Nữ kế toán kỳ cựu “mách nước” cách giữ tiền

(Dân trí) - Kiếm tiền, tiết kiệm là để sống cho thoải mái, chứ có tiền mà lúc nào cũng canh cánh lỗ lãi, rất mệt mỏi. Chính vì vậy, việc gửi tiết kiệm có thể không mang lại lợi nhuận lớn nhất song sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho người có tài sản.

Tiết kiệm để sống thoải mái

Cô Kim Loan vốn là một kế toán lâu năm ở Hà Nội, nay đã 55 tuổi và bắt đầu bước vào tuổi hưu. Lương cứng của hai vợ chồng cô mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng, cộng thêm các khoản thu nhập thêm, tích cóp hàng năm, vẫn có thể dư ra 150-200 triệu đồng.

Gửi tiết kiệm được cho là đang giữ ưu thế hơn hẳn so với những kênh đầu tư khác
Gửi tiết kiệm được cho là đang giữ ưu thế hơn hẳn so với những kênh đầu tư khác

Thời gian khi còn làm việc, số tiền dành dụm được nhiều hơn, cô Loan bỏ ra một số vốn mua đất và vàng “phòng thân”. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của cô Loan thì không dễ kiếm lời từ đất đai và vàng vì giá đất, giá vàng biến động lên xuống thường xuyên theo thị trường, phải có “số đất đai”, phải có “duyên” và may mắn.

“Tôi thử nhiều hình thức rồi, còn chơi cả hụi nữa, nhưng rủi ro lắm. Mua một mảnh đất nhỏ ở ngoại thành mà nay cũng để đó, sau này làm của hồi môn cho con chứ chẳng mua bán gì được. Không cứ là người già như chúng tôi mà trẻ cũng thế, tài sản phải có thanh khoản. Mình kiếm tiền, tiết kiệm là để sống cho thoải mái, chứ có tiền mà lúc nào cũng canh cánh lỗ lãi, rất mệt mỏi”, cô Loan nói.

Chính vì vậy, cô cho rằng, việc gửi tiết kiệm có thể không mang lại lợi nhuận lớn nhất song sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho người có tài sản.

Không chỉ cô Kim Loan, quan điểm tài chính “tiết kiệm tiền để sống thoải mái” cũng đang là xu hướng chung của phần lớn người dân. Trên thực tế, dù không còn các cuộc đua lãi suất như những năm trước đây, song việc gửi tiền tiết kiệm vẫn là ưu tiên hàng đầu của những “nhà đầu tư không chuyên”, đặc biệt là khi nền kinh tế đã ổn định hơn.

Giới chuyên gia đánh giá, nhờ lạm phát được kiểm soát (năm 2018 dự kiến dưới 4%), việc gửi tiết kiệm vẫn đem lại lợi suất ổn định, khả quan cho người gửi tiền. Với mức lãi suất tiền gửi phổ biến vào khoảng 5 - 7%/năm kỳ hạn ngắn và 7 - 8%/năm kỳ hạn dài thì kênh tiết kiệm vẫn đang giữ ưu thế hơn hẳn so với những kênh đầu tư khác.

Chính sách lãi của các ngân hàng

Để thuận tiện cho khách hàng, thậm chí không ít ngân hàng còn áp dụng tính lãi suất cho cả những khoản tiền gửi dưới 1 tháng, khoảng 0,5 đến 1%.

Chẳng hạn như trường hợp cô Kim Loan, cô có các món tiền gửi với kỳ hạn khác nhau tại Ngân hàng Quốc tế (VIB). Ở đây có cách tính lãi khá linh hoạt. Với những khoản gửi dưới 200 triệu đồng, một số kỳ hạn ngắn 2 được tính lãi hàng tháng: 2 tháng, 3 tháng là 5,3%, 6 tháng là 6,58%. Lãi suất quý được áp dụng với kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng với mức 5,91% đến 6,17%.

Lãi cuối kỳ đối với kỳ gửi 1 tháng đến 5 tháng tại ngân hàng này đều có lãi suất là 5,4% và được nâng lên 6% nếu gửi kỳ hạn 6 đến 8 tháng; kỳ hạn từ 9 đến 11 tháng được hưởng lãi suất 6,3% và với kỳ hạn 12-13 tháng có thể lên tới 7,9%.

Để thu hút người gửi tiền, ngân hàng này còn có chính sách tăng lãi với những khoản tiền gửi có giá trị lớn. Lấy ví dụ, từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, lãi cuối kỳ kỳ hạn 6,7,8 tháng tại quầy sẽ nhích lên 6,1%; từ 1 tỷ - 3 tỷ là 6,2% và trên 3 tỷ đồng 6,3%.

VIB cũng cộng thêm lãi suất cho khách hàng khi gửi tiết kiệm trực tuyến. Mức lãi suất tiết kiệm điện tử có kỳ hạn 1-5 tháng có lãi suất 5,5% và nâng lên 6,4% cho kỳ hạn 6-8 tháng; 6,7% cho kỳ hạn 9-11 tháng.

Ở những ngân hàng khác, mức lãi suất cũng sẽ tăng theo kỳ hạn và giá trị các khoản gửi. Tại các ngân hàng TMCP quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV, kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đang được áp dụng mức lãi suất từ 4,1% đến 4,6%. Mức lãi suất tại các ngân hàng TMCP khác tương đối cạnh tranh như: Techcombank là 5-5,1% còn ACB là 5-5,3%.

Với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng được Vietcombank và VietinBank áp dụng lãi suất 5,1-5,5%, BIDV là 5,3-6,8%. Còn tại ACB là 5,9% và tại Techcombank là 6%.

Tất nhiên, ở những kỳ hạn dài hơn thì lãi suất sẽ tăng. Biểu lãi suất cập nhật đến 27/8 cho thấy, những khoản tiền gửi có lãi suất từ 12 tháng trở lên sẽ được VCB áp dụng lãi suất 6,5%; ở Vietinbank là 6,6-6,9%; BIDV là 6,8-6,9%. Trong khi đó, mức lãi suất tại Techcombank là 6,9% và tại ACB là 6,7- 7,1%.

Cùng với yếu tố sinh lãi ổn định và an toàn, sự tiện lợi trong giao dịch trực tuyến cũng đã khiến gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi luôn là “ưu tiên số 1” của người Việt cho tới thời điểm này, kể cả khi đã xuất hiện thêm rất nhiều kênh đầu tư mới.

*Cập nhật lãi suất đến 27/8

M.Chi

Nữ kế toán kỳ cựu “mách nước” cách giữ tiền - 2