Nói “phí hạn chế” là không đúng về bản chất

(Dân trí) - Theo quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí thì khoản tiền thu chỉ được xem là phí khi các tổ chức, cá nhân đã hưởng một dịch vụ nào đó. Phí có tính chất đối giá.

Nói “phí hạn chế” là không đúng về bản chất
(Ảnh minh họa).

Theo Tờ trình mà Bộ Giao thông Vận tải trình lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ này đã kiến nghị đổi tên gọi “phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ đối với xe ô tô dưới 9 chỗ, xe mô tô” thành “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ”.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mục đích đổi tên gọi để sát với mục tiêu và nội dung của phí như góp ý của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, cần phải xem lại định nghĩa “thế nào là phí?”.

Điều 2, Khoản 1 của Pháp lệnh số 38/2001/PL -UBTVQH10 ngày 28/8/2001 về Phí và Lệ phí có quy định, “phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này”.

Như vậy, phí mang tính chất đối giá, bù trừ về lợi ích vật chất.

Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một vị chuyên gia kinh tế cũng đồng ý, cho rằng: “Không hề có phí hạn chế. Bởi, phí tức là khi người ta phải bỏ một lượng tiền nhất định ra để hưởng một dịch vụ nào đó. Ví dụ như học phí, viện phí, giao thông phí…”

Tại Pháp lệnh về Phí và Lệ phí, thì các khoản phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải bao gồm 13 hạng mục: Phí sử dụng đường bộ, Phí sử dụng đường thủy nội địa, Phí sử dụng đường biển, Phí qua cầu, Phí qua đò, qua phà, Phí sử dụng cảng, nhà ga, Phí neo, đậu, Phí bảo đảm hàng hải, Phí hoa tiêu, dẫn đường, Phí trọng tải tàu, thuyền cập cảng, Phí luồng, lạch, Phí sử dụng lề đường, bến, bãi, mặt nước, Phí kiểm định phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thủy sản.

Mặt khác, ngay cả khi giữ nguyên tên cũ thì với định nghĩa “phí - tiền thu được từ các cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện giao thông cá nhân để lưu hành ở Việt Nam và tiền thu được của cá nhân, tổ chức sử dụng ôtô đi vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm” của Bộ Giao thông Vận tải cũng vẫn chưa phản ánh được bản chất quan hệ đối giá của phí.

Ở đây xin chưa bàn đến việc đúng – sai trong thực hiện thu tiền từ một số chủ phương tiện giao thông các nhân song, nếu Bộ Giao thông Vận tải vẫn giữ quan điểm cho rằng các khoản thu này là “phí” thì thực sự chưa hợp lý với định nghĩa về phí, dù thừa nhận rằng, mục đích của Bộ Giao thông Vận tải nhằm chống tắc đường là hoàn toàn đúng đắn.

Tất nhiên, đề xuất bổ sung danh mục 2 loại phí hạn chế phương tiện cá nhân đường bộ và phí ôtô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Danh mục phí, lệ phí vẫn phải được sự thông qua của Quốc hội – cơ quan quyền lực tối cao đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân.

 Bích Diệp