Đắk Lắk:
Cây mắc ca giống "cháy hàng" và những hiểm hoạ
(Dân trí) - Trong khi lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Sở NN&PTNN tỉnh khuyến cáo người dân không nên mở rộng ồ ạt diện tích cây mắc ca; thì tại các cơ sở bán giống mắc ca hầu hết đều thông báo “cháy hàng” vì có nhiều người dân tìm mua loại cây “tỷ đô” này.
Mắc ca giống giá cao vẫn được chuộng
“Hiện tại rất nhiều người dân, kể cả doanh nghiệp đều rất cần cây giống mắc ca để mở rộng nên loại cây này trở nên khan hiếm. Cơ sở của tôi phải đến khoảng cuối tháng 7 này mới có giống để bán”, ông chủ cơ sở này nói.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với vài cơ sở bán cây giống khác nằm trên con đường này, hỏi mua mắc ca thì chủ cửa hàng cũng lắc đầu thông báo hàng đã hết.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Cúc (ngụ thôn Xuân Lộc, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) - là người đầu tiên trồng mắc ca ở Đắk Lắk, cho biết, ông trồng mắc ca từ năm 2002 đến nay vườn mắc ca của ông đã tăng lên 4ha mắc ca với khoảng 800 cây, sắp tới gia đình ông quyết định chặt bỏ 2ha cao su để tiếp tục mở rộng diện tích mắc ca.
Mỗi năm gia đình ông Cúc thu hoạch từ 7 - 8 tấn quả, bán với giá 170 ngàn đồng/kg. “Hiện tại, tôi ươm khoảng 20.000 cây giống bán cho các đơn vị doanh nghiệp và cả người dân địa phương. Giống tôi ươm bằng việc ghép với cây trồng trong vườn nên được ưa chuộng, nhiều lúc ươm không kịp để bán”, ông Cúc nói.
Cũng theo ông Cúc, hiện gia đình ông bán hạt mắc ca chủ yếu để ươm làm giống và chưa hề bán hạt mắc ca để chế biến. Riêng giống mắc ca của gia đình ông ươm được bán với giá 70 ngàn đồng/cây và mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thành (49 tuổi, ngụ xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) cho biết: “Vào năm 2014, gia đình tôi xuống giống 1.000 cây mắc ca, năm nay tiếp tục phá khoảng 4ha để trồng mắc ca. Tôi thấy loại cây này tính ra thu nhập cao hơn các cây khác, nếu cho năng suất tốt nên quyết định mở rộng diện tích trồng. Người dân trong vùng chỗ tôi đang trồng nhiều loại cây này”.
Thăm quan vườn ươm mắc ca của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, anh Hoàng Phương - Quản lý vườn ươm giống, cho biết: Hiện Viện đang ươm khoảng 400.000 cây mắc ca giống ghép để bán cho doanh nghiệp, cơ sở và nông dân nhưng hàng đều đã được đặt. “Số cây giống chúng tôi đang chăm sóc để đưa ra thị trường thì được đặt hàng từ trước, có rất nhiều đơn vị liên hệ để đưa tiền cọc trước nhưng chúng tôi vẫn không dám nhận vì sợ không đủ giống để cung ứng”, anh Phương thông tin.
Anh Phương cho biết, mắc ca là loại cây khó ươm và khó chăm sóc hơn so với các loại cây trồng khác như: cà phê, hồ tiêu… Giống mắc ca được đưa ra thị trường phải là giống ghép, không phải giống ươm từ hạt nên thời gian chăm sóc lâu hơn và giá cao gấp nhiều lần các loại cây trồng khác nhưng vẫn rất hút khách.
Theo TS. Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện tại giá giống mắc ca ở Viện vào khoảng 60 ngàn đồng/ cây, ở các khu vực khác có nơi giá cao hơn.
“Trước khi bán giống, chúng tôi đều có tư vấn kỹ càng cho người dân và cơ sở có ý định trồng rằng, nếu điều kiện đất đai, khí hâụ phù hợp thì nên trồng, còn không sẽ khuyên không nên trồng và cũng không bán giống ồ ạt. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên chặt phá cao su hay cà phê để trồng mắc ca mà nên trồng xen canh để tránh thiệt hại nếu mắc ca không cho năng suất”, ông Vinh cho hay.
Hiểm họa từ việc chọn giống mắc ca kém chất lượng
Ông Trang Quang Thành - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay trên thị trường chưa biết cơ sở nào có cây giống mắc ca đảm bảo vì chưa ai đăng ký chất lượng, chỉ có Công ty Vina mắc ca đang trồng thí nghiệm 26 loại giống. Nhưng thực tế trên thị trường, giống cây mắc ca xuất hiện nhiều loại giống do người dân tự ươm giống, lai ghép và có không ít trường hợp chủ vườn còn cố tình tạo “sốt” để đẩy giá cây giống lên.
“Việc mua cây giống mắc ca trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ gây ra nhiều hệ lụy và người chịu thiệt chính là nông dân. Ở Đắk Lắk có nơi đã trồng mắc ca trên chục năm không ra trái do nhiều yếu tố trong đó do từ nguồn giống”, ông Thành nói thêm.
Theo tiến sĩ Trần Vinh, hiện tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đang trồng thử nghiệm khoảng 10ha mắc ca, tuy nhiên năng suất của mắc ca tại mỗi nơi lại khác nhau, phụ thuộc vào khí hậu, thổ nhưỡng, giống cây. “Giống của mắc ca rất đa dạng như giống của Úc, Trung Quốc, Thái Lan.., mỗi loại phù hợp với mỗi loại đất trồng nên người dân chọn giống phải qua kiểm định chất lượng, không nên mua giống trôi nổi không rõ ràng”.
Cũng theo tiến sĩ Vinh, năng suất của mắc ca khó nói trước bởi nó biến thiên theo từng năm, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tại viện có cây có năm được khoảng từ 5 – 10kg, có năm được vài lạng, thậm chí hoa rụng hết không đậu quả.
Tiến sĩ Vinh nhận xét, không thể phủ nhận về giá trị xuất khẩu của mắc ca, vì đây là loại hạt tại nước ngoài rất ưa chuộng. Tại Việt Nam, do mắc ca là 1 loại cây dễ trồng, chi phí chăm sóc thấp nên người dân đang muốn chuyển đổi sang trồng. Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng, đây là 1 loại cây “không dễ ăn” và khá “khó tính” nên sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu và định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, hiện Sở NN&PTNT đang tiến thành thành lập Đoàn kiểm tra nguồn gốc giống cây mắc ca, trước việc giống cây “tỷ đô” này được bán tràn lan cho người dân mà không qua kiểm định. Trước đó, qua khảo sát của Sở, diện tích mắc ca trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sinh trưởng, phát triển tốt, ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp đây là điều đáng lo ngại đối với việc người dân đang phát triển ồ ạt mắc ca.
Trương Nguyễn