Những ông “vua một xứ”, vung tay phá tiền tỷ

Những sai phạm trăm ngàn tỷ tại các ngân hàng thời gian qua có khi chỉ ở một chi nhánh hay một vài cá nhân quản lý cấp thấp. Những cá nhân được giao quyền quá lớn chẳng khác nào ông “vua một xứ”, quyền lực lớn nhưng cũng gây ra nhiều sai phạm khủng khiếp.

“Bóng ma” thẩm quyền

 

Dư luận đang quan tâm với việc một chí nhánh ngân hàng chuyên cho vay vốn ưu đãi của nhà nước đã cho vay mất vốn lên đến hơn 350 tỷ đồng.

 

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao giám đốc chi nhánh thôi mà có khả năng cho vay con số khủng khiếp thế? Chẳng nhẽ các cơ quan hội sở không biết gì, không kịp ngăn chặn?.

 

Vấn đề ở đây là thẩm quyền. Theo thông tin, có được thẩm quyền của giám đốc chi nhánh cấp tỉnh này lên tới 20 tỷ và không giới hạn tín dụng đối với một khách hàng. Đây là cách điều tối kị trong quản trị ngân hàng.

 

Thẩm quyền quá lớn khi năng lực hạn chế đã gây ra nhiều sai phạm.

 

Theo chuyên gia pháp lý của một NH, “thẩm quyền ở đây hiểu là thẩm quyền phán quyết cho vay, cấp bảo lãnh, mở L/C và các hoạt động khác... NH có đặc thù là địa bàn kinh doanh trải dài trên toàn quốc, thậm chí ra nước ngoài, các hoạt động kinh doanh tương đối nhạy cảm nên việc phân quyền thường phải rõ ràng, mỗi cấp chỉ có thẩm quyền được cho vay bao nhiêu, phát hành bảo lãnh bao nhiêu để quản trị rủi ro và kiểm soát việc cho vay… “.

 

Còn theo lãnh đạo khối QTRR của một NH thì đơn vị của ông phân quyền cụ thể bằng văn bản đối với từng cấp cán bộ dựa vào đặc thù địa bàn, năng lực của từng người chứ không giống nhau.

 

“Cùng là giám đốc chi nhánh, nhưng không phải thẩm quyền là giống nhau mà phải dựa vào địa bàn, năng lực”.

 

Hiện nay, chính sách thẩm quyền của các NH khác nhau. Các NH quốc doanh và NH cổ phần có gốc nhà nước đang có xu hướng trao thẩm quyền lớn, thậm chí lớn hơn rất nhiều cho cấp giám đốc chi nhánh so với các ngân hàng TMCP.

 

“Cùng trên địa bàn tỉnh, nhưng giám đốc NH kia có thể thẩm quyền lên tới hàng chục tỷ, nhưng bản thân tôi chỉ có thẩm quyền tối đa tới 2 tỷ”, giám đốc một CN ngân hàng cổ phần chia sẻ.

 

Thậm chí, theo một chuyên gia, nếu so sánh thì có những giám đốc chi nhánh của khối Nh quốc doanh và NH cổ phần gốc nhà nước có thẩm quyền ngang tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cổ phần cấp trung.

 

“Nhiều khi đây sẽ là lợi thế cạnh tranh ngầm giữa các NH trên cùng địa bàn. Đương nhiên, anh có thẩm quyền lớn hơn sẽ dám hứa hẹn, dám quyết, và thậm chí chỉ đạo cho vay nhanh hơn và khách hàng sẽ khoái hơn. Khi đứng trước một NH có thể quyết liền điều này, với một NH khác thì phải trình lên cấp cao hơn, chờ thông báo phê duyệt hơn thì đương nhiên khách sẽ chọn người quyết liền”.

 

Các NH cũng nhận ra vấn đề thẩm quyền nên quy định tương đối chặt và coi đây là lỗi vi phạm khá nặng.

