Nông dân "có lợi khi thương lái mua cau non bán sang Trung Quốc"

Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ khi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND.

Chiều 9/7, trong kỳ họp thứ 16, HĐND khoá VIII, nhiều đại biểu chất vấn giám đốc Sở NN-PTNT về việc thương lái nước ngoài, nhất là thương lái Trung Quốc đã xuống huyện Phong Điền tận thu cau non.

“Thời gian qua, tại các tỉnh ĐBSCL, thương lái còn mua cam non hay khoai lang bán sang Trung Quốc đã gây xáo trộn nền sản xuất. Vậy ngành nông nghiệp Cần Thơ có giải pháp gì trước việc này?”, một đại biểu hỏi.

Một điểm tập kết cau non tại huyện Phong Điền trong tháng 5
vừa qua.
Một điểm tập kết cau non tại huyện Phong Điền trong tháng 5 vừa qua.

Trả lời, ông Quỳnh cho rằng khi có thông tin thương lái thu mua cau non bán sang Trung Quốc, ngành có nắm tình hình và được địa phương báo cáo là việc thu mua này không có vấn đề gì.

“Huyện Phong Điền có khoảng 12.000 cây cau, thường bán ở các chợ nhỏ, giá không cao. Tuy nhiên, khi thương lái thu mua cau non với giá 30.000 đồng/kg là có lợi cho nông dân”, ông Quỳnh nói.

Cũng theo ông Quỳnh, sau vụ việc này, UBND TP Cần Thơ gửi công văn cho sở yêu cầu sở và UBND quận, huyện trên địa bàn theo dõi chặt chẽ và có biện pháp ngăn chặn tình trạng thương lái thu mua nông sản bất thường. Đồng thời, phải tuyên truyền cho người dân hiểu được thủ đoạn của thương lái, đề cao cảnh giác và không tiếp tay cho hoạt động mua bán làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Các đại biểu cũng quan tâm đến việc từ đầu năm nay, trên địa bàn TP xảy ra nhiều vụ sạt lở tại nhiều quận, huyện như: bờ sông Rạch Cam, Mỹ Khánh…

Ông Quỳnh giải thích: “Gần 5 năm nay, ngành đã thực hiện một số giải pháp: Vận động bà con giảm tải ở bờ sông, hạn chế cất nhà gần bờ, cấm biển cảnh báo, làm kè những nơi tập trung khu dân cư. UBND TP đã giao ngành nông nghiệp nghiên cứu tạo loại cây để thích hợp trồng bờ sông nhằm hạn chế sạt lở xảy ra”.

Theo C.Linh
Người Lao động


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”