Những tuýp người không phù hợp với môi trường khởi nghiệp
(Dân trí) - Tờ Business Insider mới đây chỉ ra 8 tuýp người sẽ không hoặc khó lòng phù hợp với môi trường làm việc tại các công ty khởi nghiệp (startup) dù là trong hay ngoài nước.
Công ty khởi nghiệp (startup) trong vài năm gần đây đang là những điểm đến cực "hot" với giới trẻ bởi sự năng động, môi trường nhân viên trẻ, dễ hòa nhập và nhiều dự án độc đáo. Tuy nhiên, đa số các startup vẫn tồn tại những đặc trưng riêng mà không phải ai cũng thích nghi được.
Do vậy, bạn có thể sẽ phải cân nhắc thêm trước quyết định tham gia một công ty khởi nghiệp nếu thuộc các tuýp người dưới đây:
Không muốn làm việc trước 8 giờ sáng và sau 5 giờ chiều
Đối với đa số công ty khởi nghiệp, khoảng thời gian 8 tiếng mỗi ngày đơn giản là không đủ để bạn làm hết công việc, cũng như đạt được các mục tiêu đề ra trước một khối lượng công việc lớn. Do đó, việc nhân viên thức khuya, dậy sớm, làm việc muộn tại văn phòng hay thậm chí là thức trắng cả đêm để làm việc là rất đỗi bình thường.
Muốn nhanh chóng kiếm thật nhiều tiền
Có nhiều vô vàn hình mẫu công ty khởi nghiệp đạt tới thành công tầm cỡ mà chúng ta có thể nhìn vào hàng ngày, trong đó có những công ty giá trị hàng tỷ USD như Facebook, Apple, Google,.. Tại đây nhân viên có thể sở hữu đồng lương rất đáng mơ ước.
Tuy nhiên trên thực tế, startup là một con đường công gai và bạn luôn phải đối mặt với thất bại nhiều hơn là thành công. Khi tham gia một dự án startup, có nghĩa là bạn đã chấp nhận với đồng lương thấp so với mặt bằng chung cùng với một tần suất làm việc vất vả, đặc biệt là trong những năm đầu mới thành lập.
Muốn tách bạch chuyện "đời sống" và "công việc"
Môi trường startup điển hình rất hiếm mẫu nhân viên "chỉ làm việc 8 tiếng trên công ty", sau đó về nhà và trở thành một "con người khác". Thay vào đó, chúng ta thậm chí sẽ gặp các đồng nghiệp nhiều hơn bạn bè và gia đình. Họ sẽ làm chúng ta vui, buồn, hạnh phúc, tức giận. Họ sẽ là chỗ dựa, trở thành người bạn, hay thậm chí trở thành cuộc sống của chúng ta. Trụ sở công ty cũng sẽ dần thành ngôi nhà thứ 2 đối với các nhân viên startup, và góp phần khiến bạn gắn bó hơn, tận tâm hơn với công việc.
Chỉ muốn tìm lối thoát khỏi nỗi khó khăn
Trong cuộc sống, có những thời điểm chúng ta cảm thấy khó khăn, vất vả ở một công việc nào đó, và quyết định đi tìm một điểm đến khiến bạn thoải mái hơn. Lúc này, tình cờ bạn tìm thấy một dự án khởi nghiệp, và nghĩ rằng công việc ở đó dễ dàng, môi trường trẻ trung, dễ hòa nhập? Trên thực tế, các công ty khởi nghiệp thường đặt nặng "công việc" hơn là "vui chơi", nên bạn có thể sẽ không tìm thấy nhiều những giờ phút thư giãn tại đây.
Muốn nhanh chóng "tỏa sáng"
Xây dựng một công ty startup thành công có thể mất nhiều năm, và trong suốt quá trình ấy, bạn có thể chỉ là một nhân viên của một công ty "vô danh". Vì lý do này, làm việc ở một startup thường sẽ không phù hợp với các bạn trẻ đặt nặng chức danh, mức lương, hay chỉ tìm kiếm cảm giác "tự hào" khi nhắc tới công việc trước đám bạn cũ, cũng như trước mặt họ hàng trong gia đình.
Đi tìm sự ổn định
Thiếu ổn định vừa là ưu điểm và vừa là nhược điểm của một dự án startup. Sự thiếu ổn định này có thể dễ dàng biến thành một cuộc "phiêu lưu" trong mắt các bạn trẻ, khi chúng ta không biết khi nào công ty sẽ "phá sản" hay trở thành dự án "triệu đô" chỉ trong một vài năm, thậm chí một vài tháng.
Tuy nhiên sự thiếu ổn định của một công ty startup có thể nhanh chóng trở thành mối quan ngại hàng đầu cho những ai đang đi tìm một công việc lâu dài, với đồng lương ổn định tới tận ... cuối đời. Đa số họ đều cho rằng startup tồn tại quá nhiều "rủi ro" và khó lòng thích ứng được.
Thiếu sự quyết tâm
Mẫu người thiếu sự quyết tâm và kém kiên định, thường hay chịu tác động, lời ra tiếng vào bởi những người xung quanh thường khó lòng theo đuổi các dự án startup một cách lâu dài, và từ đây cũng đánh mất đi những cơ hội của bản thân.
Lý do là vì không phải công ty startup nào cũng thành công, hoặc sớm thành công. Trong suốt khoảng thời gian làm việc trong một dự án, có thể chúng ta sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn là khoảng thời gian hạnh phúc. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế áp lực đến từ rất nhiều nguồn khác nhau: Công việc, gia đình, bạn bè, người thân, hay thậm chí đến từ chính các đồng nghiệp của chúng ta.
Kết quả là người không đủ quyết tâm, cũng như không đủ "cứng đầu" thường không chịu được những áp lực này và từ từ bỏ dở dự án, hoặc không thể phát triển được các kỹ năng của bản thân.
Nguyễn Nguyễn
Theo Business Insider