1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những tỷ phú Trung Quốc “méo mặt” vì chứng khoán

(Dân trí) - Cuộc đổ dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2011 là nguyên nhân chính phía sau sự hao tán tài sản của nhiều người siêu giàu ở quốc gia này.

Theo tạp chí chuyên về quản lý tài sản Money Week, tổng giá trị tài sản “bốc hơi” của 10 tỷ phú Trung Quốc mất nhiều tiền nhất trong năm qua là 86,6 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 13,7 tỷ USD).

Phần tài sản mất mát này chiếm tới 35,2% trong tổng số tài sản 246,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 39,1 tỷ USD) của 10 nhà tài phiệt “gặp hạn” này.

Ít đen đủi nhất trong danh sách 10 tỷ phú Trung Quốc mất nhiều tiền nhất năm 2011 là ông Lu Guanqiu và gia đình, cũng chứng kiến khối tài sản của mình sụt giảm 5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 794 triệu USD).

Trong khi đó, người kém may mắn nhất trong số 10 “đại gia” này, tỷ phú Liang Wengen, Chủ tịch hãng Sany, chứng kiến giá trị tài sản ròng suy giảm 16,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,57 tỷ USD) trong năm 2011. Gia tộc họ Liang dẫn đầu danh sách 3.000 gia đình giàu nhất Trung Quốc theo xếp hạng mà Money Week công bố hồi tháng 7/2011.

Dưới đây là 10 tỷ phú Trung Quốc hao tiền tốn của nhất trong năm 2011 theo xếp hạng của Money Week, do trang China.org.cn giới thiệu:

10. Lu Guanqiu và gia đình

Công ty: Wanxiang Group và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Đa lĩnh vực
Cổ phần: 41,22% công ty Wanxiang Qianchao
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 11,5 tỷ Nhân dân tệ (1,83 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 5 tỷ Nhân dân tệ (794 triệu USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 30%

Nhà tỷ phú Lu Guanqiu, Chủ tịch tập đoàn Wanxiang Group, xếp thứ 33 trong số 3.000 gia đình giàu nhất Trung Quốc tính đến tháng 7/2011. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian từ tháng 7-12/2011, giá trị tài sản của gia tộc này đã suy giảm tới 30%, từ 1,83 tỷ USD còn 794 triệu USD. Doanh nhân họ Lu được đánh giá là một nhân vật lừng lẫy trong làng doanh nghiệp Trung Quốc, dẫn đầu một “đế chế” kinh doanh trải rộng khắp nhiều lĩnh vực từ sản xuất phụ tùng ô tô và xe chạy nhiên liệu thay thế, tới bất động sản, nông nghiệp và tài chính.

Ông Lu khởi nghiệp kinh doanh vào năm 1969 khi thành lập hãng phụ tùng ôtô Wanxiang Qianchao - hiện nay là công ty phụ tùng ôtô lớn nhất tại Trung Quốc. Theo đuổi giấc mơ đưa Wangxiang trở thành một thương hiệu xe hơi, ông Lu đã đầu tư vào lĩnh vực xe chạy nhiên liệu thay thế suốt 10 năm qua. Vào tháng 7/2011, có tin đồn ông sẽ bơm thêm vốn vào Wangxiang Qianchao để đạt mục tiêu này. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, giá cổ phiếu Wangxiang Qianchao bắt đầu đổ dốc mạnh, kết thúc chuỗi nhiều ngày tăng chóng mặt trước đó.