 

Theo Tổng giám đốc một cổ phần thì “Vi phạm thẩm quyền là bị đuổi việc ngay, không bàn cãi”. Chặt là thế, tuy nhiên, việc vi phạm thẩm quyền vẫn diễn ra.

 

Điển hình như kết luận thanh tra của một NH quốc doanh mới đây chỉ ra rất rõ vấn đề vi phạm thẩm quyền tại ngân hàng này.

 

Cụ thể, từ 16/6/2009 đến 12/7/2011 có đến 189 khách hàng được phê duyệt cấp tín dụng nhưng không có văn bản ủy quyền của Tổng Giám đốc theo quy định, với tổng dư nợ tại thời điểm 31/12/2011 là: 13.816,3 tỷ đồng, nợ xấu là 1.046,09 tỷ đồng. Tức là gần 14.000 tỷ đồng tiền được các cấp không có thẩm quyền quyết cho vay để lại hậu quả là phải xử hơn 1.000 tỷ do nợ xấu.

 

Từ đó mới thấy những lỗ hổng với chính sách thẩm quyền tại các chi nhánh ngân hàng, giám đốc chi nhánh… để lại những hậu quả to lớn.

 

Hướng tới quản trị tập trung

 

“Giao cho giám đốc chi nhánh, đặc biệt là chi nhánh ở xa một thẩm quyền phán quyết quá lớn, mà điều kiện thanh tra, kiểm soát chưa liên tục thì chẳng khác nào cho người ta làm vua một xứ”, một chuyên gia NH đã từng phải thốt lên như vậy về thẩm quyền phán quyết và việc phán quyết cho vay tại một số chi nhánh NH.

 

Để hạn chế tình trạng chi nhánh cho chui, vượt quyền mà hội sở không biết thì các NH đang rục rịch chuyển đổi mô hình cơ chế về phán quyết tập trung..

 

Theo đó, thẩm quyền phán quyết sẽ tập trung tại hội sở, với các chuyên gia phê duyệt tín dụng các cấp. Đây là những người có kinh nghiệm, có ủy quyền rõ ràng của tổng Giám đốc để phán quyết cho vay hay từ chối. Một số NH khác cũng đang rục rịch chuyển đổi sang mô hình này vì rõ ràng nó sẽ giảm thiểu được rủi ro hơn do cấp hội sở bao giờ cũng có nhiều cơ quan chuyên môn cho ý kiến, các cấp phê duyệt có kinh nghiệm, công tác kiểm soát việc phán quyết sẽ gọn gàng, không phải trải dài và đặc biệt là hay bị các cơ quan thanh tra, giám sát bên ngoài thanh tra, giám sát.

 

Tuy nhiên, mô hình này cũng không phải được hoanh nghênh hoàn toàn do các giám đốc chi nhánh sẽ mất đi nhiều quyền lực. Và một NH quốc doanh hay cổ phần gốc nhà nước vẫn đang ì ạch, chưa chuyển đổi được mô hình.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi chưa đồng đều hiện nay, cũng gây băn khoăn cho các giám đốc chi nhánh: “Về phán quyết tập trung và giải ngân tập trung tại hội sở có thể làm gia tăng thời gian chờ đợi của khách hàng, và điều làm chúng tôi sợ nhất là mất khách hàng vì các NH khác trên cùng địa bàn vẫn làm như xưa, vẫn có thể giải ngân khi thiếu một vài chứng từ. Còn tập trung, thì mọi việc giải ngân sẽ bắt buộc phải đầy đủ, hoàn thiện khiến khách hàng khó chịu, bỏ đi”.

 

Có lẽ đây cũng là băn khoăn đúng nhưng có lẽ các công cụ quản trị rủi ro phải áp dụng triệt để hơn để phòng ngừa các rủi ro.

 

Theo Nguyễn Thanh Ngọc

VEF

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước