Vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần:

"Nóng" từ chiếc Dream II Thái giá 600 triệu đồng đến biến động nhân sự PVN, Sabeco

(Dân trí) - Trong tuần qua, dư luận đặc biệt dành sự quan tâm đến những vấn đề "nóng hổi" từ giải cứu thịt lợn đến chuyện nhân sự tại PVN, Sabeco; từ việc lập "hàng rào" bảo hộ ô tô trong nước đến chiếc Dream II Thái được rao giá chót vót 600 triệu đồng...

Xôn xao: Dream II Thái "đắp chiếu" 15 năm rao giá 600 triệu đồng

Một tài khoản Facebook ở TP.HCM ngày 27/4 đã rao bán trên mạng chiếc xe Dream II Thái được cho là chưa từng đổ xăng, 15 năm trùm mền, với giá là 600 triệu đồng.

Theo giới thiệu của người bán, chiếc xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, còn mới nguyên và “không có gì là không thể”. Đây không phải lần đầu tiên một chiếc Dream Thái được rao giá hàng trăm triệu đồng. Trước đó, hồi tháng 5/2014, một chiếc Dream II Thái từng được trả giá 250 triệu đồng.

Không biết với mức giá "trên trời" như trên, ai sẽ hào phóng chi tiền để mua. Nhưng biết đâu, với một người siêu may mắn như khách hàng trúng số độc đắc (giải Jackpot) trị giá gần 38 tỷ đồng ngày 30/4 vừa qua thì việc bỏ ra 600 triệu sở hữu một chiếc Dream II Thái "đắp chiếu" 15 năm lại có thể?

Chiếc Dream II Thái đắp chiếu 15 năm gây bão vì mức giá khủng
Chiếc Dream II Thái "đắp chiếu" 15 năm gây "bão" vì mức giá khủng

Có cần tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô không?

Trong khi các Bộ, ngành đã và đang có ý định lập hàng rào tự vệ bảo hộ ô tô trong nước thì Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, do giá trị nhập khẩu mặt hàng xe nguyên chiếc chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, việc nhập khẩu ô tô không khiến kim ngạch tăng đột biến, do đó nó không thực sự gây nhiều áp lực đối với cán cân thương mại như nhiều chuyên gia, báo chí quan ngại.

Từ góc nhìn ấy, CIEM cho rằng đây chưa phải là thời điểm nên xem xét thực hiện các biện pháp tự vệ đối với ô tô nhập khẩu. Quan trọng hơn, Việt Nam cần xem xét thấu đáo, với bằng chứng thuyết phục hơn, các nội dung như: Có cần tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô không?

Trong khi đó, số liệu hải quan cho thấy, nhập khẩu ô tô đầu tháng 4/2017 giảm mạnh về lượng, nhưng lại tăng giá hàng trăm triệu đồng, điều này đã khiến người tiêu dùng bất ngờ bởi trước đó nhiều dòng xe nhập khẩu về Việt Nam giảm rất mạnh.

Đại diện của Tổng cục Hải quan cho biết: Giá tăng do hai nguyên nhân, một là do điều chỉnh chủng loại ô tô nhập về đợt tháng 4 dồn nhiều vào dòng xe có giá cao, dung tích lớn. Hai là có thể do Hải quan siết trị giá hải quan tính toán lại nhằm tránh việc doanh nghiệp vụ lợi.

Lo "thế lực thù địch" lợi dụng, Hải Phòng siết kiểm soát flycam

Theo nhận định của chính quyền thành phố Hải Phòng, hoạt động sử dụng các phương tiện bay siêu nhẹ (đặc biệt là thiết bị flycam) tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không và trật tự xã hội, tạo điều kiện cho các "thế lực thù địch" lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị: thả truyền đơn, tờ rơi, chất cháy, chất nổ, quay phim, ghi hình, thu thập thông tin trái phép...

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã yêu cầu giám sát, kiểm tra khu vực hoạt động, việc chấp hành các quy định về tổ chức bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trên địa bàn. Đồng thời, nếu phát hiện phải yêu cầu đình chỉ ngay các hoạt động bay trái phép để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Các hoạt động bay và các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh thiết bị bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ cần phải xin cấp phép.

Vấn đề nhân sự tại Sabeco, PVN

Theo thông báo phản ánh đến Dân trí, một lá đơn được cho là của ông Lê Hồng Xanh vừa gửi lên các cơ quan truyền thông “tố” những bất thường liên quan tới công tác nhân sự tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Thành Nam, Phó tổng giám đốc chính thức được Bộ Công Thương đồng ý bổ nhiệm làm Tổng giám đốc tổng công ty này.

