Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới bỏ học từ cấp 3

(Dân trí) - Theo tờ Time, nữ tỷ phú tự thân giàu nhất hiện nay là Zhou Qunfei, 47 tuổi, người sáng lập và giám đốc điều hành của Lens Technology, hãng sản xuất ống kính chụp ảnh cho iPhone. Công ty của Qunfei được thành lập vào năm 2015 và ngay lập tức nó đã biến bà trở thành một tỷ phú.

Zhou Qunfei, người sáng lập và chủ tịch của Lens Technology. (Nguồn: Zi xin-Imaginechina)
Zhou Qunfei, người sáng lập và chủ tịch của Lens Technology. (Nguồn: Zi xin-Imaginechina)

Giá trị tài sản ròng của bà được ước tính gần đây vào khoảng hơn 9 tỷ USD. Điều đó làm Zhou không chỉ là nữ tỷ phú trẻ nhất mà còn là người phụ nữ giàu nhất đã tự lập từ trước đến nay.

Rupert Hoogewerf, biên tập viên của trang web khảo sát tài sản Trung Quốc Hurun nói với Australian Financial Review (AFR) vào năm 2015 rằng: “Đây là một người phụ nữ mà không ai trên thế giới biết đến bà ấy vào khoảng thời gian này năm ngoái. Đó là một câu chuyện có tính hiện tượng”.

Theo Hurun, Zhou là người giàu nhất trong số các nữ tỷ phú tự lập ở Trung Quốc, nước có nhiều nữ tỷ phú tự lập nhất. Huang Yasheng, giáo sư của MIT và chuyên gia của các lớp học kinh doanh Trung Quốc nói với New York Times rằng đây là lời cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc về bình đẳng giới khi cho phép phụ nữ phát triển sau khi chủ nghĩa tư bản bắt đầu nắm giữ.

Theo Times, Zhou lớn lên trong một trang trại và bỏ học cấp 3 ở tuổi 16 để bắt đầu làm lao công tại một nhà máy sản xuất ống kính. Bà đã thành công vào thời điểm hoàn hảo để bước vào thị trường tự do hóa ở Trung Quốc. Chỉ với vài nghìn USD, bà thành lập công ty riêng của mình về làm kính đeo mắt vào năm 1993, ở tuổi 22.

“Trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, có rất nhiều cơ hội cho các doanh nhân, kể cả phụ nữ. Nó cho phép tôi phát triển kinh doanh của riêng mình”, bà nói với AFR.

“Ở ngôi làng tôi đã lớn lên, rất nhiều cô gái không có lựa chọn nào có thể đi học trung học. Họ sẽ kết hôn hoặc đã lập gia đình và dành cả cuộc đời của họ trong làng đó. Tôi đã chọn làm kinh doanh, và tôi không hối tiếc”, bà trả lời phỏng vấn của tờ Times vào năm 2015 trong văn phòng của bà.

Việc kinh doanh phát triển chậm chạp nhưng đều đặn trong một thập kỷ. Rồi vào một ngày năm 2003, Zhou nhận được cuộc gọi từ Motorola, hãng điện thoại đang tìm kiếm nhà sản xuất ống kính thủy tinh chống xước cho điện thoại Razr V3 mới của họ.

“Tôi nhận được cuộc gọi này, và họ nói chỉ cần trả lời có hay không, và nếu câu trả lời là có, chúng tôi sẽ giúp cô thiết lập quy trình. Tôi đã nói có”, bà Zhou nhớ lại.

Quỹ đạo vận hành của công ty được thiết lập từ thời điểm đó với các đơn đặt hàng đến từ HTC, Nokia, Samsung, và trong năm 2007, Apple, đã tung ra chiếc iPhone đầu tiên.

Với điều đó, công ty của bà Zhou đã có thể đầu tư thêm cơ sở vật chất và thuê kỹ thuật viên tốt hơn. Trong vòng 5 năm, bà đã xây dựng các nhà máy sản xuất ở 3 thành phố.

Ngày nay, công ty của bà có giá trị khoảng 11 tỷ USD, và Bloomberg ước tính giá trị tài sản của Zhou khoảng 9,2 tỷ USD. Theo AFR, công ty ống kính của bà hiện có ít nhất 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau và sử dụng hơn 90.000 nhân viên.

Zhou đã lập gia đình và có 2 người con (một người con từ cuộc hôn nhân trước đó). Bà làm việc 18 tiếng đồng hồ và giữ một khu sinh hoạt trong văn phòng riêng. Bà thích những bộ trang phục của Christian Dior, nhưng không rõ là bà ấy sử dụng khối tài sản to lớn của mình như thế nào.

Tờ Time mô tả Zhou là một người rất tỷ mỉ và kỹ lưỡng. Giải thích cho điều này, bà nói rằng vì bà đã lớn lên từ một người nghèo với một người cha mù một mắt, mọi thứ trong nhà đều phải được bố trí để ông không bị thương, bà nói. Đồng thời bà Zhou cũng hào hứng với sự quyến rũ và khiêm nhường, bà thừa nhận rằng mọi thứ có thể dễ dàng biến hoá một cách khác biệt.

“Bà ấy là một người rất năng động và quyết tâm. Bà ấy đã trải qua rất nhiều khó khăn trong thời thơ ấu của mình và vì lý do này, Zhou đã làm việc chăm chỉ để thay đổi số mệnh của mình”, Peng Mengwu, Phó giám đốc của Lens Technology nói với AFR.

Hồng Vân
Theo Time