Xuất khẩu hồ tiêu: Làm gì để giữ kim ngạch trên 1 tỷ USD/năm?

(Dân trí) - Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, hồ tiêu đang là mặt hàng mang lại lợi nhuận cao nhất, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm.

Dữ liệu tại diễn đàn “Phát triển chuỗi giá trị hồ tiêu bền vững trong thời kỳ hội nhập” tại Đắk Nông được tổ chức mới đây cho thấy: Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, hồ tiêu đang là mặt hàng mang lại lợi nhuận cao nhất. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn với kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trên 1 tỷ USD/năm. Hồ tiêu Việt Nam không những đóng vai trò quan trọng trong thương mại hồ tiêu toàn cầu, góp phần cân đối cung - cầu, giá cả hồ tiêu thế giới mà còn là ngành hàng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế nông thôn…

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện hồ tiêu Việt Nam chiếm trên 50% lượng hồ tiêu thương mại thế giới. Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) dự báo, sau 8 năm nữa, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu hồ tiêu thêm trên 30% so với hiện nay, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thị trường hồ tiêu thế giới.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông, kế hoạch đến năm 2020 tỉnh sẽ ổn định diện tích hồ tiêu trồng ở mức 14.907 ha và đến năm 2025, diện tích trên toàn tỉnh sẽ ổn định vào 12.981 ha. Tuy nhiên đến nay, diện tích trồng hồ tiêu của tỉnh đã vào xấp xỉ 26 nghìn ha.


Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, hồ tiêu đang là mặt hàng mang lại lợi nhuận cao nhất, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm.

Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, hồ tiêu đang là mặt hàng mang lại lợi nhuận cao nhất, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm.

Mặc dù vậy, chất lượng Hồ tiêu Việt Nam đã và đang bị nhiều thị trường nghi ngờ, đưa vào “tầm ngắm”. Từ năm 2015 đến giữa năm 2016, đã có 17 lô hàng hồ tiêu của Việt Nam bị EU phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định, bị trả về. Nguyên nhân chính là do nông dân trồng tiêu đã lạm dụng nhiều loại thuốc diệt nấm, diệt côn trùng… không bảo đảm chất lượng, không đúng quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, tình trạng mua nhỏ lẻ, tích trữ lẫn lộn hồ tiêu nhiều vùng miền, gây ra nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật của nhiều doanh nghiệp tham gia mua hồ tiêu khiến chất lượng hồ tiêu rất khó kiểm soát và truy xuất nguồn gốc...

Theo đánh giá của GS. Nguyễn Lân Hùng, Đắk Nông đã “thay da đổi thịt” trong 4 năm gần đây khi chọn ra hướng đi phát triển mạnh cây hồ tiêu, coi đây là cây kinh tế chủ lực. Trong quá trình phát triển đó, điều quan trọng nhất hiện nay là chất lượng trên con đường hội nhập.

GS.Hùng kể: “Tôi đã gặp và trao đổi với nhiều bà con nông dân, chúng ta hô khẩu hiệu làm hồ tiêu sạch nhưng làm không hề đơn giản. Muốn làm sạch phải có kỹ thuật, tốn công sức hơn, có phương pháp, có quy củ hơn. Ví dụ như bà con phun thuốc trừ sâu, hàng đã xuất đi rồi nhưng bị trả lại. Vì vậy khi muốn hội nhập từng hộ gia đình dứt khoát cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật của các chuyên gia, dùng giống sạch có chất lượng cao, phải làm đến nơi đến chốn để hồ tiêu vươn ra thế giới”, vị chuyên gia này cho biết.

Còn theo ý kiến của TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, tiêu chết do cây yếu, sức khỏe của đất yếu. Muốn cây khỏe thì phải phục hồi đất. Ngoài ra, cần đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu, đưa thêm quy trình sản xuất dầu hồ tiêu.

"Hiện nay, hồ tiêu nhiễm tồn dư chất bảo vệ thực vật bạn hàng sẽ trả lại. Nếu muốn duy trì sản lượng hồ tiêu chiếm 50% sản lượng hồ tiêu thương mại trên thế giới thì bắt buộc chúng ta phải sản xuất tiêu sạch. Mỗi hộ dân cần giảm tất cả thuốc hóa học, cần dùng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vừa làm tăng sức đề kháng của cây vừa chia phần thức ăn để giảm sự tấn công của tuyến trùng vào cây", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Lê Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Á đánh giá: Mô hình phát triển chuỗi giá trị tiêu bền vững là sự lựa chọn đúng đắn và tất yếu. Bằng cách liên kết giữa đơn vị bao tiêu sản phẩm, mô hình trồng hồ tiêu sạch và xanh, đảm bảo môi trường và sức khỏe của người trồng tiêu, sức khỏe người tiêu dùng. Chúng ta sẽ không chỉ cải thiện năng suất và còn nâng cao chất lượng và giá trị và thương hiệu của mặt hàng nông sản hết sức độc đáo này, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế toàn tỉnh và của đất nước.

Theo đó, để cùng mở rộng, phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn của Đắk Nông nhằm góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, khẳng định vị thế quan trọng của thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế mang lại hiệu quả cao bền vững, ngân hàng này cam kết tài trợ gói cho vay ưu đãi trị giá 500 tỷ giai đoạn 2017 - 2020 với lãi suất 9% trong năm đầu tiên hỗ trợ người nông dân trồng hồ tiêu.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty XNK Tổng hợp I cũng đã nhận bao thu mua sản phẩm tiêu để chế biến xuất khẩu trực tiếp nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của hồ tiêu Đắk Nông.


Anh Nông Văn Lê (bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, huyện Đăk Song, tỉnh Đắk Nông) - ông chủ của vườn tiêu với diện tích 3 hecta và gần 5.000 trụ tiêu. Anh Lê chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi đã trồng thêm tiêu và sản lượng vườn tiêu đạt 20 tấn, gấp đôi năm ngoái. Điều kiện năm nay thuận lợi hơn, ngoài ra chúng tôi dùng các chế phẩm sinh học, cải thiện được chất lượng đất, giảm các nấm bệnh và giảm đến 50% chi phí đạm, lân, kali. Cũng đã có công ty xuất nhập khẩu đến gặp thu mua hàng của chúng tôi, giá cao hơn 10% so với các hộ khác”.

Anh Nông Văn Lê (bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, huyện Đăk Song, tỉnh Đắk Nông) - ông chủ của vườn tiêu với diện tích 3 hecta và gần 5.000 trụ tiêu. Anh Lê chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi đã trồng thêm tiêu và sản lượng vườn tiêu đạt 20 tấn, gấp đôi năm ngoái. Điều kiện năm nay thuận lợi hơn, ngoài ra chúng tôi dùng các chế phẩm sinh học, cải thiện được chất lượng đất, giảm các nấm bệnh và giảm đến 50% chi phí đạm, lân, kali. Cũng đã có công ty xuất nhập khẩu đến gặp thu mua hàng của chúng tôi, giá cao hơn 10% so với các hộ khác”.

An Hạ