9. Chen Fashu và gia đình

Công ty: Newhuadu Industrial Group và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Đa lĩnh vực
Cổ phần: 48,9% công ty Newhuadu
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 8,3 tỷ Nhân dân tệ (1,32 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 5,5 tỷ Nhân dân tệ (873 triệu USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 39,9%

Tỷ phú Chen Fashu, người sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn Newhuadu Industrial có trụ sở ở Phúc Kiến, xếp thứ 36 trong danh sách 3000 gia đình Trung Quốc giàu nhất ở thời điểm tháng 7/2011. Không may, doanh nhân này chứng kiến khối tài sản 2,2 tỷ của ông sụt giảm 873 triệu USD trong thời gian từ tháng 7-12/2011. Ngoài tài sản tại Newhuadu, ông Chen còn sở hữu các khoản đầu tư tại hãng khai mỏ Zijing Mining niêm yết ở Hồng Kông và Thượng Hải, Fujian New Hua Du Supercenter niêm yết ở Thâm Quyến, và hãng đồ uống Tsingtao Brewery, cùng nhiều tài sản khác.

Là người giàu nhất ở Phúc Kiến, ông Chen gây xôn xao dư luận bởi một vụ tranh chấp cổ phiếu với hãng sản xuất thuốc lá lớn nhất Trung Quốc Hongta Group. Hồi tháng 9/2009, ông Chen mua số cổ phiếu trị giá 349 triệu USD của công ty Yunnan Baiyao từ Hongta Group, nhưng đến nay, vụ chuyển nhượng vẫn chưa hoàn tất vì chưa được nhà chức trách thông qua. Nếu thương vụ thông suốt, ông Chen đã trở thành cổ đông lớn thứ nhì của Yunna Baiyao với cổ phần 12,32%.

8. Fang Wei và gia đình

Công ty: Fangda Carbon New Material và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Sản xuất công nghiệp
Cổ phần: 52,87% công ty Fangda Carbon New Material
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 8,3 tỷ Nhân dân tệ (1,32 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 6,8 tỷ Nhân dân tệ (1,08 tỷ USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 45%

Tỷ phú trẻ tuổi Fang Wei xếp thứ 22 trong số 3000 gia đình giàu có nhất Trung Quốc. Ông Fang là Chủ tịch của Liaoning Fangda Group Industrial, hãng mẹ của Fangda Carbon New Material mà ông nắm cổ phần kiểm soát. Tài sản của họ Fang đã giảm 1,08 tỷ USD trong năm 2011.

Ông Fang là một doanh nhân ít khi xuất hiện trước công chúng. Giá trị vốn hóa của công ty Fangda Carbon dao động mạnh trong suốt năm, rồi bắt đầu lao dốc mạnh từ giữa tháng 9. Niềm tin của giới đầu tư vào công ty này vẫn đang ở mức thấp bất chấp kế hoạch đầu tư mới vào các dự án năng lượng và thâu tóm cổ phần.

7. Qiu Guanghe và gia đình

Công ty: Zhejiang Semir Garment
Lĩnh vực hoạt động: Bán lẻ
Cổ phần: 84,13%
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 21,3 tỷ Nhân dân tệ (3,38 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 7,3 tỷ Nhân dân tệ (1,16 tỷ USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 25,5%

Gia đình họ Qiu xếp thứ 11 trong số 3.000 gia đình Trung Quốc giàu có nhất. Tỷ phú Qiu Guanghe là Chủ tịch hãng bán lẻ thời trang Zhejiang Semir Garment ở Ôn Châu. Trong thời gian từ tháng 7-12/2011, giá trị tài sản của gia đình này sụt 1,16 tỷ USD.

Tháng 3/2011, công ty Semir phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Thâm Quyến, huy động 719,5 triệu USD. Ngay khi lên sàn, giá cổ phiếu của công ty này đã sụt giảm mạnh do các nhà đầu tư hồ nghi chất lượng sản phẩm của công ty, chi phí sản xuất gia tăng, cùng một số nguyên nhân khác. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu Semir vẫn ì ạch ở mức thấp.

6. He Xiangjian và gia đình

Công ty: Midea Group
Lĩnh vực hoạt động: Electronic appliances
Cổ phần: 43,03% công ty Guangdong Midea Electric Appliances
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 17,8 tỷ Nhân dân tệ (2,83 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 8,3 tỷ Nhân dân tệ (1,32 tỷ USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 31,8%

Gia đình tỷ phú He Xiangjian, Chủ tịch hãng sản xuất đồ gia dụng hàng đầu Trung Quốc Midea, xếp thứ 14 trong danh sách 3.000 giàu nhất nước này năm 2011 của tạp chí Money Week. Tuy nhiên, từ tháng 7-12/2011, tài sản của họ He giảm 1,32 tỷ USD, tương đương mức giảm 31,8%.

