Nóng lạnh thị trường ngoại tệ
Hàng loạt ngân hàng đua nhau huy động USD, cung - cầu ngoại tệ có thể mất cân đối, nhiều người kỳ vọng tỉ giá USD/VNĐ tiếp tục tăng... là những yếu tố sẽ làm cho thị trường ngoại tệ nóng lạnh.
Sau hơn một tháng áp dụng tỉ giá mới (tỉ giá liên ngân hàng tăng từ 18.544 đồng/USD lên 18.932 đồng/USD), các ngân hàng đồng loạt tăng thêm lãi suất USD từ 0,2% - 0,5%/năm, nâng lãi suất tiết kiệm USD lên hơn 5%/năm.
Nguyên nhân của việc tăng lãi suất USD vì tình hình cho vay bằng ngoại tệ tăng gấp nhiều lần so với huy động vốn bằng ngoại tệ.
Theo các ngân hàng, cuối tháng 8/2010, tỉ giá USD/VNĐ tăng thêm 400 đồng/USD tức là USD tăng giá so với VNĐ nên lãi suất USD tăng theo. Mặt khác, thời điểm cuối năm, doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp lễ, Tết nên nhu cầu vay USD thường tăng cao.
Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối, dịch vụ, du lịch... cũng thường tăng mạnh vào quý IV hằng năm nhưng với tâm lý kỳ vọng tỉ giá USD/VNĐ còn tăng nên người dân có xu hướng găm giữ USD khiến huy động vốn ngoại tệ trở nên khó khăn, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất USD.
Với lãi suất đầu vào phổ biến 5%/năm, lãnh đạo một ngân hàng ở TPHCM cho biết, lãi suất cho vay USD ở mức 6,5% - 8%/năm (tăng 1% so với mức lãi suất cũ), ngân hàng kinh doanh mới có lời.
Theo các doanh nghiệp, lãi suất USD tăng, tỉ giá USD/VNĐ đi lên sẽ làm chi phí kinh doanh tăng kép, tăng giá thành sản phẩm, đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đi lên, ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Nhiều yếu tố khó lường
Thực tế cho thấy CPI của tháng 9/2010 đã tăng so với tháng trước 1,31%, nguyên nhân chủ yếu do tỉ giá liên ngân hàng tăng 2,1%, làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Giá cả hàng hóa sản xuất từ các mặt hàng nhập khẩu nguồn này cũng bị đội lên. Đơn cử, ngành sữa có đến 80% nguyên liệu nhập khẩu, hệ quả là giá sữa hiện tại đã tăng 5% so với mức giá của tháng 8-2010...
Theo các chuyên gia tài chính, từ nay đến cuối năm 2010, tỉ giá USD/VNĐ sẽ diễn biến phức tạp, bởi cung - cầu ngoại tệ có dấu hiệu căng thẳng.
Biểu hiện rõ nhất là kim ngạch xuất khẩu của tháng 9/2010 giảm 10% so với tháng trước, nhập siêu của 9 tháng năm 2010 lên tới 8,58 tỉ USD, ngang bằng với 11 tháng của năm 2009 và sẽ tiếp tục tăng; nhu cầu vay ngoại tệ có xu hướng tăng trở lại gắn liền với lãi suất USD tăng dần lên; các hợp đồng vay đáo hạn, ngân hàng tích cực thu hồi nợ khiến doanh nghiệp phải thu gom tích trữ USD.
PGS -TS Trần Huy Hoàng, Trưởng Khoa ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng tỉ giá được điều chỉnh là hợp lý vì nó phản ánh trung thực mối quan hệ giữa VNĐ và USD.
Tuy nhiên, khi tỉ giá tăng lên mà kiểm soát nhập siêu và giá cả hàng hóa chưa hiệu quả thì nguy cơ gia tăng lạm phát là khó tránh khỏi.
Giám đốc Trung tâm Giao dịch ngoại hối của một ngân hàng lớn nhận định: Nếu thâm hụt thương mại của Việt Nam không được cải thiện, nhiều khả năng tỉ giá tiếp tục được điều chỉnh. Do đó, doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ nên vay USD. Còn doanh nghiệp nhập khẩu cần cân nhắc trong kinh doanh vì thị trường ngoại tệ còn ẩn chứa rủi ro về tỉ giá.
Tỉ giá sẽ điều chỉnh theo thị trường Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cho rằng tỉ giá ngoại tệ sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Tuy vậy, cơ quan quản lý tiền tệ cần công bố thông tin về tăng trưởng huy động vốn và cho vay bằng USD lẫn VNĐ rõ ràng, kịp thời hơn để doanh nghiệp có thể dự báo xu hướng của thị trường ngoại tệ. Để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia tài chính khuyến nghị doanh nghiệp mua bảo hiểm tỉ giá. Thế nhưng, các ngân hàng cho biết doanh nghiệp gần như không thực hiện bởi khung pháp lý về bảo hiểm tỉ giá chưa rõ ràng, không hạch toán được chi phí khi mua bảo hiểm tỉ giá. |