Quảng Ngãi:
Nông dân “khóc” với giá dưa hấu
(Dân trí) - Đã vào vụ thu hoạch nhưng nhiều nông dân trồng dưa hấu ở huyện Bình Sơn đang méo mặt vì giá dưa hấu đang rớt từng ngày. Hiện tại, giá dưa tại ruộng chỉ 400 - 500 đồng/kg nên dưa “trắng ruộng” cũng không ai muốn hái vì không đủ chi phí.
Thu hoạch dưa hấu tại xã Bình Thạnh (Bình Sơn).
Mới tháng Giêng mà trời nắng như đổ lửa, đã quá trưa nhưng bà Tô Thị Hồng (xã Bình Thạnh, Bình Sơn) vẫn đứng tần ngần nhìn 4 sào dưa của mình đang chín đầy ruộng nhưng chưa muốn thu hoạch vì giá dưa chỉ có 500 đồng mỗi ký.
“Đó mới là đầu vụ, còn vài ngày nữa là đến kỳ thu hoạch rộ chắc giá còn xuống nữa”, bà Hồng than thở.
Bà Hồng cho biết, giờ này năm ngoái, giá dưa tại ruộng đã là 4.500 - 5.000 mỗi ký, giờ giá chỉ bằng 10% so với năm ngoái nên hầu hết những người trồng dưa ở đây đều không muốn thu hoạch mặc dù dưa đang chín tới.
“Tôi đang suy nghĩ xem có cách nào không chứ để dưa ngoài ruộng thì dưa hư, còn bán thì giá rẻ quá, không đủ tiền đầu tư chăm sóc trong thời gian hơn hai tháng”, bà Hồng nói thêm.
Cũng như bà Hồng, nhiều người trồng dưa tại các xã khác của huyện Bình Sơn cũng đang dở khóc dở cười khi đã vào vụ thu hoạch nhưng giá dưa cứ rớt từng ngày. “Không riêng gì tôi, ở cả huyện này ai cũng như thế hết anh à”, ông Đỗ Văn Lập, cán bộ văn phòng xã Bình Thạnh, người cũng trồng 5 sào dưa nói.
Theo ông Lập, năm ngoái cũng với diện tích dưa này gia đình ông bán được mấy chục triệu, nhiều người khác cũng “trúng” nên năm nay bà con chủ quan tiếp tục trồng lại giống dưa Hồng Lương để xuất khẩu sang Trung Quốc và tăng diện tích lên gấp 1,5 lần nhưng thị trường Trung Quốc không ăn, thế là... “bể”.
Đi khắp các xã trồng dưa ở huyện Bình Sơn, đâu đâu cũng bắt gặp từng đống dưa cao ngút chờ xe tải vào “ăn” hàng nhưng: “Lâu lâu mới có một chiếc vào chất dưa chú ơi”, một nông dân tên Nguyễn Văn Sơn ở xã Bình Mỹ than.
Hơn chục năm trồng dưa, ông Đoàn Văn Chung (trú xã Bình Thạnh) chứng kiến đây là lần thứ hai giá dưa rẻ như bèo. Lần trước cách đây 6 năm giá dưa cũng rẻ nhưng khi đó giá cả hàng hóa không tăng như bây giờ. “Khi đó bán trái dưa 5 kí cũng mua được kí gạo, nhưng năm nay bán vài ba trái mới đủ mua kí gạo”, ông Chung nhẩm tính.
Lác đác mới có chiếc xe tải vào “ăn” dưa.
Theo ông Chung, trồng dưa ít vốn mà chỉ bỏ công là chủ yếu, nếu trúng giá thì kiếm được mỗi sào 5 - 7 triệu còn không thì coi như lỗ công chăm sóc. Tính toán của ông Chung, cứ mỗi sào (500m2) trồng được 400 gốc dưa, tiền phân, nước, bạt phủ... khoảng 1 - 1,5 triệu đồng, thu hoạch được khoảng 2 tấn dưa nếu giá 400 - 500 đồng/kg là cầm chắc lỗ.
Nhiều người trồng dưa ở Bình Sơn cho biết, trồng loại cây này chẳng khác nào… đánh bạc. Như năm ngoái thị trường Trung Quốc ăn dưa nên năm nay người dân lại ồ ạt trồng, nhưng đến lúc này, dưa không xuất khẩu được nên nhiều người “chết đứng”.
Nông dân “khóc” nhưng thương lái cũng không sướng hơn. Ông Lê Dũng, một thương lái đã theo nghề này mấy năm nay bảo: “Hên xui thôi em à, cái này như đánh bạc thôi. Thị trường Trung Quốc ăn thì tôi và người trồng dưa được nhờ, còn không thì chết cả chùm”.
Ông Dũng cho biết từ đầu mùa dưa đến giờ ông đã “đánh” ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hơn 10 xe (mỗi xe từ 25 - 30 tấn dưa) nhưng xe nào cũng lỗ vài chục triệu, tính ra ông đã lỗ khoảng vài trăm triệu. “Lỗ vài trăm triệu là chuyện thường, có người còn lỗ vài tỉ nhưng khi thị trường “ăn” thì kiếm lại mấy hồi”, ông Dũng tỏ vẻ dày dạn kinh nghiệm.
Theo ông Dũng, hiện nay nếu bà con có cho không dưa thì chở sang Trung Quốc xuất khẩu vẫn lỗ, ông nhẩm tính: Giá cước vận chuyển hiện gấp 3 lần giá dưa nhưng chở qua bán được liền thì không nói, còn để nằm vài ba ngày coi như đem dưa đi đổ, mà đổ cũng phải tốn thêm tiền.
Dưa tại ruộng thì xuống giá từng ngày, trong khi từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mỗi ngày có hàng trăm xe dưa từ các tỉnh đổ về khiến dưa thêm ùn ứ và hư thối phải đổ bỏ.
Công Bính - Trọng Huy