Năm 2011 chứng kiến sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng trong nhu cầu đồ gia dụng của Trung Quốc, một phần do các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của nước kết thúc sau 4 năm thực hiện. Trong nửa đầu năm, doanh thu của Midea tăng 40%, nhưng sau đó liên tục đi xuống, buộc công ty phải sa thải 8.000-9.000 nhân viên.

5. Li Li và gia đình

Công ty: Shenzhen Hepalink Pharmaceutical
Lĩnh vực hoạt động: Dược phẩm
Cổ phần: 75,59%
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 14,9 tỷ Nhân dân tệ (2,37 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 8,7 tỷ Nhân dân tệ (1,38 tỷ USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 36,9%

Gia đình tỷ phú Li Li, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của hãng dược Shenzhen Hepalink Pharmaceutical, xếp thứ 19 trong danh sách 3.000 gia đình giàu nhất Trung Quốc. Trong 6 tháng cuối năm 2011, tài sản gia đình này sụt 1,38 tỷ USD.

Giá cổ phiếu của Hepalink trong đợt IPO vào tháng 5/2010 lên tới 148 Nhân dân tệ, mức giá cổ phiếu cao kỷ lục trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhờ đó, tài sản của vợ chồng ông Li được đẩy lên mức 8,17 tỷ USD. Nhưng chỉ vài ngày sau vị IPO, giá cổ phiếu Hepalink lao dốc sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ ra rằng công ty này đưa ra thông tin sai lệch trong hồ sơ IPO về việc họ là nhà sản xuất chất heparin duy nhất ở Trung Quốc được FDA chứng nhận. Đến nay, tỷ phú Li vẫn đang chật vật để cải thiện hình ảnh của công ty trong mắt công chúng, đồng thời phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty đối thủ.

4. Huang Wei và gia đình

Công ty: Zhejiang Sinhoo Group
Lĩnh vực hoạt động: Bất động sản
Cổ phần: 69,6% công ty Xinhu Zhongbao
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 15,4 tỷ Nhân dân tệ (2,4 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 8,8 tỷ Nhân dân tệ (1,4 tỷ USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 36,4%

Gia đình ông Chủ tịch tập đoàn Sinhoo, tỷ phú Huang Wei, xếp thứ 18 trong 3.000 Trung Quốc giàu có nhất. Tài sản họ Huang giảm 1,4 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm, tương đương mức giảm 36,4%. Thành lập vào năm 1994 tại Triết Giang, Sinhoo là một tập đoàn lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ tài chính, bất động sản, khoáng sản, dược phẩm, tới đầu tư. Trong 6 tháng cuối năm 2011, công ty bất động sản dẫn đầu tập đoàn này là Xinhu Zhongbao ra tới 23 thông báo về sự sụt giảm của giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, tỷ phú có phần bí hiểm này đóng một vai trò quan trọng trên thị trường giao dịch kỳ hạn của Trung Quốc. Công ty Xinhu Zhongbao của ông cũng đã phát triển các dự án bất động sản trên 14 triệu m2 đất.

3. Zhang Jindong và gia đình

Công ty: Suning Appliance và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Bán lẻ
Cổ phần: 31,67% công ty Suning Corp
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 18,7 tỷ Nhân dân tệ (2,97 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 9,8 tỷ Nhân dân tệ (1,56 tỷ USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 34,4%

Tỷ phú Zhang Jingdong, Chủ tịch hãng bán lẻ hàng điện tử hàng đầu Trung Quốc Suning, chiếm vị trí thứ 10 trong 3.000 gia đình giàu nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, những cổ phiếu chất lượng cao như cổ phiếu Suning cũng không thoát được ảnh hưởng từ bối cảnh u ám của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm qua. Sự xuống dốc của giá cổ phiếu đã khiến giá trị tài sản của họ Zhang hao hụt 1,56 tỷ USD, tương đương mức giảm 34,4 %.

Tuy nhiên, ông Zhang hiện vẫn đang nuôi tham vọng lớn cho tương lai của Suning. Khi đối thủ kỳ cựu Gome của Suing điêu đứng vì đấu đá nội bộ, công ty đã nắm bắt cơ hội để vươn lên. Ông Zhang đang theo đuổi mô hình kinh doanh kết hợp giữa bán lẻ tại các cửa hiệu và bán lẻ trực tuyến. Trang thương mại điện tử Suning E-Go ra mắt vào tháng 1/2010 đã đạt doanh thu 317 triệu USD ngay trong năm đầu tiên. Suning đạt mục tiêu doanh số 107,9 tỷ USD vào năm 2010, trong đó 47,2 tỷ USD là từ Suning E-Go và 55,56 tỷ USD là từ các cửa hàng. Vào tháng 11 năm ngoái, Suning đã ký thỏa thuận hợp tác với hãng IBM của Mỹ nhằm đưa Suning E-Go trở thành trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.

2. Wang Chuanfu và gia đình

Công ty: Byd Auto
Lĩnh vực hoạt động: Ôtô
Cổ phần: 24,24%
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 8,6 tỷ Nhân dân tệ (1,38 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 10,2 tỷ Nhân dân tệ ( 1,62 tỷ USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 54,3%

Gia đình Chủ tịch hãng ôtô BYD, ông Wang Chuanfu, xếp thứ 21 trong số 3.000 gia đình giàu nhất Trung Quốc. Giá cổ phiếu lao dốc mạnh đã khiến tài sản họ Wang giảm mất 1,62 tỷ USD trong thời gian từ tháng 7-12/2011. Trong năm qua, tỷ phú Wang quay cuồng với những khó khăn như việc các nhà phân phối từ bỏ công ty, doanh số sụt giảm, sa thải nhân viên…

Sau khi được thành lập vào năm 1995, BYD đã có mấy năm làm ăn phát đạt. Doanh số của hãng này đạt đỉnh sau khi công ty được tỷ phú Mỹ Warren Buffett rót 232 triệu USD tiền vốn vào tháng 10/2008. Sau đó, tốc độ tăng trưởng doanh số của BYD bắt đầu giảm từ năm 2010. Riêng trong năm 2010, cổ phiếu này mất giá 40%. Trong 6 tháng đầu năm 2011, lợi nhuận ròng của BYD giảm 80%.

1. Liang Wengen và gia đình

Công ty: Sany Heavy Industry và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Thiết bị xây dựng
Cổ phần: 36,61% công ty Sany Heavy Industry
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 34,8 tỷ Nhân dân tệ (5,52 tỷ USD)
Giá trị tài sản mất mát năm 2011: 16,2 tỷ Nhân dân tệ (2,57 tỷ USD)
Tỷ lệ phần trăm tài sản hao hụt: 31,8%

Sany Group là hãng sản xuất máy móc hạng nặng lớn nhất Trung Quốc. Gia đình ông Chủ tịch hãng này, tỷ phú Liang Wengen, là gia đình giàu có nhất Trung Quốc năm 2011 theo xếp hạng của Money Week. Tỷ phú này cũng dẫn đầu các xếp hạng tỷ phú Trung Quốc của các tạp chí Hồ Nhuận và Forbes. Tuy nhiên, ông Liang cũng là tỷ phú mất nhiều tiền nhất nước này năm qua.

Do giá cổ phiếu lao dốc, trong 6 tháng cuối năm 2011, họ Liang mất 2,57 tỷ USD, tương đương 31,8% giá trị tài sản của ông. Doanh thu của Sany chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thắt chặt trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
 
Phương Anh