1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quảng Nam:

Nông dân lao đao khi ớt chín đỏ ngoài vườn nhưng không có người mua

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Hàng trăm ha ớt ở tỉnh Quảng Nam đang vào vụ thu hoạch nhưng ít có thương lái mua khiến nông dân lo lắng.

Nông dân lao đao khi ớt chín đỏ ngoài vườn nhưng không có người mua - 1

Hàng trăm ha ớt ở Quảng Nam đang vào vụ thu hoạch nhưng rớt giá, thương lái thu mua ít khiến nông dân lao đao.

Quảng Nam có khoảng 500 ha trồng ớt, tập trung nhiều tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. Cây ớt đang thời điểm thu hoạch rộ nhưng đầu ra sản phẩm gần như bế tắc.

Ớt được mua với giá chỉ 3.500 - 4.000 đồng/kg tiêu thụ nội địa, nhưng số lượng không đáng kể. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu ớt gặp nhiều khó khăn khiến giá rớt, thương lái không đoái hoài.

Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo trong khâu liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, và định hướng cây trồng hiệu quả… đã khiến tình trạng "được mùa mất giá", "được mùa bế tắc đầu ra" liên tục tái diễn.

Nông dân lao đao khi ớt chín đỏ ngoài vườn nhưng không có người mua - 2

Ớt chín đỏ ngoài ruộng nhưng tiêu thụ hạn chế, ớt chín cây để lâu dễ gây suy cây, năng suất giảm…

Vụ đông xuân 2020-2021, toàn huyện Đại Lộc có tổng cộng 200ha chuyên canh cây ớt, tập trung tại các xã Đại Cường, Đại An, Đại Nghĩa, Đại Minh.

Thời điểm này các năm trước, nông dân đang tất bật thu hái ớt xanh, ớt chín đỏ để bán cho thương lái, nhưng năm nay rất ít người mua, bế tắc đầu ra.

Ớt rớt giá, đầu ra bế tắc.

Bà Nguyễn Thị Hiền (thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) cho biết, năm nay gia đình bà canh tác 4 sào ớt Ấn Độ 433, chi phí đầu tư hơn 3 triệu đồng/sào. Đầu vụ thương lái thu mua ớt xanh giá 7.000 đồng/kg nhưng chỉ hơn 1 tuần rồi giá rớt liên tục giảm, chỉ còn 3.500-4.000 đồng/kg, hiện nay thì tạm dừng thu mua.

Theo bà Hiền, trung bình 1 sào ớt có sản lượng gần 1 tấn trái, hiện 4 sào ớt gia đình chỉ bán được vài trăm ký. Thương lái dừng thu mua, ớt chín đỏ ngoài ruộng khiến bà Hiền rất lo lắng.

Nông dân lao đao khi ớt chín đỏ ngoài vườn nhưng không có người mua - 3

Giá ớt hiện tại chỉ còn 3.500-4.000 đồng/kg nhưng thu mua nhỏ giọt, hạn chế.

"Ớt để chín đỏ không hái thì sẽ nhanh suy cây, không phát triển trái mới, ảnh hưởng đến năng suất. Nhưng hái về thì phơi phóng rất mất công, chưa kể nếu gặp trời mưa mà gom không kịp thì coi như bỏ. Nông dân chúng tôi chỉ hy vọng có đầu ra để bù lại chi phí đầu tư, chăm sóc", bà Hiền rầu rĩ nói.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng phòng Phòng nông nghiệp huyện Đại Lộc -  cho biết: "Do biến động thị trường, dịch Covid-19, cây ớt có giá cả, đầu ra bấp bênh so với các năm trước bởi con đường xuất khẩu bị ảnh hưởng, sức tiêu thụ nội địa không đáng kể. Đại Lộc trước kia có một doanh nghiệp đứng ra liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng nay chuỗi liên kết không còn".

Vụ đông xuân năm 2021, thị xã Điện Bàn sản xuất hơn 270 ha ớt, tập trung tại các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Hồng, Điện Phong, Điện Minh, Điện Phước, Điện Thọ…

Theo Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cây ớt trên địa bàn chủ yếu xuất sang Trung Quốc. So với các năm trước, giá ớt năm nay rất thấp chỉ 3.500 đồng/kg, do ảnh hưởng dịch bệnh nên đầu ra khó khăn, thị trường nội địa hạn chế.

Trước tình trạng trên, các ngành chức năng địa phương khuyến cáo người trồng ớt chuyển qua thu hoạch bán ớt khô nhưng người dân không mấy mặn mà.

Nông dân lao đao khi ớt chín đỏ ngoài vườn nhưng không có người mua - 4

Nông dân hy vọng có đầu ra ổn định cho cây ớt, bởi đây là loại cây cho hiệu quả cao khó tìm loại thay thế.

Vụ này gia đình ông Nguyễn Tấn Tâm (66 tuổi, thôn Thi Phương, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) trồng 3 sào ớt giống Chi Li và Ấn Độ. Đến nay, ớt của ông đã trĩu cây, đang vào mùa thu hoạch nhưng cũng không bán được vì giá giảm thấp, ít người mua. Ông Tâm đành để ớt ở trên cây thêm vài ngày để nghĩ cách.

Ông Tâm cho hay, ông xuống giống vụ ớt này từ tháng 11/2020. Như những năm trước, đến thời điểm này gia đình ông sẽ hái ớt xanh bán cho thương lái xuất khẩu với giá bán dao động từ 8.000-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thị trường ớt đang "đứng lại", các đại lý chỉ thu mua được vài tấn vì chỉ xuất bán ở thị trường trong nước.

"Đến nay, ớt đã vào mùa thu hoạch nhưng không bán được. Nếu cứ tiếp tục để ớt ở lại trên cây mà không hái thì cây sẽ khô ngọn, hư hỏng và không cho quả nữa. Người nông dân chúng tôi sẽ thua lỗ", ông Tâm nói.

Vùng trồng ớt Duy Châu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lên tới hàng trăm ha, tập trung nhiều ở Lệ Bắc, Thanh Châu, song khâu liên kết tạo chuỗi giá trị chưa hiệu quả, nông dân tự tìm kiếm đầu ra theo kiểu "hợp đồng miệng" với thương lái.

Theo ông Hồ Xuân Tám (Trưởng thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu), địa phương có gần 100 ha chuyên canh cây ớt. "Cây ớt năm nay điêu đứng, ớt xanh không có đầu ra khiến ai nấy đứng ngồi không yên. Đợi tới khi chín đỏ để bán, nếu tới đó thương lái không mua nữa thì tình trạng bỏ chín rục tại cây rất dễ xảy ra. Người dân chỉ hy vọng có đầu ra ổn định cho sản phẩm cây ớt, bởi đây là loại cây cho hiệu quả cao nên rất khó tìm loại thay thế", ông Tám cho hay.

Cũng theo ông Tám, trước đó, có công ty đứng ra liên kết sản xuất với nông dân, bao tiêu đầu ra cho cây ớt. Một vài cơ sở nhỏ ở Duy Xuyên từng đứng ra thu mua ớt tươi muối chua đưa đi Hàn Quốc tiêu thụ nhưng nay không còn.

Nguyên nhân khiến vựa ớt tươi không bán được, theo lời thương lái, là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc không "ăn hàng". Toàn bộ giống ớt, kể cả bắp đỏ, bắp nếp vùng Lệ Bắc, Thanh Châu (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) đều do bà con trong vùng cung ứng, hứa hẹn bao tiêu nên vắng bóng thương lái khiến nông dân điêu đứng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm