Những quyết định làm “dậy sóng” thị trường giao thức ăn trực tuyến

(Dân trí) - Trong khi các tay chơi kỳ cựu chọn cách bán mình hoặc thoái lui, thì các tân binh thể hiện tham vọng bành trướng, mở rộng độ phủ.

Rút lui, bán mình

Cuối năm 2018, LaLa - dịch vụ giao thức ăn của “ông lớn” Scommerce bất ngờ biến mất khỏi thị trường sau vài tháng vận hành. Với thành công của Giao Hàng Nhanh trong mảng giao nhận, LaLa từng nhận kỳ vọng góp phần nâng vị thế của Scommerce. Tuy nhiên, quyết định tháo chạy đột ngột đặt ra dấu chấm hỏi lớn cho người tiêu dùng lẫn giới kinh doanh, bởi trước đó dịch vụ không hề thông tin gì về việc gián đoạn hoạt động.

Chưa đầy 3 tháng sau, thị trường tiếp tục đón nhận thông tin một startup Hàn Quốc đã mua lại Vietnammm. Việc mua lại Vietnammm được cho là ghép vào mảnh dịch vụ còn thiếu của đơn vị này ở Việt Nam.

Những quyết định làm “dậy sóng” thị trường giao thức ăn trực tuyến - 1
Từng đình đám một thời - Vietnammm đã phải bán mình cho “kì lân” Hàn Quốc

Là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực gọi thức ăn tại Việt Nam vào năm 2012, Vietnammm từng chi khủng để thâu tóm đối thủ FoodPanda đến từ nước bạn. Dù vậy, quyết định bán mình của tay chơi kỳ cựu này được dự đoán từ trước bởi tình hình hoạt động của không mấy khởi sắc, nếu không muốn nói là khá im ắng và có dấu hiệu đuối vốn nhiều năm qua.

Dịch vụ không xây dựng mạng lưới giao hàng riêng mà sử dụng đối tác bên thứ ba là AhaMove. Trong khi các đối thủ ra đời sau như Grab, Foody và Go-Viet kết hợp giao nhận, “xe ôm” để tối ưu chi phí chi trả cho đội ngũ tài xế thì Vietnammm lại vướng áp lực do chỉ cung cấp độc nhất dịch vụ giao thức ăn.

Ở góc nhìn tổng quan, quyết định tháo chạy của LaLa, cú bán mình của Vietnammm chứng minh sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong sàn đấu giao thức ăn trực tuyến, vốn được đánh giá kém hấp dẫn khi tổng giá trị thị trường dự đoán chỉ đạt 38 triệu USD đến hết 2020.

Mở rộng, bành trướng

Ở thái cực còn lại, các dịch vụ giao thức ăn từ Grab, Go-Viet và Foody đang ngày càng ăn nên làm ra, được người dùng đón nhận. Khác với hoạt động kém rầm rộ từ các tay chơi lâu năm, ba “kỳ phùng địch thủ” này liên tục khiến thị trường dậy sóng với những quyết định tham vọng.

Đầu tiên, Go-Viet chứng tỏ sức mạnh hậu thuẫn của startup “kỳ lân” Go-Jek. Thông qua việc hạ chiết khấu, hãng nhanh chóng hình thành đội quân áo đỏ phủ khắp TP HCM, Hà Nội.

Cuối 2018, không lâu sau khi Now của Foody thể hiện mục tiêu trở thành “vua giao thức ăn” khi hoạt động tại 14 tỉnh thành, Grab cũng quyết định tăng độ phủ đến 15 tỉnh thành với bàn đạp là mạng lưới 175.000 tài xế khắp cả nước, sau thành công vang dội tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Mở đầu cuộc đua sau Tết 2019, GrabFood tiếp tục “đánh tiếng” với các đối thủ trong ngành về vị thế đã đạt được. Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Kantar TNS, trong tháng 1/2019 GrabFood nhận được sự ủng hộ từ 68% người dùng khi được khảo sát về ứng dụng giao thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất.

Bên cạnh mức độ hài lòng của người dùng, tốc độ phát triển của GrabFood cũng tăng 25 lần sau 8 tháng, đối tác kinh doanh tăng gấp 10 lần, thời gian giao hàng trung bình giảm còn 20 phút.

Nhìn lại cách đây 8 tháng khi GrabFood chỉ mới là “tay chơi mới” trên thị trường, có thể thấy chất lượng dịch vụ đi đôi với tiềm lực về công nghệ chính là yếu tố trọng tâm để doanh nghiệp này tiến xa. Bên cạnh đó, lợi thế về công nghệ, dữ liệu của Grab trong 5 năm hoạt động tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm khai thác mảng giao đồ ăn ở thị trường Indonesia, Thái Lan đã giúp GrabFood đi nhanh hơn các đối thủ.

Những quyết định làm “dậy sóng” thị trường giao thức ăn trực tuyến - 2
Lợi thế về đội ngũ tài xế khổng lồ đang giúp GrabFood đi nhanh hơn các đối thủ

Chị Hồng Ngọc, nhân viên văn phòng (quận 10) cho biết từ khi Grab có thêm mảng gọi món, chị gần như chuyển sang dùng dịch vụ này thay vì Vietnammm như truớc đây. “Vì tôi có sẵn ví GrabPay, điểm thưởng GrabReward nên rất tiện lợi để đặt món trên ứng dụng này. Chưa kể đến các chương trình khuyến mãi hấp hẫn khiến tôi thích thú gọi món hằng ngày”.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết: “Thách thức của GrabFood là không hề nhỏ, tuy nhiên chúng tôi cũng có những thế mạnh về công nghệ của riêng mình. Grab am hiểu được khẩu vị và phong cách ăn uống của khách hàng, từ đó mang đến những gợi ý món ăn phù hợp, cá nhân hoá trải nghiệm cho người tiêu dùng”.

Trong khi thị trường gọi món vẫn đang chuyển mình từng ngày với cuộc chạy đua khốc liệt của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ thì người hưởng lợi vẫn là người tiêu dùng. Do đó, lòng tin khách hàng mới là thành tố quyết định thành bại của doanh nghiệp.