Nữ đại gia giàu nhất Việt Nam đã mất 600 triệu USD chỉ trong 9 tháng

(Dân trí) - Hồi tháng 3/2018, giá trị tài sản ròng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air được ghi nhận đạt 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay khối tài sản này đã thu hẹp chỉ còn 2,5 tỷ USD, tương ứng giảm 600 triệu USD so với 9 tháng trước.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/12, trong khi thị trường hồi phục mạnh mẽ thì cổ phiếu VJC của Công ty CP Hàng không VietJet lại ngược chiều giảm 2.000 đồng tương ứng 1,6% còn 120.000 đồng/cổ phiếu.

Với mức giá này, VJC đã đánh mất 4% giá trị trong vòng 1 tuần giao dịch vừa qua và giảm tới hơn 21% so với thời điểm 3 tháng trước. VJC từng đạt được mức đỉnh giá tới gần 187.000 đồng vào đầu tháng 4/2018, tuy nhiên, cho đến nay, mã này đã đánh mất tới 35,7% so với đỉnh.

Còn nhớ vào thời điểm hãng xếp hạng Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2018 vào hồi tháng 3, giá trị tài sản ròng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air được ghi nhận lúc đó là 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại, khối tài sản này đã thu hẹp còn 2,5 tỷ USD, tương ứng giảm 600 triệu USD so với 9 tháng trước.

Nữ đại gia giàu nhất Việt Nam đã mất 600 triệu USD chỉ trong 9 tháng - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu giảm mạnh đã khiến giá trị tài sản ròng của nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam bị thu hẹp đáng kể

Trên sàn chứng khoán, tổng giá trị tài sản cổ phiếu của bà Thảo hiện còn 17.810 tỷ đồng, tính bao gồm cả 92,1 triệu cổ phiếu VJC gián tiếp sở hữu qua 100% cổ phần tại công ty riêng của bà Thảo là TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Cổ phiếu VJC diễn biến bất lợi sau thông báo của Cục Hàng không Việt Nam về việc lập 7 đoàn kiểm tra giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air sau các sự cố xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây.

Cụ thể, hãng bay này sẽ bị kiểm tra, giám sát từ 28/12/2018 đến 15/1/2019. Sau ngày 15/1/2019, nếu hãng hàng không Vietjet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục Hàng không Việt Nam sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2.

Bên cạnh việc bị Bộ GTVT nghiêm khắc cảnh cáo thì hãng bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam còn bị Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa cấp phép khai thác tăng chuyến cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố chuyến bay VJ689 ngày 25/12.

Về phiên giao dịch của thị trường chứng khoán ngày 27/12, mặc dù đã thu hẹp biên độ đáng kể so với cuối phiên sáng, song kết phiên, VN-Index vẫn ấn định được mức tăng 9,06 điểm tương ứng 1,02% lên 900,81 điểm. Trên sàn HSX ghi nhận có tới 204 mã tăng giá, 9 mã tăng trần so với chỉ 71 mã giảm, 11 mã giảm sàn.

Trong khi đó, tại sàn Hà Nội, với 76 mã tăng, 21 mã tăng trần so với 37 mã giảm, 10 mã giảm sàn, chỉ số HNX-Index cũng đạt tăng 1,71 điểm tương ứng 1,67% lên 103,99 điểm.

Thanh khoản toàn sàn đạt trên 4.000 tỷ đồng với hơn 216 triệu cổ phiếu giao dịch. Trong đó, khối lượng giao dịch tại HSX ở mức 151,7 triệu cổ phiếu tương ứng 3.159,44 tỷ đồng và tại HNX là 50,38 triệu cổ phiếu tương ứng 671,5 tỷ đồng.

Phiên này, GAS đóng góp tới 2,07 điểm cho VN-Index, BID đóng góp 1,48 điểm và VHM đóng góp 1,35 điểm cho chỉ số. Một số mã khác tăng giá cũng hỗ trợ cho thị trường như VCB, VIC, HPG, PLX, SAB…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bên cạnh VJC còn có ROS, HNG, BHN, PAN… nhất là ROS giảm tới 2.559 đồng còn BHN giảm 1.300 đồng.

Theo đánh giá của BVSC, tâm lý nhà đầu tư đã phần nào bình ổn trở lại khi thị trường chứng khoán thế giới hồi phục mạnh. Tuy vậy, dòng tiền vẫn còn đó sự thận trọng và áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu ở các mức giá cao trong phiên.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, công ty này cho rằng, nỗ lực hồi phục của thị trường vẫn đang vấp phải lực cản đến từ khoảng trống giảm giá (903-908 điểm) được hình thành trong phiên trước đó.

Nếu thị trường không vượt được lên khoảng trống giảm giá trong phiên cuối tuần, đồng thời xuyên thủng ngưỡng 894 điểm thì BVSC lưu ý đến khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ sâu hơn nằm tại 860-870 điểm, trước khi cho tín hiệu rõ ràng hơn về một đợt hồi phục tăng điểm ngắn hạn.

Mai Chi

Nữ đại gia giàu nhất Việt Nam đã mất 600 triệu USD chỉ trong 9 tháng - Ảnh 2.