Nông dân Tây Nguyên vay nóng tín dụng đen trả lãi ngân hàng!

(Dân trí) - Đây là thực tế mà Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) đã đưa ra tại Hội thảo bàn về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn được tổ chức sáng nay (29/9) tại Hà Nội.

Theo báo cáo TS. Hoàng Cầm, đại diện của ISEE, qua nghiên cứu của tổ chức này tại 4 địa phương là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, Đắc Lắk, Thái Nguyên, và Sơn La, bà con các dân tộc đều làm sản xuất nông nghiệp, rất khó khăn về vốn.

Để đầu tư, các hộ như dân tộc M nông (Đắc Lắk) năm 2014 cần đầu tư 22 triệu đồng, trồng chè của người Dao ở Thái Nguyên cần đầu tư 22,7 triệu đồng, các cây cà phê mỗi năm cần đầu tư 30 triệu đồng... Tuy nhiên, số hộ vay được từ ngân hàng rất ít, phần lớn phải vay từ phi chính thức (tín dụng đen, vay nóng ở ngoài).

Người nông dân đang rất khát vốn, nhưng tín dụng của Ngân hàng dường như chưa đi tới, quá khắt khe đối với họ, đặc biệt nông hộ nhỏ, vùng bà con dân tộc thiểu số, nơi cần vốn thoát nghèo
Người nông dân đang rất khát vốn, nhưng tín dụng của Ngân hàng dường như chưa đi tới, quá khắt khe đối với họ, đặc biệt nông hộ nhỏ, vùng bà con dân tộc thiểu số, nơi cần vốn thoát nghèo

Theo thống kê, trong 4 tỉnh khảo sát, tỷ lệ vay vốn được từ ngân hàng chỉ đạt trên 30%, nhưng vay ở các hộ kinh doanh, hội và đoàn thể, bạn bè là hơn 50 - 70%.

Bà con cho hay, bây giờ vay vốn sổ đỏ 2 mẫu rưỡi đất tại ngân hàng thương mại chỉ được 50 triệu đồng, trong khi cần 100 triệu đồng để đầu tư cà phê và ruộng. Vay 15 triệu đồng, ngân hàng bắt buộc con cái trong hộ khẩu phải ra ngân hàng ký cam kết.

Dẫn lời của một người nông dân tại Tây Nguyên nói về quá trình vay vốn ngân hàng và vốn từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài, ông Cầm nêu: "Một người dân Tây Nguyên cho hay, vay ngân hàng phải ký này ký kia, bây giờ bắt hết con cái trong hộ khẩu phải ra ngân hàng ký nếu vay trên 15 triệu. Vay ngoài chỉ cần gọi điện một cái là có ngay. Thích vay của ngân hàng hơn nhưng họ không cho vay nhiều trong khi mình muốn vay nhiều. Tư nhân người ta ở chỗ mình luôn, mình làm ở đây, người ta biết rồi. Vay ngân hàng không khất nợ được, tới hạn phải vay nóng để đáo nợ cho ngân hàng".

Chia sẻ về vấn đề tín dụng đối với nông nghiệp, ông Lê Đức Thịnh, Cục Kinh tế Hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho rằng: Đa số các đối tượng thuộc chuẩn nghèo không tiếp cận được vốn ngân hàng như mong muốn. Tín dụng đối với nông hộ nhỏ, vùng đặc biệt khó khăn vùng sâu vùng xa rất khó vì không có tài sản thế chấp nên không thể thoát nghèo được.

"Mặc dù có nhiều ưu đãi từ chính sách, nhưng tỷ trọng vốn tín dụng vào ngành nông nghiệp vẫn rất thấp. Tính đến hết tháng 6/2016, tổng dư nợ tín dụng cho toàn ngành này chỉ đạt hơn 886 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ. Có 38% hộ sản xuất nông lâm thủy sản có nhu cầu cầu vay vốn, nhưng chỉ 1/3 trong số đó được thỏa mãn. Hơn 80% DN làm trong lĩnh vực nông nghiệp không tiếp cận được vốn vay", ông Thịnh cho hay

Vị đại diện của Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Muốn tăng trưởng nông nghiệp bền vững, cần nhất là cơ chế tín dụng cởi mở cho người nông dân bởi hiện nay khi có nhu cầu, người dân đã phải vay tín dụng bên ngoài để sản xuất, hình thành các quỹ, hội nhóm tín dụng đen, có lãi suất cao và cơ chế vay dễ dàng. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn rất lớn cho người nông dân nếu mất mùa, dịch bệnh xảy ra.

Chính vì thế, ngành ngân hàng cần chung tay và đồng hành với người nông dân bằng cách xem xét các tài sản thế chấp khác như tài sản hình thành trên đất để vay vốn; cho vay vốn dài hạn, lãi suất thấp để kích thích người nông dân dám nghĩ, dám làm và không lo sợ bị thu giữ tài sản hoặc dính vòng lao lý.

Nguyễn Tuyền