Ông Lê Hồng Xanh hiện đang là đại diện vốn Nhà nước - Uỷ viên Hội đồng quản trị - Phụ trách Ban điều hành - thực hiện nhiệm vụ Tổng Giám đốc tại Sabeco. Lá đơn của ông Xanh đề nghị cần "làm rõ bất thường" trong việc phế truất ông này và bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam làm Tổng giám đốc Sabeco được thực hiện gấp rút như vậy "nhằm mục đích gì" và "có đúng quy trình không?”.

Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong thời gian tới có thể lại có thay đổi nhân sự quan trọng ở cấp cao nhất: Vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên. Cụ thể, PVN đã có Tờ trình Bộ Công Thương để xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt, bổ nhiệm ông Nguyễn Hùng Dũng, hiện đang là Phó Tổng giám đốc PVN làm Chủ tịch Tập đoàn này.

Được biết, hiện nay, Bộ Công Thương cũng nhất trí với đề xuất trên và cũng đã trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến về việc này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Việc giải cứu thịt lợn đang được nhà điều hành và người dân quan tâm
Việc giải cứu thịt lợn đang được nhà điều hành và người dân quan tâm

Nghịch lý: Thịt lợn giải cứu... giá cao!

Mặc dù đang trong tình trạng cần được giải cứu để hỗ trợ người chăn nuôi, nhà bán lẻ cam kết giảm giá... nhưng tại TPHCM những ngày qua, giá thịt lợn vẫn khá cao so với trước. Giá thịt ba rọi ở mức 85.000 - 90.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg.

Thông tin từ Bộ Công Thương cũng xác nhận, dù giá lợn hơi giảm hơn 50% nhưng giá thịt lợn bán tại chợ hay siêu thị chỉ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, giá lợn hơi đang dao động ở mức 20.000-28.000 đồng/kg, trong khi tại siêu thị niêm yết giá khoảng 106.000-130.000 đồng/kg… Hầu hết tại các chợ, giá thịt lợn các loại vẫn giữ mức 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Bình luận về thực trạng này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng: Đây là một nghịch lý. Không thể có chuyện giá thịt lợn hơi xuống như thế, ảnh hưởng đến cuộc sống người chăn nuôi mà giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao như thế.

Theo Bộ Công Thương, nghịch lý này sẽ chỉ được giải quyết nếu người chăn nuôi từ bỏ cách làm truyền thống, tham gia chuỗi liên kết, quy trình khép kín từ sản xuất cho tới cung ứng, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú ý....

Mới đây, xuất hiện thông tin một số doanh nghiệp Trung Quốc (TQ) có ý muốn “giải cứu” heo Việt Nam, dự kiến thu mua 2.000 con mỗi ngày với giá 30.000 đồng/kg nhưng với điều kiện heo đã được giết mổ cắt mảnh, cấp đông xuất sang thị trường này. Tuy nhiên, thực tế, thương lái Trung Quốc vẫn chủ yếu mua heo cỡ lớn 130-150 kg/con với giá rẻ chỉ 15.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn.

Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính hiện cả nước vẫn còn tồn 300.000-400.000 tấn thịt lợn thì Bộ Công Thương cho biết, mặt hàng này vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường, mà nguyên nhân chủ yếu do chất lượng.

Giá thịt lợn giảm sâu đã phần nào khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,66% (lương thực tăng 0,16%; thực phẩm giảm 1,11%). Do chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính giá (39%) nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 năm 2017 gần như đứng yên so với tháng trước, chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016 và 0,9% so với 12 tháng năm 2016.

Kiểm tra kho nhôm bí ẩn nghi của tỷ phú Trung Quốc

Đoàn kiểm tra gồm đại diện từ Bộ Công Thương, Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư sẽ tiến hành kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có trụ sở tại Bà Rịa Vũng Tàu vào trung tuần tháng 5/2017.

Việc kiểm tra này thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhằm làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.

Thông tin sau đó về việc này, Bộ Công Thương cho biết, đây là hoạt động chuyên môn bình thường trong công tác quản lý xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước được diễn ra một cách bình đẳng, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và đáp ứng lợi ích của Việt Nam, qua đó hoàn thiện chính sách và phục vụ công tác điều hành xuất nhập khẩu được tốt hơn.

"​Mục tiêu của đợt kiểm tra lần này là nhằm kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về xuất xứ hàng hóa trên cơ sở các quy định của pháp luật và cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa".

Bích Diệp (tổng hợp)