1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đắk Lắk:

Nông dân "vuốt nước mắt" đổ hàng trăm tấn rau củ vì không ai mua

Thúy Diễm

(Dân trí) - Rau củ đến thời điểm thu hoạch nhưng bán với giá rẻ mạt, thậm chí phải cắt bỏ do không có người đến mua. Đó là tình cảnh của trên 170 hộ dân trồng rau củ tại thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk).

Những ngày nay nông dân tại Tổ dân phố Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) như "ngồi trên lửa" khi nhìn cả vườn rau xanh phải cắt bỏ cho gia súc ăn, đem ủ gốc cây làm phân bón hoặc lấy rau đắp bờ ao vì không ai mua.

Nông dân vuốt nước mắt đổ hàng trăm tấn rau củ vì không ai mua - 1
Rau xanh đầy đồng nhưng không ai hỏi mua

Vườn nhổ bỏ gần hết vườn rau xà lách quá lứa nhưng không bán được, bà Nguyễn Thị Phụ (69 tuổi) than thở, chưa bao giờ bà thấy tình cảnh người trồng rau thê thảm như vậy.

Gia đình bà Phụ canh tác gần 2 sào rau xanh trồng xà lách, bắp cải, cà rốt… Tuy nhiên, giá rau quá thấp, lại kén người mua nên rau xà lách bà đành nhổ bỏ đắp ở bờ ao và đổ ở các gốc cây để làm phân bón.

Nông dân vuốt nước mắt đổ hàng trăm tấn rau củ vì không ai mua - 2
Bắp cải để quá lứa vì không thể bán

"Vườn bắp cải thì họ chỉ mua với giá 1.000 - 2.000 ngàn đồng/kg, rẻ mà kén nữa nên khổ sở lắm. Nay bắp cải bắt đầu già, lại chẳng có ai mua chắc cũng phải cắt hết đi cho người ta. Riêng vườn cà rốt bắt đầu thu hoạch cũng chẳng thấy ai "mặn mà" mua, mong bán kiếm chút tiền vớt vát vốn mà khó quá", bà Phụ thở dài.

Cũng theo bà Phụ, gia đình bà đã bỏ chi phí gần 5 triệu đồng chưa kể công cán mà nay mới thu lại được khoảng 500 ngàn đồng nhờ bán rau vào dịp trước Tết, còn đến nay thì rất khó tiêu thụ.

Nông dân vuốt nước mắt đổ hàng trăm tấn rau củ vì không ai mua - 3
Nông dân vuốt nước mắt đổ hàng trăm tấn rau củ vì không ai mua - 4

Rau bị đổ bỏ, chất đống ở góc vườn vì không ai mua

Còn gia đình ông Lê Văn Khang (56 tuổi) sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rau xanh, cho biết, năm nay ông canh tác 4,5 sào bầu, cải dưa và cà chua. Trong đó, 3 - 4 tấn cải dưa ông đành nhổ bỏ hết vì "bí" đầu ra, không ai muốn mua. Ngoài ra, cả gần 3 sào đất trồng bầu ông cũng bỏ hoang vì rất khó bán dù giá chỉ 500 đồng/kg. Hiện gia đình ông còn trông chờ vào khoảng 1,8 sào cà chua đang cho thu hoạch.

Nông dân vuốt nước mắt đổ hàng trăm tấn rau củ vì không ai mua - 5
Người nông dân trồng rau điêu đứng

"Cà chua chúng tôi mới hái được khoảng 3 tạ nhưng xếp ra cho thương lái lại xếp vào vì họ không muốn mua, năn nỉ lắm mới bán được giá 1.000 đồng/kg. Tiếc của vợ tôi chở ra chợ bán nhưng bán được chả bao nhiêu, cả vườn cà chua chuẩn bị thu hoạch tầm 7 tấn chưa biết sẽ đi về đâu", ông Khang buồn bã.

Ông Bùi Duy Bình - Tổ trưởng Tổ dân phố Tân Tiến - cho biết, trên địa bàn có 170 hộ chuyên trồng rau với diện tích khoảng 30 ha. Do không có thương lái đến mua người dân đã phải phá bỏ, đem cho gia súc, gia cầm ăn rau với khoảng 400 tấn rau, củ các loại.

Nông dân vuốt nước mắt đổ hàng trăm tấn rau củ vì không ai mua - 6

Gia đình ông Khang đã đổ bỏ hàng tấn cải dưa và bầu, nay ông chỉ trông mong vào vườn cà chua

"Rau củ xuống thấp kỷ lục, giá rẻ tới mức 1.000 đồng/kg mà cũng không có người mua. Gần 1 tháng qua người dân phải cắt bỏ rau liên tục, tình cảnh rất xót xa", ông Bình nói thêm.

Trao đổi với PV, ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M'gar - lý giải nguyên nhân dẫn đến việc rau xanh ế ẩm của người dân tại Tổ dân phố Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nông dân vuốt nước mắt đổ hàng trăm tấn rau củ vì không ai mua - 7

Cà chua giá chỉ 1.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không "mặn mà" để mua

"Đợt lũ cuối năm ngoái, rau không trồng được nên giá được đẩy giá lên cao. Do vậy, người dân ào ạt trồng rau dẫn đến việc cung vượt cầu, rau đầy vườn không có ai mua để hư hỏng. Đây là tình hình chung, chứ không phải là được mùa mất giá", ông Mười thông tin thêm.