Nợ xấu có giá như... cổ vật

Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ra đời với kỳ vọng sẽ xử lý được nợ xấu cho nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần ưu tiên nguồn lực trong nước thay vì rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài

Thưa ông, phải chăng ngay khi bàn việc thành lập VAMC, đã có nhiều băn khoăn về  tính thanh khoản của nợ xấu, nợ này sẽ bán được cho ai? 

 

Theo tôi, chuyện mua bán nợ xấu cũng khá hấp dẫn như mua đồ cổ. Nếu mua đồ mới thì bao giờ cũng có giá thị trường, không thể trả thấp hơn được. Còn nợ xấu giống như một món đồ cổ, dùng rồi, bán lại có thể thấp hơn so với giá trị mua mới.

 

Người mua sành sỏi sẽ là người biết định giá món hàng đó, biết khả năng sinh lời của nó trong tương lai và thế là lãi cực nhiều. Còn bán đồ tốt, đồ mới thì chỉ ăn tí xíu thôi. Càng là nợ xấu thì khả năng mua được rẻ, bán được đắt là rất lớn so với việc buôn bán đồ mới, chỉ giỏi lắm là ăn tiền hoa hồng chênh lệch chút xíu. Do đó đây là cơ hội rất tốt với giới đầu tư.

 

Bất động sản đóng băng làm cho việc giải quyết nợ xấu thêm khó khăn. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Bất động sản đóng băng làm cho việc giải quyết nợ xấu thêm khó khăn. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

 

Có vẻ như việc huy động vốn của nhà đầu tư trong nước vào thị trường mua bán nợ thiếu thực tế?

 

Việt Nam không thiếu tiền mà là tiền tắc khó luân chuyển ra nền kinh tế. Khi không khơi thông được chính nguồn lực - nguồn tiền đang bị tắc này thì không thể xử lý được nợ xấu và lại phát sinh nợ xấu mới. Đó là hệ quả của nền kinh tế từ cả phía sản xuất và phía nhu cầu. Về sản xuất, chúng ta cứ ném tiền ra làm những sản phẩm kém hấp dẫn. Còn về tiêu dùng, nhiều người lo ngại năm tới kinh tế tiếp tục khó khăn nên không dám tiêu tiền hoặc có những người chẳng còn tiền mà tiêu nữa. Hiện nay, nguồn cung tiền của Việt Nam đang vào khoảng trên 100% GDP, tức là khoảng 4 triệu tỉ đồng, thừa sức để xử lý 200.000 tỉ đồng nợ xấu. Vậy rõ ràng nguồn lực trong nước thừa sức xử lý nợ xấu. Đó là lý do đầu tiên mà chúng ta phải trông chờ nguồn lực trong nước.

 

Bản thân ở Việt Nam đã xuất hiện các quỹ, các tổ chức sẵn sàng tham gia thị trường khi có khuôn khổ pháp lý cho phép.

 

Xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này?

 

Cái cần quan tâm là loại nợ xấu gắn với tài sản bảo đảm. Mà tài sản bảo đảm ở Việt Nam lại chủ yếu liên quan đến bất động sản. Trong chừng mực nhất định, có những tài sản được bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu... tức là giấy tờ có giá. Nhưng hiện nay, toàn bộ bất động sản và các tài sản tài chính dính dáng đến quy định về sở hữu của người nước ngoài, quy định về quyền tiếp cận bất động sản… chưa hoàn chỉnh. Muốn xử lý vấn đề này, phải sửa một loạt luật thì mới cho người nước ngoài tham gia được. Nếu không, họ sẽ tham gia theo hướng không công khai chính thức. Mà khi thị trường không công khai minh bạch thì giải quyết nợ xấu chắc chắn sẽ phức tạp hơn.

 

Thông thường, nếu phía nước ngoài muốn vào thị trường, họ thường tham gia sau khi có các tổ chức quốc tế, như IMF chẳng hạn, vào cuộc để giữ vai trò như tài trợ khủng hoảng, đi kèm là các điều kiện rất ngặt nghèo về vĩ mô. Trong khi đó, Việt Nam đã khẳng định từ mấy năm nay là không cần nhờ tổ chức quốc tế nào tài trợ cho chuyện đó. Nếu các tổ chức đó không đi trước thì các tổ chức đầu tư nước ngoài rất e ngại vì không có khuôn khổ nào bảo đảm cho họ khi họ tham gia thị trường nợ xấu Việt Nam. Vì lý do như thế nên phải ưu tiên cho nguồn lực trong nước xử lý nợ xấu, chứ không nên trông chờ vào nước ngoài.

 

Theo Ngọc Khanh

NLĐ