Nông dân thường "bẻ kèo" với doanh nghiệp nếu thương lái trả cao hơn

(Dân trí) - “Phía người nông dân, với những người có ít đất, họ sẵn sàng bẻ kèo nếu có thương lái trả cao hơn. Nhưng nếu nông dân có 10 - 15 ha trồng lúa thì họ sẽ không bao giờ dám bẻ kèo. Vì trồng ra nhiều lúa như vậy mà bẻ kèo thì bán cho ai.”

Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Trọng Khải, Nguyên Hiệu trưởng trường Đào tạo Cán bộ Nông nghiệp Nông thôn Miền Nam trong “Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân 2018” diễn ra tại Hà Nội.

Nông dân thường "bẻ kèo" với doanh nghiệp nếu thương lái trả cao hơn - 1

Theo ông Khải: “Trong cái chuỗi liên kết đó chúng ta thường nhắc tới nhiều nhà, nhưng chỉ có 2 nhà quan trọng nhất là nhà doanh nghiệp (DN) và nhà nông. Nhà DN phải giải quyết vấn đề mà nông dân không làm được, đó là thị trường và thương hiệu.”

“Nông dân thì sản xuất theo tín hiệu của thị trường, nhưng thị trường phải do DN cung cấp chứ không phải do thương lái. Thị trường DN cũng cấp đã được nghiên cứu ở trong và ngoài nước, đi kèm với đó là các tiêu chuẩn chất lượng cần có”, ông Khải nói.

Và để tìm hiểu thị trường dễ dàng và minh bạch hơn thì nhiều DN lớn hiện nay đang sử dụng các ứng dụng trong nền tảng Blockchain, ông Khải nhận định: “Công nghệ blockchain thì người nông dân không thể tự làm được, bắt buộc DN phải lãnh đạo chuỗi đó. Vì thế, DN phải lớn lên. Nhưng muốn DN lớn lên thì rất cần Nhà nước có chính sách nào đó như giảm thuế cho các DN dám đứng ra lãnh đạo những chuỗi đó cho nông dân.”

Thực trạng ở nhiều nơi hiện nay là nông dân thường bẻ kèo với các DN nếu các thương lái trả cao hơn và có tiền ngay. Nhiều người nông dân vẫn có tâm lý nghi ngại các DN vì thường vài ngày sau khi giao hàng họ mới nhận được tiền.

PGS.TS Vũ Trọng Khải chia sẻ: “Phía người nông dân, với những người có ít đất, họ sẵn sàng bẻ kèo nếu có thương lái trả cao hơn. Nhưng nếu nông dân có 10 - 15 ha trồng lúa thì họ sẽ không bao giờ dám bẻ kèo. Vì trồng ra nhiều lúa như vậy mà bẻ kèo thì bán cho ai.”

“Do đó, cần phải có những nông dân “lớn”. Và muốn như vậy, cần phải có tích tụ ruộng đất” PGS khẳng định.

Tuy nhiên, ông cho rằng: “Ruộng đất hiện nay cung không có mà cầu cũng không. Cung không có bởi người nông dân coi đất là vật bảo hiểm nên không bán. Cầu là không có nông dân lớn để tích tụ.”

“Một số DN nhảy vào đầu tư nhưng làm nông nghiệp là có nhiều khâu sinh học, mà như vậy chỉ có trang trại gia đình làm mới có hiệu quả. Trong nông nghiệp, thuê lao động trực tiếp có thể được, nhưng thuê lao động quản lý thì rất dễ thất bại”, ông Khải khẳng định thêm.

Đồng tình với ý kiến cần tích tụ ruộng đất của ông Khải, ông Bùi Ngọc Sơn, Viện kinh tế chính trị thế giới cho rằng: “Hiện nay, nông dân lấy thông tin từ thị trường, thấy giá cả loại nào cao thì trồng loại đó. Đến khi hàng vạn nông dân cùng trồng thì không ai có thể bảo họ phá đi đừng trồng nữa. Nhưng các ông chủ lớn họ biết ngần này ha là vừa, trồng thêm ra sẽ không tiêu thụ được.”

“Quay trở lại câu hỏi làm thế nào để có nông dân lớn, thì lại nằm ở chế độ tư hữu về đất đai. Theo quan điểm của tôi, nên quay trở lại chế độ tư hữu về đất đai, không nên giao đất rồi lại hạn chế. Phải là tư hữu đất đai không hạn chế và việc lấy đất đai làm dự án phải rất khó khăn, chứ không phải dễ dàng có được”, ông Sơn khẳng định.

Cũng theo ông Sơn: “Và nếu không có tư hữu đất đai thì tất cả câu chuyện blockchain chỉ là những thứ xa xỉ. Và chỉ có vài người “to”, đủ sức để “chơi” được thứ đồ xa xỉ đó.”

“Nếu chúng ta nhìn rộng ra, tầng lớp địa chủ trong nông nghiệp, tầng lớp tư sản của các nước tư bản phải tích luỹ hàng trăm năm mới có được. Trong khi đó, tư liệu sản xuất quan trọng nhất của chúng ta là đất lại không phải là của mình, mà lại do giao hoặc do mượn mới có được”, ông Sơn nói.

Chia sẻ quan điểm với ông Bùi Ngọc Sơn, Nguyên viện Trưởng viện Chính sách chiến lược nông nghiệp nông thôn Việt Nam, TS. Đặng Kim Sơn cho biết: “Tôi không nói tư nhân hoá đất đai mà nói đa dạng hoá sở hữu. Thật ra, đa dạng hoá sở hữu chúng tôi tập trung vào bảo vệ quyền sở hữu của chính tập thể.”

“Hiện nay, trong hiến pháp có quy định quyền sử dụng đất đai được sử dụng như quyền tài sản. Chỉ cần phát huy vào chỗ đó, tức là mua bán với nhau như tài sản mà Nhà nước không can thiệp vào đã là được”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn: “Hiện nông dân đi vào thị trường phi chính thức hết, đất không còn là công cụ sản xuất nữa, mà chỉ để nay mai không có việc làm thì trở về còn có cái làm.”

“Đất cứ bị giữ khư khư như vậy, DN không thể nào xử lý được. Chính quyền cũng không thể đứng ra làm trung gian được. Như vậy, nông nghiệp sẽ rất khó phát triển và thường xuyên phải giải cứu”, ông Sơn cho biết thêm.

Thế Hưng

Nông dân thường "bẻ kèo" với doanh nghiệp nếu thương lái trả cao hơn - 2