Đắk Nông:

Nông dân lao đao vì tiêu chết hàng loạt trước ngày thu hoạch

(Dân trí) - Hàng ngàn trụ tiêu của nông dân tại Đắk Nông chết đồng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều gia đình. Hiện tượng trên đang diễn ra tại những nơi có diện tích tiêu lớn như Đắk Song, Krông Nô và Đắk Mil khiến các hộ dân điêu đứng, bất an.

Mặc dù cận kề thời điểm thu hoạch, giá tiêu cũng đang có xu hướng tăng trở lại, nhưng buộc lòng các hộ sản xuất này phải tiêu hủy số tiêu bị nhiễm bệnh để tránh lây lan sang các trụ tiêu khác.

Năm nay gia đình anh Phạm Hữu Đức (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) có hơn 2000 trụ tiêu cho thu hoạch, nhưng đến thời điểm này đã có gần 500 trụ tiêu chết và có biểu hiện nhiễm bệnh. Theo lời kể của anh Đức, anh phát hiện ra hiện tượng tiêu chết cách đây gần hai tháng, khi đó các trụ tiêu mới có hiện tượng vàng lá, rụng lá sau chuyển sang thối gốc, rụng đốt và chỉ chưa đầy tháng sau thì các dây tiêu đã chết khô.


Nông dân xót xa khi hàng ngày chứng kiến vườn tiêu của mình tàn lụi

Nông dân xót xa khi hàng ngày chứng kiến vườn tiêu của mình tàn lụi

Nhìn trụ tiêu trơ trụi, trái non rụng ngổn ngang dưới gốc, người đàn ông này lo lắng: “Ngày nào vườn tiêu của gia đình cũng có ít nhất 2-3 trụ chết. Khi phát hiện tiêu có hiện tượng chết dần, gia đình cũng đã tìm mọi cách để cứu chữa như rải vôi, xịt thuốc, nhưng cũng không thể hạn chế được sự lây lan nhanh. Ban đầu chỉ có một vài trụ, bây giờ thì 1/4 vườn tiêu đã bị bệnh và số trụ nhiễm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”.

Tương tự, vườn tiêu của ông Phạm Phú Nam (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song) cũng lâm vào cảnh chết hàng loạt. Nhìn vườn tiêu từ 2-5 năm tuổi xơ xác, ông Nam chua xót: “Sáng nay tôi có đi kiểm tra lại thì số trụ chết đã lên đến 400 trụ, bao gồm cả tiêu kinh doanh và tiêu non. Đau lòng nhất là nhiều trụ tiêu trái còn non, nhiều quả chưa có nhân cũng bị chết, số tiêu đó không bán được, đành phải tiêu hủy hết”.

Theo ông Nam, tiêu thường chết thành từng đám và khu vực, có thể là do lây lan bệnh. Năm nay, gia đình ông dự kiến thu khoảng 4 tấn nhân, nhưng với mức độ tiêu chết nhiều và nhanh như hiện nay thì năng suất dự kiến sụt giảm xuống chỉ còn khoảng một nửa. Với giá thị trường từ 120.000- 125.000 đồng/kg, ước tính ông thiệt hại khoảng 300 triệu đồng do bệnh dịch này.

Ông Nam buồn rầu cho biết thêm, gia đình ông đã bỏ rất nhiều công và chi phí cho vườn tiêu, nhưng với tình trạng tiêu chết như thế này không biết các vụ mùa sau sẽ như thế nào. Ngoài thiệt hại vì không có tiêu thu hoạch, trung bình mỗi trụ tiêu trong 5 năm chăm sóc cũng trị lên đến 2-3 triệu đồng nên ông tính tổng thiệt hại năm nay cũng lên đến cả tỷ đồng.

Không riêng các vườn tiêu tại Đắk Song, Đắk Mil, gia đình bà Đỗ Thị Mừng (xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô) cũng lâm vào cảnh trắng tay vì vườn tiêu chưa cho thu hồi vốn đã “vội” chết rụi. Nhìn vườn tiêu cây còn, cây chết, bà Mừng nghẹ ngào: “Bốn năm trước cả vườn tiêu kinh doanh 300 trụ cũng chết gần hết nên chúng tôi trồng lại số tiêu này. Năm ngoái nó đã cho thu bói, những tưởng năm nay sẽ thu hồi lại vốn vay mượn mua giống, trụ, phân bón thì ai ngờ nó lại chết gần hết”.


Nhiều diện tích tiêu của tỉnh Đắk Nông mắc bệnh khi thời điểm thu hoạch cận kề, buộc lòng nông dân phải nhổ bỏ

Nhiều diện tích tiêu của tỉnh Đắk Nông mắc bệnh khi thời điểm thu hoạch cận kề, buộc lòng nông dân phải nhổ bỏ

Sắp tới bà Mừng không biết sẽ phải làm gì bởi hiện vườn tiêu của gia đình chỉ còn 100 trụ nữa nhưng cũng èo uột, có dấu hiệu bị bệnh nên chắc rồi cũng sẽ chết.

“Những trụ tiêu bị bệnh chết rất nhanh nên chúng trở tay không kịp. Sáng sớm tôi còn thấy xanh tươi nhưng trưa đã thấy cành, lá rũ xuống hết rồi và vài ngày sau là tàn. Nghe nhiều hộ khác bày cho cách chữa nhưng không cứu vãn được vườn tiêu. Năm nay, có lẽ tôi phải nhổ trụ những cây đã chết để trồng cà phê thay thế chứ không dám đánh cược với tiêu nữa”, người phụ nữ nói giọng xót xa.

Ông Phạm Thanh Trình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An thông tin, hiện nay toàn xã có 265 ha tiêu, gồm cả diện tích trồng thuần và trồng xen, tăng 100 ha so với năm 2015. Hiện tượng tiêu chết hàng năm vẫn xảy ra, nhưng năm nay số lượng tiêu chết nhiều hơn những năm trước đây. Đến thời điểm này, toàn xã có khoảng trên 3.000 trụ tiêu đã bị chết, bình quân mỗi hộ tiêu bị chết khoảng 100 - 200 trụ.

Trong khi đó, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông, qua xem xét những dấu hiệu ban đầu thì tiêu chết có thể là do bệnh chết nhanh, chết chậm, với bệnh này thì hiện tại không có biện pháp cứu chữa. Chi cục này khuyến cáo, người dân thực hiện các biện pháp cách ly như đào rãnh để hạn chế lây lan. Đối với những trụ tiêu đã mang bệnh thì tuyệt đối tuân thủ việc thu gom và tiêu hủy triệt để các tàn dư cây bị bệnh, xử lý các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột và sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các hỗn hợp của nấm đối kháng cho tiêu như: Trichoderma, xạ khuẩn Steptomices, vi khuẩn Bacillus, các vi sinh vật có ích khác..

Được biết, hiện nay tổng diện tích hồ tiêu của Đắk Nông là hơn 27.527 ha, diện tích cho thu hoạch là 14.359 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 31.000 tấn. Đắk Nông trở thành một trong các tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước. Cây hồ tiêu đã góp phần đáng kể trong thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu thời gian qua còn thiếu định hướng và khả năng cung vượt cầu, dịch bệnh khó kiểm soát đang tiềm ẩn cao. Thực trạng này cũng là lời cảnh báo cho người dân cần thay đổi cách trồng trọt, tránh tự phát trồng theo phong trào.

Dương Phong