1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nông sản sạch, an toàn ở Việt Nam trở nên rất hiếm

(Dân trí) - Theo TS Trần Bá Trung, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp nhưng thực tế sản xuất chỉ chạy theo số lượng mà không chú trọng chất lượng. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp sạch, thực sự an toàn ở Việt Nam rất hiếm. Đây là thách thức lớn của ngành nông nghiệp trong hội nhập quốc tế.

Tại hội thảo “Hội nhập và quản trị nông nghiệp: vấn đề và giải pháp” diễn ra chiều 26/12 tại Tây Ninh, TS Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết, trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nền nông nghiệp đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu,… nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đó là năng lực cạnh tranh; khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu quy tắc về xuất xứ do xuất phát từ nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất manh mún và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh…

Một vườn rau tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) (ảnh minh họa: Ngọc Hà)
Một vườn rau tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) (ảnh minh họa: Ngọc Hà)

TS Trần Bá Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam có một số sản phẩm chiếm lượng lớn trên thị trường quốc tế song lại không có thương hiệu quốc gia, không có giá cả hợp lý.

Hiện nay vấn đề an toàn sản phẩm còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Sự thiếu kiểm soát và mất khả năng kiểm soát đối với an toàn sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là rất đậm nét. Tất cả các công đoạn của quá trình tạo ra sản phẩm đến khi sản phẩm đến với người sử dụng đều thiếu trách nhiệm với cộng đồng,

“Sản phẩm sạch, thực sự an toàn ở Việt Nam hiện nay trở nên rất hiếm. Dường như điều này đang trầm trọng thêm, ngược lại với chủ trương nhà nước. Ngoài ra, nhãn mác, thương hiệu, chứng nhận, định vị xuất xứ hàng hóa còn ở mức thấp”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, Việt Nam hiện là quốc gia có năng suất lao động nông nghiệp ở nhóm thấp nhất khu vực. Tài nguyên thiên nhiên như đất, nước đang bị sử dụng lãng phí, sử dụng nhiều phương pháp canh tác dẫn đến cạn kiệt nguồn nước và cằn cỗi hóa ruộng đất. Lãng phí và sử dụng quá thừa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, thuốc bảo quản. Hủy bỏ cây trồng, vật nuôi do giống kém, thời tiết, thiên tai, bệnh tật, thị trường tiêu thụ.

Đồng quan điểm, TS Ngô Văn Nhơn – Viện trưởng Viện kiểm định và phát triển chất lượng cho biết, rào cản chính cần vượt qua khi hội nhập kinh tế toàn cầu là rào cản phi thuế quan hay quy tắc thống nhất các tiêu chuẩn. Không chỉ có những mặt hàng rau, quả mà tôm, cá và nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng đang chịu áp lực từ “hàng rào kỹ thuật” đầy khắc nghiệt.

Theo ông, hàng rào kỹ thuật trong nông nghiệp liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, biến đổi gen, canh tác, môi trường, đóng gói, ghi nhãn, chất cấm… Đây chính là rào cản kỹ thuật của những nước lớn đối với nước nhỏ, nước phát triển đối với nước đang phát triển. Đây là quy luật tất yếu cần đối diện và đưa ra giải pháp.

Ông Nhơn dẫn chứng: “Việt Nam nằm trong số những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Nhưng số lượng thì có mà chất lượng thì không. Việt Nam vẫn thua Thái Lan về giá trị hàm lượng chất xám trong hạt gạo. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy làm gạo tăng về chất lượng. Hiện nay chúng ta đang xuất khẩu dưới dạng gạo thô, giá trị rất thấp. Các loại gạo Việt Nam cùng chất lượng với Thái Lan thường thấp hơn từ 7 – 20 USD/tấn. Việc tăng chất lượng và giá trị hạt gạo là vấn đề cấp bách hiện nay”, TS Nhơn nói.

Hay như muốn xuất gạo vào thị trường Nhật Bản phải xem xét trên 600 chỉ tiêu, nhưng hầu hết các chỉ tiêu này doanh nghiệp phải đưa nước ngoài kiểm định, mất thời gian và chi phí cao. “Cũng vì không kiểm định trước nên năm 2014, một doanh nghiệp đã bị lỗ 4 tỷ đồng do hàng bị trả về do không đạt các chỉ tiêu FDA của Mỹ đưa ra”, ông Nhơn nói.

TS Nhơn nhấn mạnh, cần có sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế thì mới có thể mở rộng thị trường. Trước đây, thanh long muốn xâm nhập thị trường Mỹ thì phải đảm bảo tiêu chuẩn GlobaGap. “Hiện nay nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap nhưng đây chỉ là bước “chạy đà” vào GlobalGap để hội nhập với thị trường thế giới. Không nên thỏa mãn khi đạt tiêu chuẩn này và đừng nhầm lẫn VietGap là tiêu chuẩn quốc tế”, ông Nhơn nhấn mạnh.

Ông Nhơn kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ việc áp dụng các tiêu chuẩn, an toàn chất lượng trong nông lâm ngư nghiệp. Nhưng điều băn khoăn của địa phương và doanh nghiệp là làm sao chính sách phải đi vào cuộc sống. Hiện nay nhiều chủ trương chính sách được ban hành nhưng không thể thực hiện.

Ngoài ra, đi đôi với việc hỗ trợ nông dân áp dụng các tiêu chuẩn an toàn chất lượng trong sản xuất thì việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm an toàn do người nông dân làm ra là cấp thiết nhất hiện nay.

Quốc Anh

Nông sản sạch, an toàn ở Việt Nam trở nên rất hiếm - 2