1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nông dân điêu đứng vì trồng mắc ca không ra trái

(Dân trí) - Mấy năm gần đây, cây mắc ca đã du nhập vào nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nhiều hộ dân đã thử nghiệm giống cây này, đến lúc cho thu hoạch thì người dân điêu đứng vì cây tươi tốt nhưng lại không ra trái.

Liên Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) là một trong những xã của Lâm Đồng được chọn trồng khảo nghiệm mắc ca từ năm 2010. Đến nay, diện tích khảo nghiệm đã cho kết quả nhưng năng suất và sản lượng còn rất kém, nhiều nơi không ra trái.

Nguyên nhân cây mắc ca tươi tốt nhưng không ra trái là do một số người dân đã tự ý mua các giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Ông Nguyễn Đức Hồng (54 tuổi, ở thôn Liên Kết, xã Liên Hà) cho biết, thấy bà con trong xã mua cây mắc ca về trồng, ông cũng mua thử gần 100 cây về trồng xen vào vườn cà phê. Nhưng hơn 5 năm, khi cây ra bói tốt tươi chỉ thấy lá mà quả không được bao nhiêu.

“Tôi trồng đã được hơn 5 năm rồi, quả chỉ đủ để gia đình ăn và biếu người thân một ít làm quà, chứ cũng chẳng hy vọng có bán”, ông Hồng nói.

Không may mắn như gia đình ông Hồng, gia đình bà Kiều Thị Nam (60 tuổi, cùng ở thôn Liên Kết, xã Liên Hà), trồng 20 cây nhưng chỉ có 3 cây ra quả. Cây nào cây nấy tốt tươi nhưng chẳng thấy quả đâu, nên gia đình bà Nam đã cưa bớt cành để làm củi.

Anh Nguyễn Văn Thọ, cán bộ văn phòng xã Liên Hà (Lâm Hà), trồng mắc ca khảo nghiệm chia sẻ, anh đã bỏ tiền mua 100 cây mắc ca giống để trồng khảo nghiệm, đến nay sống được 30 cây. Ban đầu công ty nơi anh mua giống nói sau 3 năm mắc ca sẽ ra lứa quả đầu tiên, nhưng phải sau 5 đến 6 năm cây mắc ca mới có quả.

“Lượng quả ra không đồng đều, cây có quả cây không. Bà con ở đây trồng mắc ca, lượng quả thu về cho trẻ con ăn chẳng đủ…”, anh Thọ chia sẻ thêm.

Mắc ca của người dân ở xã Liên Hà tươi tốt lá xum xuê nhưng cho rất ít trái
Mắc ca của người dân ở xã Liên Hà tươi tốt lá xum xuê nhưng cho rất ít trái

Ông Trần Văn Thái, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà (Lâm Hà) cho hay: “Qua khảo sát gần đây nhất, toàn xã có 22 ha mắc ca, 30 hộ dân tham gia trồng nhưng năng suất là điều lo ngại nhất. Trong đó, 10 ha trồng khảo nghiệm không cho kết quả tốt. Nguyên nhân không biết do giống, khí hậu hay kỹ thuật trồng… thực chất chưa có nghiên cứu hay báo cáo cụ thể nào về cây trồng mới mẻ này tại địa phương”.

Theo cán bộ Hội Nông dân xã Liên Hà, diện tích mắc ca trên địa bàn xã, ngoài 10ha trồng khảo nghiệm, số còn lại là bà con tự mua giống trôi nổi ở ngoài thị trường. Có hộ may mắn thì trồng cho thu hoạch, có hộ không may thì trồng mắc ca tốt tươi nhưng để “lấy cành”, tạo bóng râm cho cây cà phê.

Được biết, ở Lâm Đồng hiện có khá nhiều nơi sản xuất và kinh doanh cây giống, giá dao động khoảng 60 nghìn đồng/cây. Chưa có kết luận chính xác nào bảo đảm về chất lượng của số lượng giống cây này.

Tuy vậy nhiều vườn ươm trên địa bàn huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) vẫn rơi vào tình trạng “cháy hàng” cây giống vì lượng người mua tăng vọt. Một số bà con còn tự qua địa bàn lân cận như Đắk Lắk mua hạt giống với giá cao và về tự ươm trồng.

Cây mắc ca trong vườn nhà bà Nam không ra trái nên gia đình cưa bớt cành để làm củi
Cây mắc ca trong vườn nhà bà Nam không ra trái nên gia đình cưa bớt cành để làm củi

Hiện, Lâm Đồng đã bắt đầu triển khai quy hoạch cây mắc ca trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung đầu tư trồng mới xen canh kết hợp với chức năng che bóng cho cây cà phê, chè. Đồng thời phát triển công nghiệp chế biến gắn với cơ cấu sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Qua đây, Sở NN&PTNN Lâm Đồng khuyến cáo các địa phương được quy hoạch trồng mắc ca người dân không nên trồng tự phát, trồng mới 100% giống mắc ca ghép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh tăng cường vận động nông dân sản xuất mắc ca theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, tham gia tập huấn, học nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật mới tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mắc ca thu hoạch hàng năm.

Ngọc Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm