Những “trò ma” hư trương thanh thế của Muaban24

(Dân trí) - Bằng việc núp bóng “Sàn giao dịch thương mại điện tử” trong một thời gian dài, Muaban24 đã tổ chức những cuộc đào tạo quy mô dẫn đến việc hàng chục nghìn người bị lừa và “nướng” tiền vào những gian hàng vô giá trị.

“Lá bùa” thương mại điện tử: Trò lừa trắng trợn

 

Như đã đưa tin, sau khi Dân trí liên tiếp có loạt bài lật tẩy mô hình kinh doanh “vô thừa nhận” và lộ rõ dấu hiệu lừa đảo của Muaban24, Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến đã âm thầm gỡ bỏ dòng chữ “Sàn giao dịch thương mại điện tử” trên website www.muaban24.vn.

 

Tuy nhiên, trong cả năm trời, dòng chữ này cùng với hàng trăm cuộc hội thảo ồn ào khắp cả nước gắn mác “đào tạo thương mại điện tử” của Muaban24 đã khiến hàng chục nghìn người bị lừa, chi tiền “phí đào tạo” để mua những gian hàng ảo vô giá trị.
 
Những “trò ma” hư trương thanh thế của Muaban24
Sau nhiều vụ lừa đảo khiến hàng trăm nông dân lâm nợ nần, ngày 17/7 vừa qua Muaban24 vẫn tổ chức một chương trình hội thảo với mác "Thương mại điện tử" tại Đăk Lăk (Ảnh chụp từ màn hình Muaban24.vn)

 

Đến nay, lãnh đạo Muaban24 đã nhiều lần lên tiếng cho rằng việc kinh doanh của họ là hoàn toàn đúng pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy điều ngược lại. Tháng 3/2012, sau nhiều lần được yêu cầu bổ sung và chỉnh sửa hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, Muaban24 chính thức nhận được công văn trả lời của Cục TMĐT và CNTT về việc không xác nhận đăng ký này.

 

Trong nhiều nguyên nhân mà Cục đưa ra, có việc hợp đồng giữa công ty và khách hàng bao gồm nhiều giao dịch khác nhau (giao dịch mua-bán, giao dịch tiếp thị hàng hóa, dịch vụ cho công ty và hưởng hoa hồng). Ngoài ra, hợp đồng này cũng không ghi rõ cơ chế phân chia hoa hồng, tiền thưởng và phúc lợi với khách hàng, không có điều khoản chấp dứt hợp đồng khi hết nhu cầu sử dụng dịch vụ hay chấm dứt quyền sử dụng dịch vụ và quyền thành viên nếu thành viên để trống gian hàng liên tục trong ba tháng.

 

Tất cả những điều đó cho thấy, Muaban24 không phải là một “Sàn giao dịch thương mại điện tử”. Mới đây nhất, Muaban24 đã bị khai trừ tư cách thành viên VECOM.

 

Tuy nhiên, cả trước và sau thời điểm tháng 3/2012, Muaban24 đã mặc nhiên sử dụng “lá bùa” thương mại điện tử để tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đào tạo… quy mô, cộng với việc các “hội viên” Muaban24 liên tục đưa ra những lời hứa hẹn kiểu “không cần làm cũng có ăn” khiến rất nhiều nạn nhân mắc bẫy.

 

Mới đây nhất, ngày 21/7, sau khi nhiều nạn nhân và chính hội viên của Muaban24 lên tiếng tố cáo hành vi lừa đảo trắng trợn của công ty này ở nhiều nơi, Muaban24 vẫn tổ chức buổi hội thảo hoành tráng ngay tại Hà Nội với hàng nghìn người tham gia và vẫn tiếp tục treo dòng chữ “Sàn giao dịch thương mại điện tử”.

 

Theo nhiều luật sư khi trao đổi với Dân trí, hành vi này có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” rõ rệt, bởi chính cái mác ảo “thương mại điện tử” mà Muaban24 cũng như các hội viên đưa ra đã khiến các nạn nhân tin tưởng và quyết định chi tiền để tham gia “dự án” và sở hữu các gian hàng.

 

Cắt xén, bịa đặt quyết định của Thủ tướng?

 

Trong quá trình tìm hiểu về Muaban24, chúng tôi phát hiện thêm nhiều dấu hiệu đáng lo ngại về việc sử dụng hình ảnh, phát ngôn của những người có uy tín trong xã hội.
 
Những “trò ma” hư trương thanh thế của Muaban24
Quyết định quan trọng của Thủ tướng bị trang liên kết với Muaban24 giả mạo trắng trợn (Ảnh cắt từ clip tư liệu do PV thu thập)

 

Đặc biệt, Muaban24 còn có đường link dẫn tới một website “vô danh” khác, trong đó quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015 bị “bóp méo” nghiêm trọng, gây sự hiểu lầm về việc Muaban24 được Chính phủ giao nhiệm vụ đồng hành phát triển TMĐT cùng chính phủ.

 

Theo đó, khi truy cập vào địa chỉ muaban24.vn/h..., sẽ có một bài viết “thanh minh” cho các dư luận xung quanh Muaban24 với tựa đề “Muaban24 Hướng đi thành công”.

 

Điều đáng ngạc nhiên là bài viết này lại link tới một website khác, trong đó quyết định 1073/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã bị cắt dán lộ liễu, dẫn đến thông tin mập mờ là Chính phủ chỉ định hoặc đồng ý cho Muaban24 đồng hành cùng kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015.

 

Cụ thể, phần đầu của quyết định quan trọng này bị cắt rời, đưa lên website theo dạng hình ảnh, phần cuối có chữ ký của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng bị cắt tương tự. Phần nội dung quyết định lại là dạng chữ viết (text), được chèn thêm một dòng chữ rất to, in màu đỏ nổi bật: MUABAN24.VN ĐỒNG HÀNH PHÁT TRIỂN NỀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CÙNG CHÍNH PHỦ.

 

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, quyết định này của Thủ tướng về về phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015 nêu ra những kế hoạch, giải pháp tổng thể và chi tiết, không một dòng nào nhắc tới Muaban24 hay một doanh nghiệp, sàn giao dịch TMĐT cụ thể nào.

 

Cách làm này của Muaban24 không phải là lạ lẫm, bởi trong rất nhiều nội dung khác, Muaban24 đã khéo léo sử dụng hình ảnh, lời nói của những người có uy tín trong xã hội nhằm “nâng tầm” mình trong mắt những người biết tới hoặc quan tâm tới website này.

 

Cùng với bộ máy “hội viên” đông đảo liên tục mời chào, dụ dỗ bằng những cam kết trên mây, Muaban24 vẫn đang tiếp tục thách thức pháp luật và kiếm tiền bất chính trên sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và tâm lý hám lợi của các nạn nhân.

 

Câu hỏi lớn nhất lúc này, là đến bao giờ hành vi này sẽ được chặn đứng? Và ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích của các nạn nhân, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, nông dân nghèo đã “nướng” những đồng tiền mồ hôi nước mắt theo những lời đường mật của Muaban24?

 

Ông Nguyễn Văn Phi - Giám đốc Công ty luật SPVN cho rằng: Hành vi tự động cắt dán, thêm bớt phần thông tin vào Quyết định 1073/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ làm khách hàng nhầm tưởng rằng Muaban24 được Chính phủ giao nhiệm vụ đồng hành phát triển TMĐT cùng chính phủ nhằm tạo dựng uy tín giả tạo để lôi kéo thành viên tham gia nhằm trục lợi có dấu hiệu của hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và có thể bị truy cứu TNHS theo tội thuộc Điều 139 - Bộ Luật hình sự. Theo luật, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được định nghĩa là cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản.

Điều 139 (BLHS): Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Hồng Kỹ