Nốt nhạc mới của VNPT
Ngày 5/8/2013 sẽ là một ngày đáng nhớ trong quãng đời sự nghiệp của nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), ông Vũ Tuấn Hùng.
Tạo ra cú hích cho sự thay đổi, bắt đầu từ việc bổ nhiệm mới người chèo lái con thuyền cồng kềnh VNPT, có lẽ là việc cần thiết lúc này. |
Trong buổi lễ trao quyết định chức danh Tổng giám đốc VNPT cho ông Trần Mạnh Hùng, thành viên Hội đồng Thành viên VNPT - Giám đốc Viễn thông Hà Nội, ông Vũ Tuấn Hùng không có mặt vì lý do sức khỏe, vì thế, không khí buổi thay đổi nhân sự lãnh đạo tại VNPT có vẻ cũng trầm tư hơn.
Việc thay đổi lãnh đạo VNPT được xem là điều tất yếu. Như lời mở đầu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại buổi lễ, đây là sự kiện đầu tiên của quá trình tái cơ cấu VNPT, và quyết định thay đổi nhân sự tại VNPT của Bộ là để góp phần cho VNPT phát triển trong tương lai và lấy lại khí thế của mình trong làng viễn thông Việt Nam.
VNPT trong nhiều năm qua vẫn là một trong những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn khá hiệu quả. Điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận ổn định, qua giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước luôn trong top đầu, và ít có những “sự cố” như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định, từ những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, VNPT có rất nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội nói chung và thông tin truyền thông của đất nước nói riêng. VNPT đã phát triển mạnh mẽ, biến những cái chưa thể thành có thể, đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật lĩnh vực viễn thông, làm cho dịch vụ viễn thông, đặc biệt là dịch vụ di động từ cao cấp, xa xỉ trở thành bình dân. Các dịch vụ viễn thông của VNPT đã góp phần phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước.
Ngoài ra, VNPT cũng đóng góp về mặt nguồn lực, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trưởng thành trong một môi trường kinh doanh hiện đại, cập nhật trong làng viễn thông quốc tế, đem lại dịch vụ tiện ích trong hoạt động kinh tế năng động, sáng tạo công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đóng góp, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp ngân sách rất lớn cho đất nước.
Những thành quả trên, chắc chắn có sự đóng góp của cá nhân ông Vũ Tuấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc VNPT.
Tuy vậy, tại buổi thay đổi nhân sự trên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thẳng thắn nếu những nhược điểm, hạn chế của VNPT, khi nhiều doanh nghiệp phát triển vươn lên thì VNPT tuy có phát triển, nhưng chưa đạt như mong muốn, chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng của xã hội đặt vào tập đoàn.
Cụ thể, hoạt động kinh doanh của VNPT có hiệu quả không cao, doanh thu giảm hàng năm, nhất là những năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận giảm so với chỉ tiêu đặt ra và còn thấp.
Thêm nữa, đầu tư của VNPT trong những năm qua, trên 41 nghìn dự án, với trên 128 nghìn tỷ đồng, nhưng hiệu quả chưa cao, sử dụng đồng vốn chưa hiệu quả, vẫn còn 40% giá trị của các dự án chậm tiến độ, thậm chí còn có dự án chậm tới 3 - 5 năm.
Đặc biệt là dự án cáp quang Bắc Nam chậm tiến độ tới 10 năm, dự án này sử dụng vốn ODA của Nhật Bản với khoảng 3.000 tỷ đồng. Chính phủ đã chính thức cho dừng không triển khai dự án nữa.
Khâu quản trị doanh nghiệp của VNPT cũng chưa có đổi mới, hình thức quản trị còn nhiều vấn đề, như duy trì quá lâu cơ chế hạch toán phụ thuộc, dẫn đến triệt tiêu tính năng động sáng tạo của các đơn vị thành viên, của mỗi cán bộ công nhân viên.
Ông Son cũng cho biết, trước yêu cầu của Chính phủ về tái cơ cấu tập đoàn Nhà nước, Bộ đã đưa ra những nguyên tắc, định hướng đối với VNPT trong việc tái cơ cấu, tuy nhiên VNPT chưa thể hiện, còn lúng túng trong việc triển khai. VNPT chưa thể hiện bám sát những chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ, chưa quyết tâm tái cơ cấu để khắc phục yếu kém, vượt qua khó khăn. Và đồng thời, VNPT cũng chưa nhận thức được tái cơ cấu là thời cơ để hoàn thiện mình hơn về tổ chức bộ máy, quản trị doanh nghiệp, đưa tập đoàn phát triển xứng đáng với tiềm năng.
Tất cả những hạn chế, nhược điểm trên tại VNPT đã tồn tại, tích tụ từ nhiều năm, cũng không hẳn chỉ tại một cá nhân mà ở cả một bộ máy, hệ thống tổ chức của VNPT. Cho nên, tạo ra cú hích cho sự thay đổi, bắt đầu từ việc bổ nhiệm mới người chèo lái con thuyền cồng kềnh VNPT, có lẽ là việc cần thiết lúc này.
Cho dù con đường trước mắt sẽ có rất nhiều chông gai, như lời chia sẻ của tân Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng trong ngày nhậm chức.
Theo Thủy Diệu
VnEconomy