Nữ đại gia 9X chi tiền "khủng" thâu tóm công ty nội thất của "vua thép"
(Dân trí) - Nữ đại gia kín tiếng sinh năm 1992 bất ngờ bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để mua lại công ty nội thất của "vua thép" Trần Đình Long là một trong những thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân tuần qua.
9X bỏ 900 tỷ đồng mua công ty của ông Trần Đình Long
Tuần qua, Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát đã được Hòa Phát chuyển nhượng 99,6% vốn cho Công ty Cổ phần Nội thất Eden Việt Nam. Giá trị chuyển nhượng khoảng 896 tỷ đồng, gấp đôi giá trị sổ sách.
Đáng chú ý, bên nhận chuyển nhượng là một doanh nghiệp có trụ sở tại huyện Yên Mỹ (Hưng yên) do bà Lại Như Loan (sinh năm 1992) làm Giám đốc. Nữ Giám đốc 9x hiện cũng đang sinh sống tại chung cư Hòa Phát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Công ty mua lại mảng kinh doanh nội thất của tỷ phú Trần Đình Long vừa tăng vốn điều lệ từ 8 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng vào đầu năm nay. Các thông tin khác về hoạt động doanh nghiệp cũng như nữ Giám đốc 9X trên các công cụ tìm kiếm rất ít ỏi.
Tuy vậy, giao dịch chuyển nhượng công ty nội thất cho Eden giúp Hòa Phát của ông Trần Đình Long ghi nhận khoản lãi gần 500 tỷ đồng trong kỳ kế toán vừa qua.
Vinhomes của ông Phạm Nhật Vượng "ăn nên, làm ra"
Công ty cổ phần Vinhomes của ông Phạm Nhật Vượng mới đây ra thông báo ngày 16/9 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để doanh nghiệp trả cổ tức năm 2020 bằng tiền và cổ phiếu. Cụ thể, Vinhomes sẽ thanh toán cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15% vào ngày 1/10 với số tiền dự kiến 5.024 tỷ đồng.
Đồng thời, "ông lớn" bất động sản Vinhomes cũng sẽ phát hành 1 tỷ cổ phiếu VHM, tương đương tỷ lệ phân phối 30% để trả cổ tức. Tổng tỷ lệ cổ tức chi trả lên tới 45%.
Nguồn thực hiện được phía Vinhomes sử dụng từ lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối tính đến 31/12/2020. Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng từ 33.495 tỷ đồng lên 43.540 tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, Vinhomes ghi nhận 41.002 tỷ đồng doanh thuần, tăng 79% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ chuyển nhượng bất động sản. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cả nước trong khối doanh nghiệp niêm yết đến thời điểm này.
Nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến "đổi tên"
Một thông tin đáng chú ý mới đây về bà Đặng Thị Hoàng Yến là việc tên bà không còn xuất hiện tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Thay vào đó, chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Tân Tạo dùng tên Maya Dangelas.
Trong các tài liệu liên quan đến Tân Tạo trước đây, nữ Chủ tịch HĐQT vẫn dùng song song cả tên Việt Nam và tên nước ngoài.
Dù nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến "đổi tên", nhưng Tân Tạo của bà vẫn chưa đổi vận. Sau 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của Tân Tạo đạt 76 tỷ đồng, chỉ tăng đúng 1% so với cùng kỳ 2020 dù doanh thu thuần tăng hơn 20% đạt 322 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp của bà Yến còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận 237 tỷ đồng trong năm nay.
Thậm chí, sau khi đơn vị kiểm toán soát xét báo cáo tài chính, lợi nhuận bốc hơi hơn 20% so với con số trong báo cáo của doanh nghiệp tự lập. Trong khi trước đó, doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp của bà Hoàng Yến công bố lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm lên tới 96 tỷ đồng.
Giải trình vấn đề lợi nhuận sụt giảm sau soát xét, ban lãnh đạo Tân Tạo cho biết, theo ý kiến kiểm toán, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 17 tỷ đồng do bổ sung trích lập dự phòng phải thu khó đòi, phần lỗ trong công ty liên kết cũng tăng thêm 5 tỷ đồng.
Công ty thua lỗ, chủ tịch thao túng giá cổ phiếu
Tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa phát thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân - Fortex.
Theo quyết định xử phạt, ông Lê Mạnh Thường (có địa chỉ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và bà Phạm Thị Phương (quận Gò Vấp, TPHCM) bị xử lý mức phạt 600 triệu đồng với mỗi cá nhân. Tổng mức phạt với 2 cá nhân nói trên là 1,2 tỷ đồng.
Tại Fortex, ông Lê Mạnh Thường là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Tháng 4/2019, ông Thường rời vị trí Chủ tịch HĐQT nhưng đến cuối tháng 10/2019, ông Thường lại trở lại với vai trò cũ.
Nguyên nhân được cho là ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM.
Cách đây 2 năm, FTM từng là mã cổ phiếu gây rúng động trong giới đầu tư chứng khoán. Thời điểm đó, FTM đột ngột "rơi tự do" từ vùng giá 25.000 đồng xuống còn khoảng 3.000 đồng khiến 11 công ty chứng khoán và một ngân hàng bị thiệt hại nặng nề hàng trăm tỷ đồng do cho vay margin.