1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Nóng” trong tuần: Cú sốc gian lận ở Asanzo; Nỗi lo năm sau thiếu điện

(Dân trí) - Trong khi phải chống chọi với cái nóng thiêu đốt của mùa hè miền Bắc, nhiều người dân không khỏi lo lắng trước thông tin Bộ Công Thương cho biết có thể sẽ phải đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. Bên cạnh đó, việc Tập đoàn Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt bị phanh phui cũng gây chú ý tuần qua.

Bộ Công Thương: Có nguy cơ thiếu điện vào năm sau

“Nóng” trong tuần: Cú sốc gian lận ở Asanzo; Nỗi lo năm sau thiếu điện - 1

Trường hợp dự án nhiệt điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024-2025 sẽ trầm trọng hơn

Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương cho biết, các năm 2019-2020 dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó: các nhà máy nhiệt điện than là 2.488MW, các nhà máy thuỷ điện là 592 MW, còn lại các dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800 MW. Hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc.

Tuy nhiên, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.

“Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020”, Bộ Công Thương cho biết.

EVN báo lãi hơn 9.000 tỷ đồng năm 2018

Số liệu tại báo cáo tài chính cho thấy, trong năm 2018, EVN đạt 338.500,3 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng tới 14,8% so với kết quả đạt được trong năm 2017.

Với khoản lợi nhuận thuần tăng hơn 7% so với năm trước và lợi nhuận khác tăng hơn gấp đôi năm 2017, EVN gặt lãi trước thuế 9.076 tỷ đồng trong năm 2018, cao hơn 11,4% so với năm 2017.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước (nộp thuế 2.309 tỷ đồng và được hoàn nhập hơn 50 tỷ đồng), “ông lớn” ngành điện lực có 6.817,8 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 3,4%. Trong đó, lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ là 5.582,2 tỷ đồng.

EVN cũng công khai báo cáo chế độ, tiền lương, tiền thưởng năm 2018. Cụ thể, trong năm 2018, tiền lương bình quân ước tính đối với 14 người quản lý chuyên trách tại công ty mẹ là 47,75 triệu đồng/người/tháng và tiền lương bình quân của 4.061 người lao động tại công ty mẹ là 21,6 triệu đồng/người/tháng.

Xăng dầu đồng loạt giảm giá mạnh

“Nóng” trong tuần: Cú sốc gian lận ở Asanzo; Nỗi lo năm sau thiếu điện - 2

Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm kể tưf 15h00 ngày 17/6

Kể từ 15h00 chiều ngày 17/6, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 1.085 đồng/lít, xăng E5 giảm 986 đồng/lít. Giá xăng RON 95 và E5 mới lần lượt là 20.134 đồng/lít và 19.233 đồng/lít.

Cũng tại kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện tăng mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 lên mức 300 đồng/lít; trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng RON95 và các loại dầu lên mức 900 đồng/lít,kg. Không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu.

Đây là lần thứ ba liên tiếp giá xăng dầu giảm sau kỳ điều chỉnh hôm 17/5.

Vụ Trịnh Sướng buôn xăng giả, Tổng cục quản lý thị trường nhận một phần trách nhiệm

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố, bắt tạm giam Trịnh Sướng , Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng (My Hung Petrol) về hành vi sản xuất, mua bán xăng RON95-II giả, dư luận đặt câu hỏi vì sao Trịnh Sướng có thể ngang nhiên kinh doanh hàng trăm triệu lít xăng giả trong suốt hơn 2 năm qua.

Trách nhiệm của các cơ quan, trong đó có Tổng cục Quản lý Thị trường - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chất lượng các mặt hàng, chống hàng giả và gian lận thương mại ở đâu?

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) thừa nhận cơ quan này có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra vụ việc buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng.

“Tất cả các lực lượng đều có trách nhiệm, nếu ai cũng làm tốt thì đâu đễn nỗi. Về phía cơ quan quản lý thị trường, nếu tăng cường kiểm tra, chủ động giám sát, đề xuất kịp thời, lập đoàn kiểm tra liên ngành kịp thời… thì việc phát hiện hàng giả tôi tin rằng sẽ tốt hơn”, ông Linh nói.

Trước câu hỏi về việc có kiểm điểm cụ thể cá nhân hay tập thể nào hay không, ông Linh cho biết, vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ, chưa có kết luận cuối cùng. Hiện tại cơ quan quản lý thị trường vẫn phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo đầy đủ nghiêm túc, xem trách nhiệm của mình đến đâu.

Khó mà biết Tập đoàn Asanzo gian dối vì hồ sơ... "sạch"

“Nóng” trong tuần: Cú sốc gian lận ở Asanzo; Nỗi lo năm sau thiếu điện - 3

Tivi Asanzo luôn được quảng cáo là "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".

Ngày 22/6, trao đổi với Dân Trí, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí về việc Tập đoàn Asanzo sử dụng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt thì đơn vị này đã tiến hành “tước” danh hiệu HVNCLC của Tập đoàn Asanzo.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng trong nước, dù vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

“Chúng tôi đánh giá cao hoạt động nghiệp vụ của anh chị em phóng viên đã đầu tư công phu, theo đuổi gần 6 tháng để đưa ra ánh sáng một vấn nạn tai hại là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, mà trong bối cảnh hiện nay thì càng có thể gây ra thiệt hại lớn cho Việt Nam vì có thể bị cho là tiếp tay cho cách làm ăn gian lận, man trá”, bà Hạnh nói.

“Thay mặt ban chấp hành, tôi nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này. Chúng tôi tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC đối với doanh nghiệp Asanzo theo điều 6 - Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC”, bà Hạnh thẳng thắn chia sẻ. 

Mai Chi (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm