Nông dân làm nông nghiệp sạch vui Tết

Giá cả ổn định, đầu ra đều, thêm thương lái tới bắt mối, mở rộng quy mô sản xuất hay chuyển đổi sản xuất theo hướng tập trung chính là những niềm vui của nhà nông bên cạnh rất nhiều thiên tai và cả nhân tai ảnh hưởng tới nông nghiệp năm 2016.

Lắng bớt nỗi lo về an toàn thực phẩm

“Không phải là không sợ nữa, nhưng mình thấy nhiều người vẫn trồng thật, nuôi thật nên mình vẫn an tâm và tin tưởng vào lương tâm của những người tạo ra nguồn lương thực chính cho xã hội là nông dân” – chia sẻ của cô Dương Thị Sinh (43 tuổi, Hương Lâm, Hiệp Hòa, Bắc Giang).

Năm 2016, năm Bộ NN & PTNT vào cuộc quyết liệt với 4 vấn nạn: chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản, thuốc BVTV và phân bón giả. Nhiều quy trình nuôi, trồng không đảm bảo vệ sinh, sử dụng chất cấm bị phanh phui khiến cộng đồng nâng cao cảnh giác với thực phẩm bẩn.

Đây cũng là năm không chỉ doanh nghiệp lớn mở rộng đầu tư cho nông nghiệp sạch, nông sản Việt có chỗ đứng trên trường quốc tế như sự kiện công ty CP Vinamit chính thức nhận chứng nhận canh tác và chế biến nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ (USDA Organic) và liên minh châu Âu (Ecocert – EU); nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hộ gia đình, hợp tác xã (HTX), chuỗi sản xuất nông sản VietGap, Global Gap cũng lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi trên các kênh báo chí và truyền hình thời sự. Từ đó, người tiêu dùng có cái nhìn tổng thể hơn về bức tranh nhiều chiều của nông nghiệp và có thêm niềm tin với nông sản Việt.

Nông Nghiệp Sạch – chương trình truyền hình thực tế về các mô hình và quy trình sản xuất nông nghiệp sạch khắp cả nước. Ảnh: Bizmedia
Nông Nghiệp Sạch – chương trình truyền hình thực tế về các mô hình và quy trình sản xuất nông nghiệp sạch khắp cả nước. Ảnh: Bizmedia

Niềm vui cho những bà con làm nông nghiệp sạch

Năm 2016, nhiều nông sản sạch giữ giá cả ổn định do nguồn cung đều đặn, chất lượng. Ông Nguyễn Đăng Trung (làng Lạc Thổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) chia sẻ: năm nay gia đình ông bán được nhiều hơn năm trước, từ 15 – 20 con gà Hồ, giá bán từ 400 – 450 ngàn đồng/kg, sang năm các hộ trong làng cùng chuyển sang hình thức nuôi tập trung để nâng cao chất lượng con giống.

Nhiều mặt hàng nông sản cũng mở rộng được thêm thị trường do nhiều khách hàng tìm đến tận đơn vị sản xuất, khoảng cách cung cầu được thu hẹp. Chị Trương Hải Yến (Nghĩa Lộ, Yên Bái) cho biết dịp cận tết là thời điểm nhiều đơn vị sản xuất làm giả thịt trâu khô khiến nhà chị hầu như chỉ bán cho các mối quen. Tuy nhiên, tết này, sau khi quy trình làm thịt trâu đạt chuẩn ATTP của cơ sở được giới thiệu trên truyền hình Nông nghiệp sạch của VTV1, cận tết cơ sở bán được tới 3 tấn thịt trâu khô, nhiều khách hàng mới gọi tới đặt mua trực tiếp, cơ sở của chị phải thuê thêm nhân công.

Ông Nguyễn Văn Nhẫm (Tân Sơn, Phú Thọ) cũng phấn khởi khi năm nay nhà ông bán được nhiều lợn rừng lai giống: “nhiều người gọi điện và tới tận nhà để học hỏi cách nuôi. Hỏi ra mới biết họ biết đến gia đình ông nhờ xem chương trình Nông Nghiệp Sạch qua ti vi, cảm ơn chương trình đã giúp giới thiệu đặc sản của Tân Sơn quê tôi tới người tiêu dùng”.

Ông Nhẫm chia sẻ về cách nuôi lợn rừng lai trong chương trình Nông Nghiệp Sạch. Ảnh: Bizmedia
Ông Nhẫm chia sẻ về cách nuôi lợn rừng lai trong chương trình Nông Nghiệp Sạch. Ảnh: Bizmedia

Sau hơn 2 tháng, gần 100 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của các hộ nông dân, các HTX, các cơ sở tham gia chuỗi sản xuất an toàn được giới thiệu đầy đủ, chân thực. Bằng cách đem tới trải nghiệm thực tế, chương trình không những trở thành cầu nối cung cầu cho người sản xuất, người tiêu dùng mà còn góp phần đem tới niềm tin vào sự phát triển của nền nông nghiệp sạch Việt Nam./.