1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quảng Trị:

Nông dân điêu đứng vì tôm chết hàng loạt

(Dân trí) - Đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi tôm, nhưng gần đến kỳ thu hoạch thì bỗng nhiên tôm bị dịch bệnh rồi chết hàng loạt khiến người nuôi tôm ở nhiều địa phương tại Quảng Trị rơi vào cảnh trắng tay.

Trong khoảng 2 tháng gần đây, dịch bệnh xuất hiện đối với tôm đã xảy ra ở 12 xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng và TP Đông Hà.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Trị, hiện có khoảng hơn 223 ha nuôi tôm bị dịch bệnh, chiếm hơn 20% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Quảng Trị, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Người nuôi tôm tại Quảng Trị điêu đứng vì dịch bệnh

Ghi nhận tại khu vực Cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong - nơi có hơn 50% số hộ tham gia nuôi trồng thủy sản của xã, với khoảng 96 hộ dân. Chỉ trong thời gian ngắn, bệnh dịch xuất hiện đã khiến tôm bị chết hàng loạt. Hàng chục hộ gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng đến lúc thu hoạch bỗng dưng bị trắng tay.


Ông Tân xử lý ao nuôi, chuẩn bị bước vào vụ mới

Ông Tân xử lý ao nuôi, chuẩn bị bước vào vụ mới

Đang tập trung xử lý ao nuôi để chuẩn bị vào vụ mới, ông Nguyễn Văn Tân nói trong cay đắng: “Gia đình tui nuôi 2 hồ tôm, với diện tích hơn 4.000m2. Vụ vừa rồi tui thả nuôi hơn 10 vạn tôm giống nhưng chỉ sống được chừng 2 vạn. Sau khi trừ mọi chi phí không đủ tiền mua con giống, còn lại công chăm sóc thì mất trắng”.

Hồ tôm mới thả nuôi hơn 1 tháng cũng bị dịch bệnh và chết tràn lan
Hồ tôm mới thả nuôi hơn 1 tháng cũng bị dịch bệnh và chết tràn lan

Dù vụ vừa rồi bị thất bại nhưng ông Tân vẫn nuôi hy vọng để tiếp tục nuôi vụ tiếp theo, dự kiến sẽ thả giống vào tháng tới. “Gia đình tôi nuôi tôm đã mấy năm nay rồi, biết là may rủi nhưng nếu bỏ thì không biết làm nghề gì khác. Hơn nữa, mất bao công sức đầu tư ao nuôi, giờ không thể bỏ hoang được” – ông Tân nói.

Để cứu vãn cho số tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, anh Nguyễn Hữu Tuấn phải nuôi xen canh thêm cua gạch. Anh Tuấn cho hay, số tôm gia đình anh thả nuôi bị chết do bị bệnh đốm trắng. Anh nhẩm tính thiệt hại từ nuôi tôm khoảng 70-80 triệu đồng.

Anh Nguyễn Hữu Tuấn kiểm tra số tôm còn sót trong hồ nuôi
Anh Nguyễn Hữu Tuấn kiểm tra số tôm còn sót trong hồ nuôi

Anh Tuấn chia sẻ: “Sau khi nhận thấy tôm bị chết, gia đình tôi liền thả thêm cua để tận dụng diện tích ao nuôi. Đến nay, cua đã có thể xuất bán được. Tính trung bình một ki-lô-gam cua trên thị trường cũng có giá gần 200 ngàn đồng. Như vậy cũng bù được phần nào thiệt hại do nuôi tôm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thuẫn, chủ nhiệm HTX Hà La cho biết: Hầu hết người dân địa phương đều sống bằng nghề sông nước và nuôi trồng thủy sản. Hiện Hợp tác xã có hơn 27 ha nuôi tôm. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc nuôi tôm của bà con thường rơi vào khó khăn, dịch bệnh xuất hiện thường xuyên gây thiệt hại nặng nề. Một số hộ gia đình bị thiệt hại 2 vụ liên tiếp nên thiếu vốn đầu tư nuôi tiếp, có hộ phải chuyển đổi sang nuôi các loại con khác.

Một số người dân thu gom tôm bị dịch
Một số người dân thu gom tôm bị dịch

Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị, cho thấy, đối với hơn 79/223 ha tôm bị bệnh trong thời gian qua, các bệnh chủ yếu tôm mắc phải là hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, đầu vàng và đốm trắng.

Những con tôm bị dịch bệnh chết
Những con tôm bị dịch bệnh chết

Nhiều năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản được xem là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của bà con nông dân các địa phương. Tại các huyện ven biển của tỉnh Quảng Trị, như: Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong…nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm, với diện tích ngày càng được mở rộng.

Có thể khẳng định rằng, nghề nuôi tôm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, đưa kinh tế đi lên, nhưng cũng không ít người dân phải “ngậm đắng”, nhận lấy thất bại, thậm chí phải ôm nợ ngân hàng khi tôm bị dịch bệnh và chết.

Người thân ông Tân vét số tôm còn sống trong hồ
Người thân ông Tân vét số tôm còn sống trong hồ

Theo đánh giá của giới chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tôm chết trong thời gian gần đây là do thời tiết không thuận lợi khiến dịch bệnh bùng phát nhanh. Cơ sở vật chất của các ao nuôi không bảo đảm, việc vệ sinh ao nuôi chưa thực hiện triệt để khiến mầm bệnh phát triển. Các hộ khi phát hiện bệnh không báo cáo kịp thời mà tự ý xả thải ra các hồ xung quanh khiến dịch bệnh lây lan...

Bên cạnh đó, việc lựa chọn con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng và thiếu kinh phí để đầu tư máy móc, vệ sinh ao nuôi cũng góp phần khiến dịch bệnh bùng phát.

Đăng Đức

 

Nông dân điêu đứng vì tôm chết hàng loạt - 7

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm