Vị chuyên gia này kiến nghị, kinh nghiệm của nhiều nước, người nghèo vay tiền mua nhà được bảo lãnh bởi các tổ chức xã hội, cộng đồng. Các tổ chức này giám sát việc vay vốn, khả năng trả nợ và tìm mọi cách để người nghèo tăng thêm thu nhập.
Còn ông Nguyễn Hữu Cường, CLB BĐS cho rằng, ngoài trách nhiệm của Bộ Xây dựng cần có sự tham gia của nhiều đơn vị, bộ ngành khác. Cụ thể, Bộ Xây dựng là đơn vị đầu mỗi đứng ra tổ chức triển khai, các đơn vị khác như giao thông, giáo dục, y tế cũng góp sức để tạo cho người dân có được cuộc sống ổn định.
"Ngành xây dựng chỉ làm nhà, còn đường sá giao thông, bệnh viện trường học phải nhờ tới các ngành khác. Người dân không thể ở nhà xã hội xa trung tâm và thiếu những điều kiện sinh hoạt tối thiểu", ông Cường nói.
Trước tình hình thực tế, Bộ Xây dựng vừa ban hành thông tư nới lỏng các điều kiện vay ưu đãi. Đối với doanh nghiệp, sẽ mở rộng thêm những chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp. Ðối với cá nhân, cũng bổ sung thêm đối tượng được tiếp cận vốn.
Ngoài ra, đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở không phải xác nhận về thu nhập, nhưng trường hợp các ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng.
Việc tính diện tích căn hộ ghi trong hợp đồng mua, bán nhà ở giữa chủ đầu tư và khách hàng tạm tính theo thiết kế nhưng với quy mô nhỏ hơn 70 m2. Tuy nhiên, khi hoàn công, diện tích này có thể thay đổi theo thực tế nhưng không vượt quá 5%.
"Vấn đề không phải là nhanh hay chậm. Mà phải đúng đối tượng. Muốn nhanh phải có nhà, phải có mua bán, phải có hợp đồng. Mà muốn có hợp đồng phải có nhà. Nhưng cung đang thiếu. Các địa phương phải vào cuộc, động viên các doanh nghiệp đầu tư làm nhà xã hội. Có nhiều nhà mới giải quyết nhanh. Tôi e rằng 30.000 tỉ đồng là còn ít", lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định.
Theo Duy Anh