Nợ của chính phủ Anh cao chưa từng thấy trong suốt 57 năm qua
(Dân trí) - Bội chi ngân sách tại Anh đã tăng lên mức cao nhất trong tháng 5 khi chi tiêu chống Covid-19 tăng, trong khi nguồn thu thuế giảm mạnh khiến nợ của chính phủ tại Anh lên mức cao nhất trong 57 năm qua.
Số liệu của Anh cho thấy, trong tháng 5, chi tiêu của chính phủ đã tăng gần 50% so với một năm trước đó và doanh thu thuế giảm hơn 28%, khiến cho khoản vay tại Anh đang ở mức cao kỷ lục 55,2 tỷ Bảng - tháng cao nhất trong lịch sử.
Nợ chính phủ của Anh đã tăng trên 100% tổng sản phẩm quốc nội vào tháng 5 – đây là lần tăng kỷ lục đầu tiên kể từ năm 1963, phản ánh sự sụt giảm sản lượng kinh tế và gia tăng chi tiêu quá mức để chống dịch Covid-19.
Các khoản vay đã tăng hơn 100 tỷ Bảng Anh (tương đương 124 tỷ USD) trong vòng hai tháng tính đến tháng 5 vừa qua, do doanh thu thuế sụt giảm và chính quyền đã triển khai một gói hỗ trợ lớn chống thất nghiệp và giữ cho các doanh nghiệp hoạt động trong thời gian nền kinh tế bị đóng băng.
Theo các chuyên gia, sự suy thoái kinh tế này đã "xé toạc" nền kinh tế Anh, làm căng thẳng tài chính công của Anh trong vài năm tới. Nhưng các số liệu dự kiến công bố vào thứ 6 tuần này sẽ tăng thêm sự cấp bách cho những nỗ lực của Thủ tướng Boris Johnson, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế bằng cách dỡ bỏ các hạn chế còn lại khi số lượng người nhiễm Covid-19 giảm.
Chi tiêu cho các chương trình hỗ trợ để giúp các nền kinh tế vượt qua khoảng thời gian bị đóng băng bởi Covid-19 đang thổi bùng ngân sách của nhiều quốc gia trên khắp thế giới và Anh cũng nằm trong số đó. Đất nước này đã bước vào cuộc khủng hoảng với tình hình tài chính bi đát hơn rất nhiều so với các nước khác. Ý cũng trong tình trạng tương tự khi nền kinh tế đất nước bị tàn phá tồi tệ nhất và một khoản nợ khổng lồ đã đè nặng lên quốc gia này, có thể thấy tỷ lệ nợ của Ý đã tăng cao nhất – bằng 150% GDP của đất nước trong năm nay. Còn văn phòng thống kê của Pháp cho biết hôm thứ 6 rằng tỷ lệ nợ ròng của mình đã tăng lên gần 92% vào cuối quý đầu tiên.
Số liệu của Anh cho thấy, chi tiêu của chính phủ trung ương đã tăng gần 50% trong tháng 5 so với một năm trước đó và doanh thu thuế giảm hơn 28%, khiến cho khoản vay chính phủ Anh đang ở mức cao kỷ lục 55,2 tỷ Bảng - tháng cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư trái phiếu lại cho thấy ít dấu hiệu lo ngại hơn bởi nhờ có đại dịch Covid-19 mà Ngân hàng Anh đã giảm chi phí vay xuống mức thấp kỷ lục. Lợi tức của khoản nợ 10 năm ổn định ở mức khoảng 0,23%.
Phát biểu với các đài truyền hình, Thủ tướng Anh Johnson cho biết, đất nước đang phải gánh nhiều khoản nợ, nhưng ông nhấn mạnh kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và công nghệ sẽ được tiến hành khi chính phủ cố gắng khởi động lại nền kinh tế.
Theo một cuộc khảo sát mới nhất của các nhà kinh tế khu vực tư nhân do Bộ Tài chính thực hiện, thâm hụt ngân sách trong năm tài chính hiện tại dự báo sẽ vào khoảng 55 tỷ Bảng. Số tiền đó bằng khoảng 14% GDP đất nước, nhiều hơn bất cứ thời điểm nào kể từ Thế chiến II.
“Núi nợ”
Anh đang phải đối mặt với gánh nặng nợ nần lớn nhất trong suốt 57 năm qua.
Tuy nhiên, trong một phân tích về các số liệu, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh cho biết, tỷ lệ nợ có thể được điều chỉnh xuống vì GDP danh nghĩa dường như cao hơn so với giả định trước đây.
“Nỗi đau tài chính này có thể sẽ kéo dài đến hết năm nay và sang cả năm sau”, một báo cáo từ Viện nghiên cứu tài chính cảnh báo vào hôm thứ 6 tuần trước rằng sự yếu kém về kinh tế ở Anh có thể đồng nghĩa với việc mức vay vẫn sẽ tăng cao trong tương lai.
Sự phục hồi chậm của nền kinh tế Anh sẽ khiến đất nước phải vay thêm 70 tỷ Bảng trong năm tài chính 2024 - 2025 sau đó, ngay cả khi sự phục hồi nhanh hơn thì số nợ vay thêm vẫn có khả năng cao hơn 40 tỷ Bảng.
Chi phí chính xác để phục hồi đất nước sau đại dịch tại Anh khó lường đến mức Văn phòng Quản lý nợ quốc gia (DMO) chỉ công bố kế hoạch phát hành nợ cho đến cuối tháng 7. Tổng cộng trong 4 tháng đầu năm tài chính ở mức nợ đã là 225 tỷ Bảng và DMO sẽ đưa ra một triển vọng mới được cập nhật vào ngày 29/6 này.
Thùy Dung
Theo Bloomberg