Nông sản thực phẩm Việt Nam tìm cách chinh phục thị trường khó tính

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tạo ra sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao, doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, gạo Việt Nam hiện có giá xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn. Nhưng Vinaseed - một công ty con của Tập đoàn PAN - có thể xuất khẩu được mặt hàng này với giá hơn 1.000 USD/tấn.

Theo đại diện Vinaseed, thay vì đóng trong "bao xá" 50kg/kiện, khác biệt của thương hiệu là gạo được đóng túi mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp và có thể đến thẳng các siêu thị ở thị trường xuất khẩu.

"Vấn đề không nằm ở bao bì và quy cách đóng gói. Để có thể bán được sản phẩm dưới tên mình, Vinaseed là một trong số ít doanh nghiệp nông nghiệp tổ chức được chuỗi giá trị nông sản từ nghiên cứu, chọn tạo giống - hệ thống canh tác, sản xuất - công nghệ sau thu hoạch - làm thương mại, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng rất cao, đáp ứng tiêu chuẩn tại các thị trường cao cấp", đại diện công ty cho hay.

Nông sản thực phẩm Việt Nam tìm cách chinh phục thị trường khó tính - 1

Gian hàng Tập đoàn PAN với các sản phẩm có thương hiệu riêng thu hút sự chú ý tại Foodex Japan 2023 (Ảnh: PAN).

Trên thực tế, các sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu luôn đem lại giá trị cao hơn nhiều lần so với sản phẩm thô, sản phẩm có thương hiệu có giá gấp nhiều lần sản phẩm không tên tuổi.

Đó là một phần lý do thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng hệ thống chế biến sản phẩm chất lượng cao và xúc tiến quảng bá thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ bằng hàng rào kỹ thuật và chất lượng cũng là động lực khiến các nhà xuất khẩu của Việt Nam thay đổi cách làm cũ.

Tại các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật, châu Âu, các biện pháp bảo hộ đã gia tăng rõ rệt trong một thập kỷ nay thông qua việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và ngày càng khắt khe khi đưa thêm nhiều biện pháp bảo hộ mới.

Nhận thức những vấn đề này, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã xây dựng chiến lược riêng để có chỗ đứng nhất định tại các thị trường cao cấp.

Tại Foodex Japan 2023, hội chợ lớn nhất ngành thực phẩm và đồ uống Nhật Bản, nhiều gian hàng đến từ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại với sản phẩm thương hiệu Việt. Trong đó Tập đoàn PAN tham gia với quy mô lớn, tới 5/10 công ty thành viên và 10 nhóm sản phẩm từ nông nghiệp, thực phẩm đang là thế mạnh của doanh nghiệp này, gồm có tôm, cá tra, rau củ, bánh kẹo, hạt điều, hoa tươi, trái cây sấy, cà phê, gạo, và nước mắm.

Với đối tác Nhật, PAN có quan hệ hợp tác về đầu tư vốn, thương mại, bán hàng, từ đó có những hợp tác chặt chẽ hơn về trao đổi kỹ thuật và chuyển giao công nghệ là những chìa khóa quan trọng giúp sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng ở thị trường xuất khẩu. Các thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn cũng được hưởng lợi nhờ những quan hệ hợp tác này.

Đơn cử như Vinaseed đã có những dự án hợp tác với đối tác Nhật trong việc ứng dụng dây chuyền đóng gói hiện đại, đồng thời phát triển và mở rộng vùng trồng gạo Japonica là sản phẩm rất được ưa chuộng tại thị trường này. Riêng PAN-Hulic có những kết nối về vốn và công nghệ được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng để sản xuất hoa tươi theo công nghệ và kỹ thuật Nhật Bản.

Đại diện PAN cho hay Lafooco - công ty sản xuất điều xuất khẩu của PAN - là minh chứng tiêu biểu cho việc chuyển hướng từ nông sản thô sang hàng giá trị gia tăng và đã tìm được chỗ đứng tại các thị trường lớn. Lafooco cho biết thương hiệu là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có những bước đi táo bạo từ cách đây gần chục năm khi "nghiên cứu chuyển đổi hoạt động từ kinh doanh điều thô sang hàng giá trị gia tăng và điều organic, mở ra hướng đi mới tập trung vào mô hình phát triển bền vững".

Nông sản thực phẩm Việt Nam tìm cách chinh phục thị trường khó tính - 2
Sản phẩm hạt điều, trái cây sấy của Lafooco và Bánh Bibica tại Foodex Japan 2023 (Ảnh: PAN).

Từ chỗ 80% doanh số đóng góp bởi điều thô, 20% bởi điều giá trị gia tăng, đến nay con số đã đảo ngược: gần 90% là hàng giá trị gia tăng.

Năm 2022, Lafooco là đại diện tiêu biểu trong số các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng Việt Nam đầu tiên được gắn nhãn hiệu "Climate Pledge Friendly" trên Amazon, giúp người mua hàng nhận diện và chọn lựa các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn bền vững và bảo tồn thế giới tự nhiên.

Xác định chuyển đổi mô hình đồng nghĩa với việc xây dựng thị trường từ đầu và phải tìm đầu ra, song Lafooco, Vinaseed cũng như các thành viên khác trong tập đoàn PAN đang chứng minh mình trên bản đồ nông sản thế giới với những sản phẩm được chế biến sâu, mang lại giá trị sản phẩm cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc PAN Group - khẳng định: "Trước đây, thế giới nhìn Việt Nam là quốc gia có sản lượng nông sản lớn nhưng không được đánh giá cao về chất lượng. Chúng tôi muốn chứng minh rằng nông sản, thực phẩm được chế biến sâu, mang thương hiệu Việt Nam có thể tự tin về chất lượng sánh vai với sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào trên thị trường thế giới".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm