1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những “siêu phẩm” hàng “nhái” ở Trung Quốc

(Dân trí) - Các doanh nghiệp Trung Quốc xứng đáng được xếp vị trí số 1 về trình độ sao chép sản phẩm. Các mặt hàng “nhái” đến từ quốc gia này không chỉ giống hàng thật ở logo mà còn trên nhiều phương diện khác.

Tờ Business Week đã điểm lại những vụ hàng “nhái” nổi tiếng nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc, đồng thời cũng là những vụ gây nhiều bức xúc trong dư luận quốc tế. Những vụ hàng nhái này trải rộng ở nhiều lĩnh vực, từ tàu Titanic, tháp Eiffel, cho tới gian hàng của hãng Apple.

Tàu Titanic

Những “siêu phẩm” hàng “nhái” ở Trung Quốc


Một tỷ phú khai mỏ người Australia có tên Clive Palmer mới đây đã tuyên bố kế hoạch đóng một phiên bản con tàu Titanic lịch sử và sẽ thực hiện trong một hành trình từ Anh tới Mỹ vào năm 2016. Theo tuyên bố của ông Palmer, con tàu này sẽ có kích thước bằng đúng tàu Titanic thật. Giới chuyên gia ước tính, dự án “tàu Titanic” này sẽ tiêu tốn của ông Palmer số tiền 500 triệu USD. Công ty đóng tàu được ông Palmer “chọn mặt gửi vàng” cho dự án đầy tham vọng này là một công ty Trung Quốc có tên CSC Jinling Shipyard có trụ sở ở Nam Kinh. Ngoài “bản sao” tàu Titanic, CSC Jinling Shipyard còn đóng một đội tàu hạng sang khác cho tỷ phú Palmer.

Công viên giải trí Disneyland

Những “siêu phẩm” hàng “nhái” ở Trung Quốc


Cách thủ đô Bắc Kinh chừng 45 phút lái xe là công trường xây dựng Wonderland, một công viên giải trí sao chép công viên giải trí Disneyland nổi tiếng của Mỹ. Theo ý tưởng ban đầu của chủ đầu tư, một khi hoàn tất, công viên này sẽ là một điểm thu hút khách du lịch lớn. Tuy nhiên, dự án này đã bị đình lại suốt từ năm 1998 do mâu thuẫn không giải quyết được giữa chính quyền địa phương và nông dân xung quanh vấn đề giá đất. Một phần  công trình đã hoàn thành của công viên “nhái” này đến nay vẫn nằm chỏng chơ, chờ sự phá hủy của thời gian.

Thị trấn kiểu Anh

Những “siêu phẩm” hàng “nhái” ở Trung Quốc


Thị trấn Thames, nằm ở ngoại vi Thượng Hải, mở cửa vào năm 2006. Thị trấn này là một phần của chương trình “Một thành phố, 9 thị trấn” của Thượng Hải. Đúng như tên gọi, đây là một thị trấn lấy cảm hứng từ nước Anh, với những tòa nhà xây thấp, có một quảng trường chính, những bốt điện thoại màu đỏ, những con phố mang tên High, Oxford và Queen, thậm chí có cả sông Thames nhân tạo. Theo dự kiến ban đầu, thị trấn này sẽ là nơi cư trú của 10.000 cư dân. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực quảng cáo, số người đến đây ở vẫn rất thưa thớt. Thị trấn Thames vì thế gần giống như một “thị trấn ma”, nhưng vẫn được nhiều cặp cô dâu chú rể chọn là nơi chụp ảnh cưới.

Quận tài chính kiểu Mỹ

Những “siêu phẩm” hàng “nhái” ở Trung Quốc


Quận tài chính Yujiapu ở thành phố Thiên Tân của Trung Quốc đang được xây dựng theo phong cách khu Manhattan nổi tiếng ở thành phố New York của Mỹ. Theo kế hoạch được đề ra, Yujiapu cũng sẽ có các trung tâm mô phỏng trung tâm Rockefeller và Lincoln ở Manhattan. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, chính quyền Thiên Tân có thể sẽ phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc mới có thể hoàn tất dự án “nhái” này, vì thành phố này hiện đang trong cảnh nợ công chồng chất.

Tháp Eiffel

Những “siêu phẩm” hàng “nhái” ở Trung Quốc


Khu nhà ở cao cấp Tianducheng gần thành phố Hàng Châu của Trung Quốc có hẳn một “tháp Eiffel” với chiều cao 108 mét. Trong số các bản sao tòa tháp nổi tiếng này trên thế giới, thì tòa tháp của Tianducheng đứng thì nhì về chiều cao, sao tòa tháp ở khách sạn Paris Las Vegas ở bang Nevada của Mỹ. Ngoài “tháp Eiffel”, Tianchengdu còn có bản sao của Bassin de Latone - đài phun nước bên ngoài cung điện Versailles, và Khải hoàn môn (Arc de Triomphe).

Lâu đài Château Maisons-Laffitte

Những “siêu phẩm” hàng “nhái” ở Trung Quốc


Doanh nhân bất động sản Zhang Yuchen của Trung Quốc đã cho xây một bản sao của lâu đài Château Maisons-Laffitte nổi tiếng của nước Pháp ngay tại ngoại ô thành phố Bắc Kinh. Ông Zhang cho biết, tòa lâu đài này đã tiêu tốn của ông số tiền 50 triệu USD theo thời giá vào năm 2004. Tuy nhiên, tòa lâu đài của ông Zhang không giống như đúc so với bản gốc được, vì ông đã bổ sung thêm nhiều chi tiết mới.

Gian hàng Apple

Những “siêu phẩm” hàng “nhái” ở Trung Quốc


Gian hàng “nhái” gian hàng của hãng điện tử Apple bị phát hiện vào mùa hè năm ngoái ở Côn Minh, Vân Nam. Gian hàng này sao chép gian hàng của Apple từ những chi tiết nhỏ nhất, khiến người tiêu dùng khó mà phát hiện nổi. Tuy nhiên, một tấm biển của gian hàng lại viết nhầm là “Apple Stoer” thay vì “Apple Store”.

Gian hàng Ikea

Những “siêu phẩm” hàng “nhái” ở Trung Quốc


Hãng đồ nội thất 11 Funiture của Trung Quốc đã sử dụng hai gam màu xanh nước biển-vàng và phong cách thiết kế gian hàng của hãng Ikea của Thụy Điển. Gian hàng này cũng nằm ở thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam. Ikea đã có 9 cửa hàng ở Trung Quốc và rất ăn nên làm ra, nên có lẽ không có gì là khó hiểu khi 11 Funiture lại tìm cách “nhái” cách làm của đối thủ ngoại này.
Phương Anh
Theo Business Week