“Mua” nợ xấu tương lai, cứu doanh nghiệp khát vốn?
Ngân hàng không dám cho vay, DN không đủ điều kiện tiếp cận vốn không chỉ vì e ngại nợ xấu trong quá khứ mà còn lo lắng nợ xấu hình thành trong tương lai.
Để tạm xóa bỏ nỗi ám ảnh đó, phải chăng tìm cách bảo lãnh cho DN vay vốn trong vòng 3 năm, giúp vực dậy DN vốn đang rất “yếu” vì thiếu vốn.
Mua nợ và bán lại niềm tin
Vị doanh nhân cũng là Đại biểu ông Đặng Thành Tâm cho rằng, hiện tại nhà nước đã đưa ra nhiều phương án để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên đó cũng chỉ là khoản nợ xấu trong quá khứ. Trong khi đó, nỗ lo sơ về nợ xấu hình thành trong tương lai đang khiến cả DN và NH lo ngại vẫn chưa được tính đến. Phải chăng, cần tính cách “mua lại khoản nợ này bằng các cách thức bảo lãnh cho vay đối với DN trong vòng 3 năm tới?”.
Theo ông Tâm, trong 3 năm qua, cứ 100 tỷ đồng cho vay có 8% là nợ xấu. Hiện tại tổng dư nợ đã đến 3,5 triệu tỷ đồng và nợ xấu đã đạt con số 300 nghìn tỷ.
Tuy nhiên đó là vấn đề của nợ xấu trong quá khứ, còn trong tương lai, muốn DN hoạt động mạnh mẽ, tạo động lực cho toàn nền kinh tế phát triển thì nhà nước cần phải có các hình thức bảo lãnh cho các hoạt động vay của doanh nghiệp khi lãi suất đã được nỗ lực kéo xuống.
Hiện tại trên 70% doanh nghiệp thua lỗ hầu hết là cạn vốn và không đạt điều kiện cho vay, tài sản thế chấp đã mất đi giá trị và tiếp cận vốn là điều hết sức khó khăn. Như vậy, việc bảo lãnh cho vay cũng là bước đi trong nỗ lực giải quyết sự trì trệ của nền kinh tế và dài hạn có ý nghĩa đối với ngân sách nhà nước.
"Nếu "DN" hiệu quả hơn trong kinh doanh thì số tiền cho vay ra sẽ được thu về từ tiền thuế và tiền nộp cho ngân sách nhà nước là rất lớn", ông Tâm nói
Tạo niềm tin để khơi thông vốn
Theo ông Tâm, điều đáng nói ở đây, việc mua nợ xấu trong tương lai không phải sử dụng nhiều ngân sách mà chủ yếu sử dụng công cụ niềm tin. Khi nhà nước có các hình thức bảo lãnh sẽ tạo động lực cho DN hoạt động có hiểu quả hơn vì gánh nặng về nợ xấu đã được trút bỏ. Hơn thế,các NH cũng cần phải tin vào động lực phát triển trong tương lai, cần phải cho vay ra nếu không muốn lượng tiền tồn kho quá nhiều.
Như vậy, khi có các hình thức bảo lãnh cho khoản vay của doanh nghiệp trong tương lai cũng có nghĩa là "bán" lại cho doanh nghiệp niềm tin trong hoạt động kinh doanh. Nhà nước bảo lãnh thì không chỉ riêng doanh nghiệp mà ngay cả ngân hàng cũng có niềm tin để giải ngân, giảm bớt gánh nặng về nợ xấu và áp lực về tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Tâm tính toán, nếu một năm chính phủ thông qua các tổ chức và công cụ của mình bảo lãnh để ngân hàng cho vay 200.000 tỷ đồng thì xấu nhất là 3 năm nữa sẽ phát sinh tối đa 8% nợ xấu. Như vậy cũng khoảng 16.000 tỷ đồng là con số tối đa nợ xấu mà chính phủ có thể phải mua phải mua.
"Tuy nhiên vẫn có cơ sở để tin rằng 92% số tiền trên lại hoạt động tốt và sản sinh ra nhiều lợi ích cho xã hội", ông Tâm nhấn mạnh.
Ông Tâm cho rằng, nếu phương án này đưa ra sẽ bù đắp được thiếu hụt nguồn vốn trong đầu tư phát triển để đảm bảo tăng trưởng GDP mà lại không gây lạm phát, giúp cho doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và có điều kiện tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại lợi nhuận, tiếp tục trả nợ ngân hàng, tạo sự thanh khoản tốt hơn cho các khoản nợ.
Cho đến nay tổng tăng truởng tín dụng chỉ đạt hơn 2%, như vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm nay sẽ khó đạt đuợc nêú không có chính sách này. Với phương án này ngân hàng sẽ cân đối đuợc tiền gửi vào và cho vay ra một cách hợp lý.
Dòng tiền cần quay vòng nhanh hơn
Hiện tại việc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay tiền đã có nhưng cũng chỉ "đánh du kích" chứ chưa thực sự là một cuộc "tổng tiến công" để thúc đẩy dòng tiền quay nhanh hơn.
Việc thúc đẩy dòng tiền quay nhanh và quay được nhiều vòng hơn nữa chính là xác định được đối tượng chính xác để bảo lãnh. Đầu tiên, nên chọn những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có nguồn thu nhanh chóng và taọ nhiêù lao động như nông thuỷ sản xuất khẩu. Khi dòng vốn đã quay vòng thứ nhất thì sẽ đến vòng thứ hai cho các doanh nghiệp có mức độ ngâm vốn cao như bất động sản, chứng khoán...
Ông Tâm ví von, cũng như việc xả nước vào một cánh đồng cũng bắt đầu từ một thửa ruộng đầu tiên, sau đó nước sẽ tràn bờ sang các thửa tiếp theo. Cũng như dòng tiền được sử dụng hiệu quả ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khi tạo ra được giá trị thặng dư sẽ chuyển dịch dần sang các lĩnh vực khác như một vòng xoay thứ hai.
Việc bảo lãnh cho vay làm giảm bớt gánh nặng lo lắng cho ngân hàng về nợ xấu và ngân hàng quyết định cho DN vay sẽ không còn xem xét đến khoản nợ xấu của doanh nghiệp như là điều kiện để cho vay nữa. Khi gánh nặng này đuợc gỡ xuống, doanh nghiêp sẽ buớc đi nhanh nhẹn hơn, hiệu quả hơn. Đó chính là cách để nhà nước sử dụng hiệu quả dòng tiền trong tương lai.
Hiện tại ở Việt Nam chỉ sử dụng dòng tiền trong hiện tại chứ chưa tính toán cho dòng tiền trong tương lai. Đây là công cụ tiền tệ rất hiệu nghiệm mà chưa được nhìn nhận nhiều. Vì thế việc mua lại nợ xấu trong tương lai là công cụ rất quan trọng để bơm vốn vào cho doanh nghiệp hoạt động vì doanh nghiệp là lực luợng chính để phát triển kinh tế đất nuớc, đồng thời gia tăng niềm tin để dòng vốn thanh khoản mạnh mẽ hơn và sử dụng hiệu quả hơn.
Theo Nam Phong
VEF