Nữ đại gia hàng không bỗng "bay" hàng trăm tỷ đồng khi thị trường khởi sắc
(Dân trí) - Trong khi VN-Index khởi động phiên đầu tuần với mức tăng gần 12 điểm thì VJC và NVL lại giảm giá. Diễn biến này khiến bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air mất 425 tỷ đồng và tài sản ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Novaland cũng sụt 210 tỷ đồng chỉ trong vài giờ giao dịch.
Phiên giao dịch sáng đầu tuần 9/7, xu hướng tăng điểm dường như đã được củng cố khi ngay từ đầu phiên, đồ thị cả hai chỉ số đều đi lên.
Theo đó, với 148 mã tăng (7 mã tăng trần) trên HSX, chỉ số VN-Index tăng 11,63 điểm tương ứng 1,27% lên 929,14 điểm. Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng mạnh 1,53 điểm tương ứng 1,52% lên 102,23 điểm nhờ có 60 mã tăng (11 mã tăng trần).
Tổng cộng, sáng nay trên cả hai sàn có 276 mã cổ phiếu tăng giá, 31 mã tăng trần trong khi số mã giảm là 181 mã và có 13 mã giảm sàn. Đáng chú ý, số mã không giao dịch lên tới 912 mã.
GAS sáng nay tăng mạnh 4.700 đồng lên 83.800 đồng/cổ phiếu, trở thành mã có tác động tích cực nhất đến thị trường. Trong khi đó, VNM cũng tăng 2.300 đồng, PLX tăng 2.400 đồng, BID tăng 1.250 đồng và VCB tăng 1.200 đồng… Cặp đôi cổ phiếu HAG và HNG của các công ty bầu Đức tiếp tục đà tăng.
Ngược lại, phiên này VJC lại giảm 2.100 đồng và NVL giảm 1.100 đồng. Mức giảm tại hai mã cổ phiếu này đã kiềm hãm đà tăng của chỉ số. Không những vậy, còn khiến tài sản cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air giảm gần 425 tỷ đồng và tài sản ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va cũng giảm 210 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản sáng nay diễn biến không mấy thuận lợi. Bên cạnh NVL thì KBC, NBB, TDH, HDG, LHG, QCG, DRH, HDC… cũng đồng loạt giảm giá, TLD giảm sàn.
Thanh khoản sáng nay đạt hơn 63 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 1.341,4 tỷ đồng. HNX có 16,8 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng giá trị giao dịch đạt 257,56 tỷ đồng.
Những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường phiên này chủ yếu tập trung tại các mã ngân hàng. CTG có 3,64 triệu cổ phiếu được giao dịch, tại BID là 3,18 triệu cổ phiếu, tại SHB là 2,8 triệu; tại ACB là 2,66 triệu; tại STB là 2,59 triệu; và tại MBB là 2,33 triệu cổ phiếu.
Một số mã khác như PVS, FLC, HAG, HPG cũng thuộc Top 10 những mã được giao dịch mạnh nhất trên hai sàn.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bứt phá nhưng để xu hướng tăng trở nên vững chắc cần có sự đồng thuận của nhiều cổ phiếu khác trong thời gian tới. Do đó, nên theo dõi diễn biến những cổ phiếu khác thuộc nhóm vốn hóa lớn để xác nhận tín hiệu phục hồi trên thị trường.
Trong khi đó, theo quan điểm của Công ty chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS), chỉ số vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh và đà rơi vẫn chưa có dấu hiệu chuyển sang tích lũy trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế vẫn đang tiếp tục bất ổn.
Áp lực bán ròng mạnh từ nhà đầu tư ngoại với tính chất cơ cấu lại danh mục vẫn đang hiện hữu cũng góp phần gia tăng áp lực tâm lý lên nhà đầu tư nói chung và hạn chế triển vọng hồi phục của thị trường.
VCBS cho rằng, trong những tuần sắp tới, kết quả kinh doanh quý 2/2018 của các doanh nghiệp đang niêm yết sẽ là yếu tố hỗ trợ chính trong ngắn hạn đối với thị trường chung.
Tuy nhiên trong bối thị trường vẫn đang tương đối “miễn nhiễm” với tin tức hỗ trợ, công ty này khuyến nghị, nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục quan sát đồng thời giữ tỉ trọng tiền mặt ở mức cao, và chỉ nên xem xét giải ngân một tỉ trọng vừa phải vào một số cổ phiếu vốn hóa trung bình với triển vọng kinh doanh tốt và mức định giá thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.
Mai Chi